Chỉ số Shanghai Composite tụt 0,5% lúc đóng cửa trong phiên giao dịch ngày 26/6, đánh dấu mức sụt giảm 20% so với đỉnh hồi tháng 1. Sự sụt giảm nghiêm trọng của cổ phiếu hàng không bắt nguồn từ việc đồng nhân dân tệ giảm giá làm tăng áp lực nợ bằng USD cùng với cú trượt dài của các nhà phát triển bất động sản là nguyên nhân chính cho tình cảnh bi đát với chứng khoán Trung Quốc.
Các nhà đầu tư, phần lớn chẳng mấy để tâm tới các biện pháp của chính phủ nhằm hỗ trợ tâm lý thị trường bởi căng thẳng trong mối quan hệ thương mại với Mỹ tiếp tục gây những tác động xấu. Thêm vào đó là những lo ngại về tốc độ phát triển chậm lại của Trung Quốc và tăng trưởng thực tế yếu hơn so với dự kiến.
"Chủ nghĩa bi quan sẽ tiếp tục gia tăng khi nhiều công ty đang đứng trên bờ vực bị margin call. Chỉ số Shanghai Composite sẽ giảm ít nhất 10% so với mức hiện tại", Sun Jianbo, Chủ tịch China Vision Capital tại Bắc Kinh, nhận định.
Hiện tại, đồng tệ đã giảm 0,3% xuống mức thấp nhất trong sau tháng trong khi tỷ giá hối đoái giảm trong ngày thứ 9, chuỗi ngày giảm tồi tệ nhất trong hơn 4 năm. Trái phiếu tăng, với lợi suất 10 năm giảm 1 điểm cơ bản xuống còn 3,59%.
Qian Qimin, một chiến lược gia tại Shenwan Hongyuan Group Co. ở Thượng Hải, nhận định: "Tôi chưa nhìn thấy đáy. Đồng tệ suy yếu làm tổn thương nghiêm trọng các công ty có tỷ lệ nợ bằng USD cao".
Tại Hồng Kông, lực bán mạnh với 26% công ty niêm yết trên Hang Seng China Enterprises có muawcs giảm mạnh nhất trong một năm. Đây cũng là tỷ trọng giảm thiểu lớn nhất kể từ thời điểm thị trường rung lắc mạnh mẽ năm 2016.
Shanghai Composite đã giảm gần 14% trong năm nay, mức giảm tồi tệ nhất trong số các chỉ số chính trong khu vực và thế giới. Căng thẳng thương mại leo thang đúng thời điểm bất lợi cho Trung Quốc càng khiến tình hình trở nên tồi tệ, khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc chính thức bước vào thị trường gấu.