TS. Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh: Phạm Hưng)
Diễn biến phức tạp của bệnh dịch do virus Corona gây ra ở Trung Quốc khiến việc thông quan tại các cửa khẩu dọc biên giới Việt - Trung rơi vào tình trạng khó khăn, khiến nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như rau quả, thủy sản bị ngưng trệ.
Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải tìm kiếm, mở rộng các thị trường khác, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.
Nhằm giúp độc giả làm rõ hơn những vấn đề nêu trên, tại cuộc toạ đàm trực tuyến "Virus corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?" do Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức sáng 6/2, Góc nhìn chuyên gia đã có cuộc trao đổi với TS. Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thưa ông, xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng ra sao khi bệnh dịch do virus Corona gây ra hiện vẫn chưa được kiểm soát một cách có hiệu quả?
Đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc, yếu tố chúng ta đánh giá là yếu nhất, nhạy cảm nhất, lo lắng nhất của cả người dân và nhà nước là vấn đề thị trường.
Bệnh dịch do virus Corona tác động tới thị trường nông sản Việt Nam theo hai hướng. Thứ nhất, về cầu thị trường, trong bối cảnh thị trường gần nhất và lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang chịu tác động trực diện từ bệnh dịch do virus Corona gây ra. Phản ứng đầu tiên của người tiêu dùng sẽ là tập trung vào những sản phẩm cơ bản như lương thực, thực phẩm và bớt tiêu dùng những sản phẩm như hoa quả, thuỷ sản... Như vậy, kết cấu tiêu dùng và sản lượng tiêu dùng đều giảm. Chúng ta có thể thấy ngay tác động của bệnh dịch do virus Corona với sản phẩm trái cây, rau, củ, quả…
TS. Đặng Kim Sơn trao đổi tại cuộc toạ đàm trực tuyến "Virus corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam do báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức sáng ngày 6/2 (Ảnh: Phạm Hưng)
Tiếp nữa, tình hình giao dịch, buôn bán ở thị trường Trung Quốc đang bị hạn chế. Những khu vực tập trung đông người như sàn giao dịch,chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ đều ngưng trệ khiến cho cầu giảm tiếp một bậc nữa. Đầu tiên là giảm cầu tiêu dùng trong mỗi hộ gia đình, cá nhân về cơ cấu tiêu dùng. Thứ hai mới tới giảm về số hình thức buôn bán. Thứ ba là giao thương bị gián đoạn do chính quyền Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm dịch, vệ sinh ATTP dẫn tới tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, khoanh bao một số thành phố. Kết quả là chi phí và thời gian giao dịch tăng cao, các mặt hàng nông sản tươi sống của Việt Nam sẽ không bảo quản được, bị hỏng.
Tất cả những điều đó làm cho mức độ xuất khẩu của chúng ta giảm một cách đáng kể.
Thứ hai, về nguồn cung trong nước, kết cấu sản xuất – tiêu dùng trong nước sẽ bị xáo trộn. Bản thân kết cấu sản xuất đã cố định từ lâu. Vừa rồi, chúng ta có áp dụng một số biện pháp nhưng tôi cho rằng trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được kết cấu sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, người sản xuất sẽ gặp khó khăn ngay từ vùng nguyên liệu, chưa nói tới cửa khẩu.
Tiếp nữa, giao thương bị cản trở xuyên suốt dọc đường, nhất là tại các cửa khẩu. Tuy nhiên, việc cản trở giao thương này cũng khá bất định, bởi khi tình hình liên tục thay đổi như hiện nay, chính quyền các địa phương cũng có những biện pháp của riêng họ với độ trễ và sự thống nhất với chính quyền Trung ương còn nhiều khó khăn.
Có thể nói từ cả phía cung và phía cầu, đều cho thấy nông sản Việt Nam sẽ gặp nhiều điểm nghẽn.
