Chứng quyền có bảo đảm (CW) là một sản phẩm tài chính phổ biến trên thế giới, thu hút rất nhiều nhà đầu tham gia giao dịch, đặc biệt là tại các thị trường Châu Á như Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc,…Tại Việt Nam, khi CW chính thức đi vào hoạt động với những lợi điểm của mình CW được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Covered Warrant là chứng khoán có tài sản đảm bảo do CTCK phát hành. Người sở hữu sẽ có quyền (không phải nghĩa vụ) mua hoặc bán chứng khoán cơ sở tại một mức giá xác định trước, vào trước hoặc tại một thời điểm cụ thể trong tương lai. Trường hợp biến động giá thực tế của chứng khoán cơ sở trái với nhận định ban đầu của nhà đầu tư, thì nhà đầu tư sẽ mất tối đa khoản phí mua chứng quyền ban đầu.
Cách thức giao dịch chứng quyền (mua sơ cấp qua CTCK hoặc mua trên sàn như chứng chỉ quỹ)
Thứ nhất, CW sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc sản phẩm trên thị trường chứng khoán vốn chỉ đang giao dịch với các sản phẩm cơ bản là cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ. Đồng thời mở ra một kênh giao dịch mới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể linh hoạt thực hiện chiến lược giao dịch của mình, tìm kiếm được suất sinh lợi cao hoặc thực hiện phòng ngừa rủi ro với chi phí thấp do đặc tính nổi bật nhất của CW chính là tính đòn bẩy cao.
Thứ hai, vì CW không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tài sản cơ sở của CW là các cổ phiếu đơn lẻ nên CW sẽ là công cụ góp phần giải quyết bài toán hết room đối với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ tạo động lực để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch từ đó sẽ góp phần nâng cao thanh khoản cho thị trường.
Thứ ba, việc tham gia phát hành CW của công ty chứng khoán sẽ bổ sung thêm nhiều mảng nghiệp vụ hoạt động cho chính công ty chứng khoán như nghiệp vụ phát hành sản phẩm đầu tư, hoạt động tạo lập thị trường, hoạt động quản trị rủi ro,… từ đó tạo ra nguồn thu đa dạng hơn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của công ty chứng khoán. Mặt khác, để trở thành tổ chức phát hành CW, các công ty chứng khoán phải đầu tư hệ thống, cơ sở vật chất công nghệ hiện đại cũng như nguồn nhân lực chất lượng nhằm thực hiện các nghiệp vụ phức tạp và đặc thù như thiết kế sản phẩm, hoạt động phòng ngừa rủi ro và tạo lập thị trường.
Ưu nhược điểm của CW (nguồn: HoSE)
Đến nay, sau thời gian chuẩn bị kỹ càng tất cả các khâu để sẵn sàng cho CW chính thức giao dịch cũng đã hoàn tất. Trên nền tảng của Thông tư 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch Chứng quyền có bảo đảm, các văn bản pháp quy đã được ban hành và có hiệu lực, hình thành khung pháp lý quy định và hướng dẫn đầy đủ để đảm bảo các hoạt động của sản phẩm Chứng quyền an toàn. Bên cạnh đó hệ thống giao dịch cũng đã được kết nối thử nghiệm với các công ty chứng khoán nhiều lần để đảm bảo sự sẵn sàng.
Danh sách cổ phiếu cơ sở cho chứng quyền có bảo đảm cũng đã được công bố và cập nhật thường xuyên, các công ty chứng khoán cũng đã chuẩn bị đầy đủ về hệ thống, nhân sự và năng lực tài chính sẵn sàng đi vào hoạt động. Công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức cho thành viên thị trường và nhà đầu tư cũng được đẩy mạnh thực hiện trong năm 2017 và 2018 trên cả hai miền Nam và Bắc. Và để chuẩn bị cho ngày khai trương chính thức, hiện tại, các tổ chức phát hành cũng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ phát hành để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt.
Việc triển khai CW là hoạt động tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán, CW được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc sản phẩm, thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường cổ phiếu, hỗ trợ tái cấu trúc hoạt động của công ty chứng khoán,…và với sự chuẩn bị kỹ càng về mặt pháp lý, hệ thống giao dịch, cơ sở hạ tầng thị trường CW tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định và bền vững, hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.