Dịch COVID-19 được dự báo sẽ còn để lại tác động đa diện về kinh tế-xã hội cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước tình hình đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khuyến nghị chính phủ các nước "hành động nhanh chóng và quyết liệt" để vượt qua dịch bệnh và có biện pháp bảo vệ thu nhập của các nhóm và doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng. Các chính phủ có thể cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hay chi trả các chi phí y tế liên quan đến dịch COVID-19, đồng thời, xem xét các biện pháp giảm hay hoãn thuế, nợ; giảm chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp ở những vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề…
Dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động kinh doanh du lịch, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu; vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng. Thu NSNN cũng giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho chống dịch bện này có thể tăng lên.
Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về cung ứng nguyên liêu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ…phụ thuộc nguyên thị trường nước ngoài.
Dịch bệnh còn có thể làm gia tăng yêu cầu biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan do lo ngại bùng nổ và tái phát dịch bệnh gắn với chất lượng hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Khả năng tăng tranh chấp các hoạt động thực hiện hợp đồng kinh doanh trong nước và quốc tế gắn với nguyên nhân gián đoạn do dịch bệnh; Một số hệ lụy khác sẽ đậm nét hơn nếu dịch bệnh kéo dài…
Trong bối cảnh đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, trước mắt Việt Nam cần tập trung nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm…Đồng thời, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11-CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực tìm giải pháp chủ động tự tháo gỡ khó khăn.
Theo đó, cần tăng cường tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, mở rộng thị trường quốc tế, coi trọng thị trường nội địa; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hàm lượng chế biến và giá trị tăng sản phẩm; đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản Việt vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản; điều chỉnh cơ cấu một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương…
Những hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp đang được tích cực triển khai, trong đó, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 13/3/2020. Bước đầu, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ 21.753 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng.
NHNN cũng sẽ sớm giảm lãi suất điều hành gồm các loại lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu... Qua đó sẽ giúp các ngân hàng có thanh khoản dồi dào, từ đó có thêm điều kiện nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang soạn thảo và trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong tháng 3/2020, với gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh...
Đặc biệt, theo TS.Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đồng hành cùng cả nước trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã họp, quán triệt, xây dựng kế hoạch hành động, thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và yêu cầu Ban Thường vụ Hiệp hội/Hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau.
Thứ nhất, các doanh nhân, doanh nghiệp, các tổ chức thành viên của Hiệp hội để cao trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là từ nước ngoài, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát, có biện pháp phù hợp tự bảo vệ đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội; không quá hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, nghiêm túc thực hiện khai báo y tế và tham gia tích cực khám, sàng lọc, theo dõi và thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần theo dõi thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng để chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động; tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường…
Thứ ba, Ban Thường vụ Trung ương Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị Ban Thường vụ Hiệp hội/Hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc bám sát nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai thật tốt các nội dung trên...
Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm từ các bộ ngành, địa phương, cùng với ý chí vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, dịch Covid 19 sẽ sớm bị đẩy lùi, hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng được hồi phục…/.