Trao đổi giữa các chuyên gia tại toạ đàm trực tuyến "Virus corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam" (Ảnh: Phạm Hưng)
Chưa tính đến dịch bệnh này, ngay đầu năm 2020, dù tổng kết năm 2019 là một năm thắng lợi về xuất khẩu, song đồng chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã dự báo năm 2020 sẽ là năm khó khăn của ngành nông nghiệp.
Bản thân nông nghiệp Việt Nam đã có những vấn đề nằm trong những nội dung tái cơ cấu cơ bản, cần có thời gian phương pháp sửa chữa lâu dài. Cũng có những vấn đề tồn tại từ trước, đòi hỏi chúng ta cần có sự điều chỉnh như dịch tả lợn châu Phi khiến cho người chăn nuôi lao đao trong năm 2019 thì đến năm 2020 vẫn còn rất nhiều tác động khác như khó khăn kỹ thuật, tái đàn, vốn …
Năm nay, nông nghiệp cũng phải đương đầu với tình trạng hạn hán ở sông Mekong, lâu lắm rồi không diễn ra tình trạng này. Bệnh dịch virus corona nổi lên đã che mất những tác động này. Nhưng khó khăn sẽ tới ở vụ đông xuân, vụ hè thu. Rồi tình trạng xâm thực mặn, câu hỏi: “Nước sông Mekong có lên hay không?”, cùng những tác động khác về cơ bản vẫn là những khó khăn chúng ta phải vượt qua. Sẽ là khó khăn chồng khó khăn.
Khó có thể nói là chúng ta sẽ có được một nhận định lạc quan về nông nghiệp trong năm nay.
Theo ông, người nông dân và xuất khẩu nông sản Việt Nam cần được hỗ trợ ra sao trong giai đoạn này?
Cách đây ít ngày, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đã tổ chức một cuộc họp, ở đó, các cơ quan chức năng có đưa ra một loạt biện pháp nhằm xử lý, giải quyết những khó khăn cho người sản xuất cũng như người kinh doanh trong ngắn hạn.
Song tôi nghĩ rằng, khi thời gian gấp gáp như thế này, tình hình ngân sách hạn hẹp hiện nay, và trong lúc toàn dân phải đối phó với những khía cạnh khác nhau của bệnh dịch do virus Corona gây ra. Nếu trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi nghĩ rằng sẽ không thể có nhiều. Người sản xuất và người kinh doanh có thể vơi bớt khó khăn thông qua hỗ trợ về tình cảm, tạm thời có những lối thoát nhất định. Song chúng ta vẫn phải tính tới câu chuyện lâu dài.
Về hỗ trợ ngắn hạn với người sản xuất, Nhà nước có thể hỗ trợ vốn vay, tạm thời khoanh nợ, giảm thuế… Còn với người kinh doanh, Nhà nước có thể mở ra thị trường thông hình thức bán hàng tới các siêu thị, thay đổi hình thức chuyển hàng qua biên giới từ đường bộ sang đường thuỷ…
Nhưng về dài hạn, chúng ta phải có cách làm căn cơ hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển từ sản xuất manh mún theo kiểu thương lái hiện nay sang sản xuất hàng hoá quy mô lớn… Tất cả đều là những vấn đề đã được nói đi nói lại rất nhiều mà chưa làm được. Đó chính là vấn đề về thương mại.
Ngoài ra, về phòng chống dịch. Hiện nay, chính những bài học từ Trung Quốc cho chúng ta thấy Việt Nam cần phải thay đổi bài bản về đường hướng, chiến lược trong phòng chống dịch bệnh.
Vậy nhà nước sẽ cần phải làm gì sau khi bệnh dịch do virus Corona qua đi, thưa ông?
Trong tất cả các định hướng chính sách mang tính chiến lược của Việt Nam, Đảng và nhà nước đều thống nhất rằng chúng ta đang đứng trước những yếu tố bất định, không ai có thể biết được những gì sẽ diễn ra trong tương lai gần, chứ chưa nói tới tương lai xa.
Bối cảnh như vậy đòi hỏi chúng ta phải có những cách nhìn và hành động dài hạn. Câu chuyện là nếu như chỉ lo ứng phó với tình huống như hiện tại, chúng ta không chỉ gặp khó khăn hiện tại, mà còn cả trong tương lai nữa.
