Sự đánh giá lại của các nhà đầu tư với khả năng phục hồi kinh tế cùng diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh leo thang là lý do khiến các nhà đầu tư bán ra.
Dow Jones futures đã mất tới 560 điểm. Tính tới 15h25 theo giờ Hà Nội, Dow Jones futures được giao dịch với 26.389 điểm, tương đương mức giảm hơn 570 điểm, tương đương hơn 2%.
S&P 500 và Nasdaq futures cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự với mức giảm lần lượt là 1,64 và 1,15%. Hai ngày trước, cả Dow Jones và S&P 500 cũng lâm vào tình cảnh giảm điểm trong 2 ngày qua nhưng Nasdaq vừa có phiên đóng cửa trên 10.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử ngày 10/6. Cú tăng liên tiếp trong những tuần qua đưa Nasdaq tăng 10% trong năm 2020.
Mối lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ 2 ở Mỹ tăng lên khi các tiểu bang tăng cường các biện pháp nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế. Texas đã có 3 ngày liên tiếp số ca mắc Covid-19 phá kỷ lục. Tại California, nhiều nơi ghi nhận trường mắc mắc Covid-19 tăng đột biến. Số trường hợp phải nhập viện cũng tăng mạnh.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang đánh giá lại khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Cục dự trữ Liên bang (FED) vừa đưa ra chính sách tiền tệ mới. Các nhà hoạch định chính sách nhất trí giữ lãi suất không đổi, điều cho thấy mức lãi suất sẽ không tăng cho tới năm 2022.
"FED hiểu chúng ta mới đang chỉ trong giai đoạn đầu của phục hồi kinh tế và thực hiện các thay đổi là quá sớm ở thời điểm hiện tại", Charlie Ripley, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Allianz Investment Management, chia sẻ.
Bên cạnh đó, Fed cho biết họ sẽ duy trì tốc độ mua trái phiếu này trong những tháng tới. Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ có thể giảm 6,5% vào năm 2020 trước khi mở rộng thêm 5% vào năm 2021.
Các nhà đầu tư đang chờ dữ liệu từ báo cáo thất nghiệp mới cho tuần kết thúc vào ngày 6/6. Dự kiến, nó sẽ được công bố lúc 8h30 ngày 11/6 theo giờ Mỹ.
Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Dow Jones cho biết số hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thất nghiệp sẽ lên tới 1,595 triệu trong tuần trước và 1,775 triệu trong tuần trước đó.
Sự hào hứng đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán dường như đã không còn. Thay vào đó, là nỗi lo sợ, nhất là ở việc chứng khoán liên tiếp trở lại những đỉnh trước khi dịch bệnh xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phải vật lộn với tác động từ virus.
S&P 500 VIX futures, chỉ số được dùng để đo nỗi sợ hãi của nhà đầu tư, cũng tăng gần 10% trong phiên giao dịch đang diễn ra. Nó thường tỷ lệ nghịch với các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ.
Trong khi đó, với việc thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh do các biện pháp phong tỏa kinh tế, P/E của S&P 500 đang là 25,6 lần, cao nhất kể từ bong bóng dotcom và vượt xa mức trung bình 17 lần kể từ năm 2000.