Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc và hiệu suất của chỉ số MSCI theo dõi các công ty nước này niêm yết ở Hong Kong và Mỹ, có mối tương quan mạnh mẽ. Liên kết rõ ràng đến mức các nhà quản lý quỹ cũng phải nghiên cứu một loạt chỉ số vĩ mô nhằm đoán xem nền kinh tế lớn nhất châu Á đang tăng trưởng nhanh như thế nào. Tuy nhiên, điều này bắt đầu thay đổi từ 2017. Năm ngoái, MSCI của Trung Quốc tăng 52%, đánh bại S&P 500 lần đầu tiên kể từ 2012 mặc dù tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Cho đến gần đây, diễn biến của chỉ số MSCI Trung Quốc luôn gắn liền với tăng trưởng GDP. (Nguồn: Bloomberg)
Giới quan sát có thể cho rằng một bong bóng tài sản đang hình thành. Khi "mối quan hệ" chứng khoán - kinh tế đứt gãy trong 2015, rung lắc tại thị trường đại lục lan sang cả Hong Kong. Sau đó thị trường sụp đổ, dẫn đến một đợt điều chỉnh.
Một quan điểm trái ngược là Trung Quốc đang "hành xử" như một nền kinh tế tiên tiến. Tại Mỹ, S&P 500 chịu tác động lớn từ việc các công ty mua lại cổ phiếu hơn là tình trạng nền kinh tế.
Kết quả của S&P 500 không phụ thuộc vào tăng trưởng GDP. (Nguồn: Bloomberg)
Ở thị trường châu Á này, rất nhiều chất xúc tác khác có thể đẩy cổ phiếu lên.
Hợp nhất ngành là một ví dụ. Chừng nào cá lớn (thường là những công ty cổ phần) có thể nuốt được cá nhỏ hơn, các công ty có thể phát triển nhanh hơn rất nhiều so với GDP (mục tiêu 6,5%). Vị thế thị trường mạnh hơn cũng đồng nghĩa với giá tốt hơn và biên lợi nhuận cao hơn.
Năm ngoái, 3 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Country Garden, Sunac và Evergrande, có kết quả tốt nhất trên sàn Hong Kong bất chấp chiến dịch siết chặt ngành của Bắc Kinh. Citigroup ước tính 10 công ty bất động sản hàng đầu của Trung Quốc có thể chiếm 35% thị phần năm nay, gần gấp đôi mức 20% trong 2016.
Các cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của Tập đoàn Điện tử Haier cũng tăng 30% trong 2018 khi chiếm được thị phần của Siemens AG; hay Điện gia dụng Gree với cổ phiếu trên sàn Thâm Quyến tăng 57% trong 12 tháng qua nhờ vị trí cao trong thị trường. Theo ước tính của Morgan Stanley, 5 công ty điều hòa hàng đầu hiện nay chiếm 84% thị phần tại nước này, tăng 12 điểm phần trăm so với 5 năm trước.
Haier chiếm được thị phần của Siemens. (Nguồn: CICC)
Các công ty lớn nhất của một số ngành công nghiệp Trung Quốc liên tục củng cố vị thế trong 5 năm qua (Nguồn: Morgan Stanley)
Xu hướng hợp nhất cũng được nhìn thấy ở ngành công nghiệp bia. Trong bối cảnh đàm phán mua lại mảng kinh doanh của Heineken ở đây, Bia Tài nguyên Trung Quốc đã đánh bại thị trường năm nay, với cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong tăng 24% - cao hơn nhiều so với mức tăng 1,7% chỉ số Hang Seng.
Không quá khó để nhận ra câu chuyện của cường quốc châu Á: Guồng quay tăng trưởng có thể đang chậm lại nhưng thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng liên quan đến nền kinh tế.