“Cần xây dựng những vùng an toàn dịch bệnh. Trong tình hình virus Corona đang lây lan như hiện nay, có những khu vực, vùng du lịch vẫn “sạch”, tại sao chúng ta không tuyên bố? Tương tự như vậy, trong dịch tả lợn châu Phi, chúng ta cũng có thể công bố vùng này, khu vực này đã được chúng tôi hoàn toàn kiểm soát. Sản phẩm ở đây ra là an toàn. Vùng này có thể được sử dụng là vùng sản xuất trong thời kỳ khó khăn. Tới khi bệnh dịch kết thúc, đây sẽ là vùng đưa lợn giống ra để tái đàn”, TS. Đặng Kim Sơn đề xuất. |
Tôi muốn chia sẻ hai điều. Thứ nhất, về vấn đề ứng phó dịch bệnh. Năm 2019, chúng ta phải ứng phó với dịch tả lợi châu Phi, một loại bệnh dịch chỉ lây nhiễm giữa vật nuôi. Năm 2020, chúng ta phải ứng phó với bệnh dịch do virus Corona, một loại bệnh dịch chỉ lây nhiễm giữa con người. Trước đó, chúng ta từng chứng kiến những bệnh dịch có sự lây nhiễm giữa vật nuôi và con người, giữa vật nuôi và động vật hoang dã.
Nói như vậy để thấy thách thức trong ứng phó với bệnh dịch sắp tới sẽ khốc liệt hơn rất nhiều. Để có giải pháp, chúng ta phải đảm bảo tốt hai mảng.
Đầu tiên, công tác bảo vệ thường trực của chúng ta phải thay đổi. Phải thừa nhận rằng quy mô bộ máy ngành nông nghiệp rất lớn, Bộ NN&PTNT sở hữu số lượng cán bộ, viện nghiên cứu không chỉ lớn nhất ở Việt Nam, mà còn thuộc loại lớn trên thế giới.
Ở các quốc gia khác, phần đông lực lượng trong Bộ Nông nghiệp của họ thực hiện công tác bảo vệ, bao gồm: thú ý, bảo vệ động vật, bảo vệ sinh thái… Bước chân vào các quốc gia đó, ngay tại khu vực cửa khẩu biên giới đã quan sát thấy chó nghiệp vụ, chuyên gia tiến hành kiểm tra tất cả các mặt hàng nông sản được đưa vào quốc gia của họ. Bên trong nội địa cũng hình thành những lớp bảo vệ khác nhau ở các vùng và bên trong mỗi doanh nghiệp, hộ gia đình. Các lớp bảo vệ này thay vì chỉ hình thành trong tình hình dịch bệnh, họ luôn luôn tiến hành cơ chế bảo vệ chặt chẽ như vậy.
Tôi cho rằng chúng ta phải xây dựng các lớp bảo vệ như vậy một cách chủ động, chuyên nghiệp.
Thứ hai, khi xảy ra dịch, chúng ta phải coi chúng như giặc ngoại xâm. Phải tiến hành công tác tình báo, trinh sát, phát hiện bệnh dịch từ sớm. Trong quá khứ, dịch cúm H5N1, dịch tả lợn châu Phi đều xuất phát từ Trung Quốc. Chúng ta có thể chưa biết nhiều về chủng virus mới, nhưng phải nắm rõ những yếu tố tác động tới con virus, đường truyền liên quan tới nó, hướng phát triển ra sao… Từ đó, mới có giải pháp, kịch bản phòng chống, bảo vệ phù hợp.
Nếu làm được như vậy, khả năng huy động tổng lực, tâm thế của người dân, thông tin trên mạng xã hội sẽ khác.
Ông có thể chia sẻ những giải pháp dài hơi hơn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam?
Thị trường ngày hôm nay đã không còn là thị trường của ngày hôm qua nữa. Ở Trung Quốc, người ta đang áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào nông nghiệp. Ngay cả những vùng xa xôi, hẻo lánh cũng đã tiến hành mua bán trực tuyến qua mạng Internet.
