Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên đầu tiên của tháng 2 đầy sóng gió. Áp lực bán bất ngờ tăng mạnh trong phiên chiều đẩy hàng loạt cổ phiếu chìm sâu trong sắc đỏ, thậm chí giảm sàn. VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên tại mức 1.075,97 điểm, ghi nhận mức giảm hơn 3%, mạnh nhất trong vòng hơn một tháng kể từ ngày 26/12/2022.
Mức giảm 3,17% đưa VN-Index vào top các chỉ số giảm mạnh nhất Châu Á vào ngày đầu tháng 2. Thậm chí, chứng khoán Việt Nam còn đi ngược diễn biến khả quan của nhiều thị trường lớn trong khu vực. Với phiên giảm điểm mạnh, giá trị vốn hóa HoSE tương ứng bị thổi bay 140.500 tỷ đồng (~6 tỷ USD), xuống còn gần 4,3 triệu tỷ đồng.
Đây đã là phiên thứ hai kể từ đầu năm 2023, VN-Index có mức biến động trên 3%. Trước đó, thị trường đã có phiên chào năm mới đầy rực rỡ với mức tăng 3,66% ngày 3/1. Chỉ mới đi qua hơn một tháng thị trường đã có 2 phiên giao dịch tăng/giảm rất mạnh hứa hẹn một năm 2023 đầy biến động với chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, trong năm 2022 nhiều sóng gió, VN-Index đã có tổng 20 phiên biến động trên 3% trong đó 3/4 nghiêng về chiều giảm điểm. Thậm chí, nhiều phiên giao dịch còn có biên độ dao động lên đến hơn 70 điểm (khoảng 5-7%) cùng với hàng loạt cổ phiếu “đảo như rang lạc” từ trần xuống sàn và ngược lại. Điều này phần nào phản ánh tính đầu cơ rất cao của chứng khoán Việt Nam.
Cơ hội ngược dòng?
Phiên đầu tháng giảm mạnh báo hiệu một tháng 2 không êm đềm với nhà đầu tư chứng khoán. Nếu nhìn vào dữ liệu quá khứ, tháng 2 là khoảng thời gian VN-Index có biến động vào loại mạnh nhất trong năm với mức tăng/giảm có thể lên đến hàng chục %. Tuy nhiên, điểm tích cực là diễn biến TTCK trong tháng này lại nghiêng hoàn toàn về chiều tích cực.
Theo thống kê trong 22 năm đã qua, VN-Index có xác suất tăng điểm trong tháng 2 lên đến gần 70%. Thậm chí, chỉ số còn có chuỗi 6 năm liên tiếp tăng điểm trong tháng này từ 2014 đến 2019. Thêm nữa, 2 năm gần nhất, thị trường đều tăng điểm trong tháng này. Dù vậy, dữ liệu quá khứ chỉ mang tính tham khảo và không dễ để VN-Index nối dài mạch tăng điểm trong tháng 2 năm nay.
Thực tế, bối cảnh thị trường mỗi năm mỗi khác và thời điểm hiện tại không có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực sau mùa báo cáo tài chính quý 4 vừa qua. Hàng loạt nhóm ngành như bất động sản, chứng khoán, thép, phân bón,... tăng trưởng lợi nhuận âm, thậm chí thua lỗ trong khi nhóm ngân hàng lại phân hóa rõ rệt.
Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết âm đã đẩy P/E của VN-Index tăng vọt lên 13,x lần. Mức định giá này không còn quá hấp dẫn khi cao hơn nhiều so với vùng đáy hồi giữa tháng 11/2022 và gần tương đương vùng giá trước dịch Covid. Đây là một trong những yếu tố có thể sẽ hạn chế dòng tiền vào thị trường thời gian tới, đặc biệt là từ khối ngoại.
Sau giai đoạn mua ròng mạnh mẽ 2 tháng cuối năm 2022, khối ngoại đã có dấu hiệu chững lại gần đây. Giá trị mua ròng mỗi phiên cũng giảm đáng kể, thậm chí trong phiên cuối tháng 1 vừa qua nhà đầu tư nước ngoài còn quay đầu bán ròng hơn trăm tỷ qua đó ngắt mạch mua ròng liên tiếp. Mức định giá hấp dẫn hiếm có trong lịch sử giai đoạn thị trường xuống đáy 2 năm là yếu tố chủ yếu thúc đẩy khối ngoại trở lại chứng khoán Việt Nam tuy nhiên động lực này đang dần mờ nhạt.
Thêm nữa, xu hướng tăng lãi suất được dự báo còn duy trì ít nhất đến hết nửa đầu năm 2023 sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền trên các tài sản tài chính rủi ro cao. Mặt bằng lãi suất cao duy trì trong thời gian dài cũng tác động tiêu cực đến lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp qua đó gián tiếp đẩy định giá cổ phiếu lên cao cũng là một rủi ro đáng lưu ý.
Dù ngắn hạn còn không ít khó khăn nhưng triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá cao nhờ vĩ mô tương đối ổn định so với tình hình bất ổn trên thế giới. Định giá không còn quá rẻ nhưng vẫn ở mức hợp lý sẽ góp phần thu hút dòng tiền đầu tư dài hạn. Ngoài ra, câu chuyện nâng hạng có thể sẽ thúc đẩy khối ngoại trở lại mạnh mẽ hơn trong tương lai.