Chứng khoán châu Âu tiếp tục trượt dốc, Stoxx Europe 600 giảm 2,7%, DAX của Đức mất 3,6%. Nikkei 225 của Nhật Bản, Kospi của Hàn Quốc và S&P/ASX 200 của Úc rớt hơn 3%. Đà sụt giảm này đã đẩy các chỉ số lớn rơi vào vùng điều chỉnh – tương đương giảm 10% so với mức đỉnh mới thiết lập. Ở phiên giao dịch ngày hôm qua, chứng khoán Mỹ chìm sâu trong vùng điều chỉnh, ghi nhận đà sụt giảm 6 ngày liên tiếp.
Sau chứng khoán Mỹ, các chỉ số chứng khoán của châu Á và châu Âu đồng loạt rơi vào vùng điều chỉnh.
Hợp đồng tương lai S&P 500 cũng giảm 0,7% vào ngày 28/2, cho thấy diễn biến sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi thị trường Mỹ mở cửa. Ở phiên 27/2, chỉ số này ghi nhận đà giảm trong 1 phiên lớn nhất kể từ tháng 8/2011 và rơi vào vùng điều chỉnh chỉ trong 6 ngày kể từ khi lập đỉnh mới, giảm 12% so với mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 19/2. Dow Jones ở phiên này cũng giảm tới 1.190,95 điểm, tương đương 4,4%, xuống còn 25.766,64 điểm, giảm 3.200 điểm trong 4 ngày giao dịch kể từ đầu tuần.
Peter Dixon – nhà kinh tế tại Commerzbank, nhận định: "Hôm nay là phiên cuối cùng của một tuần với đầy biến động và nhà đầu tư không muốn mạo hiểm vào cuối tuần. Bởi vậy, hãy bán ra ngay bây giờ và tạm thời gác lại mối lo ngại về kết quả."
Tính đến ngày 28/2, thế giới đã ghi nhận hơn 82.000 trường hợp nhiễm virus corona và 2.800 người tử vong. Dịch bệnh đã lây lan đến ít nhất 46 quốc gia, theo số liệu của WHO. Số ca nhiễm mới Trung Quốc hiện đã thấp nhất trong khoảng 4 tuần trở lại đây, với 327 ca dương tính với virus corona mới và 44 ca tử vong vào ngày 28/2. Ở Hàn Quốc số ca nhiễm đã vượt quá 2.300.
Diễn biến của các chỉ số, cùng giá dầu và lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm đến 16 giờ 30 ngày 28/2.
Kể từ đầu tuần này, thị trường chứng khoán khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng chứng kiến tình trạng bán tháo mạnh, hiện mức vốn hoá bị "thổi bay" đã lên đến hàng nghìn tỷ USD. Ví dụ, chỉ số FTSE All World đã giảm gần 10% trong 6 phiên liên tiếp cho đến ngày 27/2, mất khoảng 5,2 nghìn tỷ USD đến 47,1 nghìn tỷ USD, theo Refinitiv Datastream.
Cổ phiếu ngành vật liệu, xây dựng, vận tải và tài chính cũng ghi nhận đà trượt dốc mạnh, do nhà đầu tư lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế, các lệnh hạn chế đi lại và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ đầu năm đến nay, trên sàn Hồng Kông, cổ phiếu của PetroChina đã mất tới 22%, HSBC và Ngân hàng Công thương Trung Quốc – ngân hàng lớn nhất quốc gia này, cũng rớt khoảng 11%. Tại Úc, cổ phiếu của "gã khổng lồ" ngành khai thác – BHP, cũng lao dốc ở phiên 28/2, ghi nhận mức giảm từ đầu năm đến nay là 13%.
Chịu áp lực từ tâm lý lo ngại bao trùm thị trường toàn cầu, giá dầu tiếp tục đi xuống. Giá dầu thô Brent giảm 2,7%, xuống còn 50,78 USD/thùng, theo Futuresource. Cổ phiếu của các công ty internet và chăm sóc sức khoẻ cũng không thoái khỏi "sắc đỏ". Kết thúc phiên 28/2, cổ phiếu Tencent rớt 3%, nhưng vẫn ghi nhận đà tăng 3% từ đầu năm đến nay.
Ở một diễn biến khác, nhà đầu tư vẫn đổ xô tìm đến các loại tài sản an toàn. Giá vàng giảm 0,3%. Lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ 10 năm tiếp tục rớt 1,218% dù trước đó đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Tham khảo Wall Street Journal