Tại hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam do trường Đại học Ngân hàng TP. HCM tổ chức, ông Park Won Sang, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), cho biết trong năm 2018, chỉ số VN-Index đã có thời điểm đạt kỷ lục trong 11 năm qua khi tăng lên gần 1.200 điểm vào tháng 4/2018, nhưng chỉ số này đã giảm mạnh vào cuối năm 2018 còn 892 điểm, giảm 9,3% so với năm 2017.
Nguyên nhân, do tác động từ những yếu tố bất lợi như: thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu sụt giảm; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản đồng USD; giá dầu thế giới giảm mạnh khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo.
Tuy nhiên, dù thị trường giảm điểm mạnh nhưng lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng mạnh tới 1,88 tỷ USD, vượt mức mua ròng năm 2017 là 1,16 tỷ USD.
Ông Park Won Sang nhấn mạnh, trong diễn biến rút vốn khỏi thị trường của nhà đầu tư ngoại đến từ Mỹ và Châu Âu thì các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc lại tăng lên mạnh mẽ thay thế lớp đầu tư này. Điều này đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán không giảm mạnh và cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Triển vọng 2019, dự báo chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 850 - 1.100 điểm. Tuy nhiên, thị trường không thể hồi phục hoàn toàn nhưng sẽ bắt đầu hồi phục trở lại do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ giảm và Fed cũng sẽ giảm tần suất tăng lãi suất cơ bản đồng USD.
Cổ phiếu các ngành không cần vốn lớn như: dệt may, y tế, tiêu dùng sẽ lạc quan hơn cổ phiếu các ngành: ngân hàng, bất động sản. Cổ phiếu các ngành: xây dựng khu công nghiệp, điện sẽ hưởng lợi nhờ chủ trương phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ.
Về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt vẫn tiếp tục tăng nhờ nền tảng vững chắc của tiêu dùng trong nước, chủ trương phát triển của Chính phủ, nỗ lực cải cách chính sách để hấp dẫn dòng vốn FDI…