Một ngày trước đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong phát biểu của mình đã đề cập đến một hướng đi mới của Việt Nam thời gian tới là "Chung sống an toàn với dịch Covid-19". Sau đây là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế tại Việt Nam về lựa chọn ngành nào để mở cửa ngay sau dịch nhằm hồi phục nền kinh tế.
Chia sẻ trên báo Thanh niên, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết hiện chưa thể dự đoán đến khi nào dịch bệnh có thể hoàn toàn chấm dứt ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên có thể chắc chắn Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có thể kiểm soát dịch sớm nhất.
Vì vậy Chính phủ cũng như từng địa phương, tùy theo mức độ dịch khác nhau phải có lộ trình để bình thường hóa các hoạt động kinh tế, khôi phục lại những gãy đổ ở một số lĩnh vực, một số ngành trong thời gian qua.
Ông lấy ví dụ TP.HCM đang thuộc nhóm địa phương có nguy cơ cao. Lộ trình mở cửa kinh tế có thể sẽ kéo dài vài tháng, chia theo từng giai đoạn phù hợp với tiến trình kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo nguyên tắc: mở dịch vụ thiết yếu trước rồi mới dần tiến tới các dịch vụ xa xỉ.
Trên quan điểm đó TS Trần Du Lịch, cho rằng tại TP.HCM có khoảng 300.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, đây là lực lượng không chỉ tác động mạnh tới kinh tế của TP mà còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống dân cư gia đình. Lực lượng này cần được tạo điều kiện để nhanh chóng hoạt động trở lại trong giai đoạn đầu sống chung với dịch.
Với dịch vụ cửa hàng ăn uống có thể được mở cửa, bán tại chỗ nhưng giới hạn lượng khách không quá 20 - 30 người/quán, đảm bảo cự ly 2m. Các dịch vụ nhu cầu giải trí như trung tâm thương mại, quán bar, karaoke… nên từ từ triển khai hoạt động trở lại trong giai đoạn sau, thậm chí giai đoạn cuối.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, cơ cấu thương mại dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng quá lớn trong cơ cấu kinh tế TP.HCM. Những ngành này chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch và cần mở đầu tiên. Với ngành du lịch cần chuẩn bị những kịch bản tốt nhất để khuyến khích du lịch nội địa.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, mở cửa nhưng phòng chống dịch bệnh vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Theo bà Lan, du lịch, dịch vụ và một số ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu có thể mở cửa trở lại đầu tiên.
Cũng như cần ưu tiên thúc đẩy thị trường nội địa. Đối với ngành công nghiệp xuất khẩu, nhu cầu thị trường trên toàn thế giới chắc chắn sẽ xuống thấp, thương mại toàn cầu giảm sút nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng từ cầu bên ngoài để tổ chức ra cung.
Trả lời trên Zing, PGS TS Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Chính phủ nên lựa chọn đúng khu vực để tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho hồi phục kinh tế.
Theo ông, dịch Covid-19 sẽ còn làm gia tăng xu hướng bảo hộ và chống toàn cầu hóa trong vài năm gần đây. Theo đó, khu vực FDI khó trở thành đầu tàu để kéo nền kinh tế hồi phục nhanh, như vẫn là đầu tàu tăng trưởng nhiều năm gần đây.
Những doanh nghiệp lớn thuộc khối doanh nghiệp nhà nước cũng bị tác động nặng nề bởi Covid-19, trong khi khả năng linh hoạt thích ứng với các điều kiện khó khăn thì kém hơn các khu vực khác, theo đó, khả năng phục hồi cũng sẽ chậm hơn.
Khu vực tư nhân đóng góp lớn nhất đến GDP, gồm phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đơn vị cá thể, hộ kinh doanh gia đình... Mặc dù quy mô rất nhỏ nhưng lại linh hoạt hơn để thích ứng với những cú sốc.
Vì vậy, theo PGS Tô Trung Thành, Chính phủ cần tập trung tạo điều kiện tốt hơn về cơ chế, tài chính, môi trường kinh doanh, chính sách phát triển... để thúc đẩy sự hồi phục nhanh chóng của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể.
Quan điểm của TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, Ông phân tích xuất khẩu là vấn đề chiến lược lâu dài trong thời gian tới. Sau dịch Covid-19, các nước sẽ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, Việt Nam muốn đón đầu xu hướng đó thì phải duy trì xuất khẩu.
Tuy nhiên, khi mở cửa các nhà máy sản xuất cần lưu ý các quy định phòng dịch nghiêm ngặt, giảm mật độ công nhân.
Chuyên gia kinh tế này cũng đề xuất cho mở cửa các nhà hàng, quán ăn. Điều này sẽ giúp tiêu thụ một lượng lớn nông sản, kích cầu. Ngoài ra, mở cửa hệ thống dịch vụ ăn uống sẽ giúp duy trì việc làm cho một lượng lớn lao động, nhất là lao động tự do.
Tuy nhiên, cần lưu ý nếu mở các nhà hàng, quán ăn thì phải áp dụng quy định giảm mật độ bàn.
Với du lịch, ông Hiển cho rằng cần phải căn cứ vào tình hình từng địa phương. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành một lộ trình cho từng địa phương, để khi họ căn cứ vào tình hình cụ thể, có thể mở lại.