Trong phiên giao dịch ngoài giờ, chứng khoán tương lai Mỹ đồng loạt giảm điểm khi các nhà đầu tư tập trung theo dõi căng thẳng ở biên giới Ukraine cộng với tâm lý chuẩn bị cho đợt tăng lãi suất tiềm năng của FED. Dow Jones Futures có lúc giảm tới 300 điểm, tương đương gần 1% trước khi phục hồi. S&P 500 Futures và Nasdaq Futures ở trong tình cảnh tương tự.
Tuy nhiên, lúc 19h43 theo giờ Hà Nội, Dow Jones Futures chỉ còn giảm 62,9 điểm, tương đương khoảng 0,1%. S&P 500 và Nasdaq futures cũng đang tiến dần về mốc tham chiếu khi chỉ còn giảm lần lượt là 0,12 và 0,19%. Tới 20h02, Dow Jones Futures tăng 0,03% trong khi S&P 500 và Nasdaq Futures tăng lần lượt 0,11 và 0,13%.
Nói về cú giảm trước đó, Robert Cantwell, giám đốc đầu tư của Upholdings, cho biết nỗi sợ thực sự của thị trường là việc Trung Quốc ủng hộ Nga và mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục xấu đi.
"Sự thay đổi trong mối quan hệ của Mỹ với các siêu cường kinh tế khác mới thực sự là điều đáng sợ và sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế", Cantwell nói.
Trong khi phương Tây cho rằng Nga sắp tấn công Ukraine, một số hãng hàng không đã tạm dừng hoặc chuyển hướng các chuyến bay tới Ukraine. Lầu Năm Góc thì ra lệnh rút quân đội Mỹ khỏi quốc gia này.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng tiếp tục cân nhắc tác động tiềm tàng của lạm phát gia tăng đối với nền kinh tế Mỹ cũng như các biện pháp tiềm năng mà cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể thực hiện để ngăn chặn đà tăng giá.
Những động thái này diễn ra trong một tuần đầy khó khăn đối với thị trường chứng khoán, vốn bị áp lực bởi báo cáo lạm phát nóng và lo ngại về một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Chỉ riêng phiên giao dịch cuối tuần trước, Dow Jones đã giảm 503 điểm, tương đương 1,43% trong khi S&P 500 và Nasdaq đồng loạt giảm lần lượt 1,9% và 2,8%.
Hiện tại, các cuộc đàm phán giữa phương Tây với Nga, trong đó có cuộc đàm thoại được mong chờ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không đạt được bất cứ đột phá nào. Kết thúc sau hơn 1 giờ, 2 nhà lãnh đạo Nga và Mỹ tiếp tục nhắc lại lập trường của mình về vấn đề Ukraine mà không nhận được hồi đáp như mong muốn từ phía đối phương.
Với những gì đang diễn ra, chứng khoán Mỹ dự kiến có phiên giao dịch đầu tuần đi ngược lại với cả thế giới. Trước đó, do ảnh hưởng từ cú bán tháo cuối tuần trước của chứng khoán Mỹ, Stoxx Europe 600 có lúc mất 3,4% với dẫn đầu là cổ phiếu ngân hàng, doanh nghiệp du lịch và giải trí. Nikkei 225 của Nhật Bản cùng giảm 2,2% và Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1%.
Giá dầu WTI hiện chỉ còn 92,47 USD/thùng, giảm 0,7% so với phiên giao dịch trước đó. Dầu Brent cũng giảm 0,73% xuống còn 93,75 USD/thùng. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống 1,924% từ mức 1,951% của hôm thứ 6. Trước đó, nó leo lên mức kỷ lục 2,028%.