Chỉ còn vài giờ nữa, thế giới sẽ biết Tổng thống Mỹ Donald Trump có nâng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hay không. Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kết thúc vào ngày 10/5. Bắt đầu với những sóng gió, người ta đang kỳ vọng các cuộc đàm phán sẽ giúp bình yên trở lại, dù nó rất mong manh.
Cuối tuần trước, ông Trump viết vài dòng thông điệp trên mạng xã hội Twitter, đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu vào hỗn loạn. Cáo buộc Trung Quốc phá hỏng thỏa thuận thương mại, ông Trump đe dọa nâng thuế từ 10% lên 25% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và sớm đánh thuế nốt lượng hàng hóa nhập khẩu còn lại.
Một tweet mới cho thấy Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đang họp để thảo luận về thương mại. Nó đã xóa sạch thành quả mà chứng khoán tương lai của Mỹ đạt được. Các chỉ số chính cũng giảm ngay cả khi ông Trump nói rằng ông nhận được một lá thư "tốt đẹp" từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai người có thể nói chuyện qua điện thoại.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi nỗi đau. MSCI AC World Index đã mất hơn 2,1 nghìn tỷ USD. Chỉ số Topix của Nhật Bản thì bị thổi bay mọi thành quả suốt nửa đầu năm 2019. S&P 500 đã sẵn sàng cho một tuần tồi tệ nhất kể từ trước Giáng sinh sau khi rơi phiên thứ 4 liên tiếp. Khối ngoại ồ ạt tháo chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc trước hạn chót đàm phán thương mại. Đến lúc này, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo 4,4 tỷ tệ cổ phiếu Trung Quốc, tương đương 640 triệu USD mỗi ngày.
Trong khi đó, chỉ số đo nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư tăng vọt với mức cao chưa từng thấy kể từ tháng Giêng. Ngân hàng và các nhà quản lý tiền tệ đã cân nhắc về những ảnh hưởng của một thỏa thuận thương mại trong cả hai trường hợp đạt được và không đạt được.
Cả Manny Roman của Pimco và CEO JPMorgan Jamie Dimon đều cho rằng cơ hội đạt thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung là 80% dù có thể, sẽ chưa phải lúc này. Alec Phillips của Goldman thì cho rằng 60% khả năng mức thuế cao hơn sẽ được Mỹ áp dụng trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại khó có thể đạt được đột phá.
Hiện tại, các quỹ và nhà đầu tư đều có tâm lý thân trọng hơn với các cổ phiếu ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Khoảng thời gian nghỉ trưa phiên giao dịch ở châu Á ngày hôm nay có lẽ sẽ trở thành thời điểm mà không ai thực sự được nghỉ ngơi.