Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 dự kiến diễn ra ngày 25/4 tới đây. Theo đó, VPS đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với thực hiện năm 2021.
Năm 2021 vừa qua, VPS ghi nhận 9.518 tỷ đồng doanh thu hoạt động, gấp 2,5 lần cùng kỳ chủ yếu đến từ mảng môi giới và cho vay margin. Doanh thu môi giới đạt hơn 3.100 tỷ đồng, gấp gần 5 lần năm trước. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng hơn 200% so với cùng kỳ, đạt hơn 964 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tư vấn cũng gấp đôi năm trước, đạt hơn 393 tỷ đồng.
Ngược lại, hoạt động tự doanh của VPS lại không mấy khởi sắc khi lỗ gần 600 tỷ đồng do khoản lỗ FVTPL và chi phí tự doanh lớn. Trong năm 2021, công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 4.700 tỷ đồng từ bán trái phiếu chưa niêm yết và 108 tỷ đồng lỗ bán công cụ thị trường tiền tệ trong khi lãi thu từ bán hai loại tài sản này không đủ để bù lỗ.
Sau khi trừ các chi phí, VPS lãi trước thuế 997 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ. Lãi ròng thu về 796 tỷ đồng, cũng tăng 58% so với năm trước. Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ trong hoạt động môi giới của VPS khi công ty chứng khoán này vươn lên dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu trên cả HoSE, HNX, UpCOM và thị trường phái sinh.
Với kết quả đạt được, HĐQT VPS sẽ trình phương án phân phối lợi nhuận trong đó có chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi bao gồm 50 triệu cổ phần cổ tức ưu đãi phát hành năm 2017 và 203 triệu cổ phần cổ tức ưu đãi năm 2018 với cùng tỷ lệ 6%. Số tiền dự chi là 151,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VPS sẽ trình cổ đông thông qua việc chuyển đổi số cổ phần ưu đãi nói trên cổ tức sang cổ phần phổ thông. Tỷ lệ chuyển đổi 1:1, số lượng cổ phần phổ thông sau chuyển đổi là 570 triệu cổ phần.
Đáng chú ý, VPS dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu lên 5.966 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông phổ thông hiện hữu (tỷ lệ 11,9:1). Cụ thể, VPS sẽ phát hành thêm 26,6 triệu cổ phần mới, tương ứng giá trị phát hành theo mệnh giá 266 tỷ đồng.