Khách hàng ngày hôm nay đã không còn là khách hàng của ngày hôm qua nữa. Quan niệm coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, rẻ tiền, không yêu cầu cao về vệ sinh ATTP là tư duy sai lầm. Ở vùng lõi nằm dọc khu vực phía Đông của Trung Quốc, người tiêu dùng có nhu cầu và đặt ra tiêu chuẩn không kém gì các quốc gia Đông Bắc Á.
Còn hàng hoá, nông sản Việt Nam vẫn xuất qua cửa khẩu, vẫn bán qua thương lái, biên mậu… chủ yếu phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng ở Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây. Đó là những vùng nông thôn của Trung Quốc.
“Người làm thủ tục, chạy chọt quan hệ ở cửa khẩu hai nước vẫn là thương lái Trung Quốc, lái xe người Việt Nam chỉ là người làm thuê. Đó không phải là cách làm của một hệ thống sản xuất hiện đại. Hiện đại phải là Hiệp hội của Việt Nam làm việc với Hiệp hội của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam làm việc với Chính phủ Trung Quốc”, TS. Đặng Kim Sơn nhận xét. |
Khi Trung Quốc không thiếu đối tác sẵn lòng cung cấp hàng hoá cho họ, chúng ta đã chọn một phân khúc kém nhất, nhạy cảm nhất, dễ bị tổn thương nhất để tiến vào, đó là bán những sản phẩm nông sản cho vùng nông thôn, người thu nhập thấp.
Tôi nghĩ đã tới lúc chúng ta phải thay đổi về cách buôn bán và đối tượng khách hàng. Nhà nước và các doanh nghiệp lớn phải mở rộng, đa dạng hoá thị trường. Không thể để xảy ra tình trạng không chỉ nông sản, mà vật tư đầu vào phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Ở thị trường Trung Quốc, chúng ta phải tiến vào thị trường cốt lõi, nội địa và cao cấp. Đó mới là thị trường lâu dài. Như vậy, chúng ta phải tính tới bài toán xuất khẩu nông sản Việt Nam bằng đường thuỷ với đòi hỏi phải có chuỗi lạnh. Tức là hàng hoá đi từ xe lạnh, sang container lạnh, xuống tàu lạnh, phải di chuyển liên tục để tới đích trong thời gian ngắn nhất.
Về cách buôn bán, thanh long, dưa hấu, khoai lang, kể cả vải. Dù người nông dân bán trên chính mảnh ruộng của họ, nhưng thương lái Trung Quốc tới tận nơi mua. Nếu làm việc theo phương pháp mới, chúng ta phải liên kết với các Hiệp hội của Trung Quốc, chuỗi giá trị, chuỗi siêu thị của họ, hướng tới mục tiêu đưa hàng hoá tiến vào sâu trong nội địa Trung Quốc.
Ở đây, tôi nghĩ vai trò đầu tiên thuộc về nhà nước. Bộ Công Thương phải làm tốt câu chuyện phát triển thương mại, Bộ NN&PTNT phải làm tốt công tác phòng chống bệnh dịch. Trên nền tảng đó, chúng ta mới có chính sách, quy hoạch vùng, kịch bản phòng vệ để phát triển thị trường một cách bài bản.
“Hàng hoá không thể đổ trong container, phải có bao bì, nhãn mác phục vụ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Như vậy hàng hoá phải gia nhập chuỗi giá trị, cách mở thị trường, tổ chức thị trường phải đổi mới”, TS. Đặng Kim Sơn cho hay. |
Khi đó, tiền của nhà nước và tiền của nhân dân mới được sử dụng hiệu quả, thay vì các gói giải cứu ngắn hạn như hiện nay.
Như vậy, việc cần làm hiện nay để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hay thị trường khác không phải là một gói cứu trợ mà là cần sự thay đổi về hành động của các cơ quan quản lý nhà nước?
Chúng ta phải xác định rõ mô hình tăng trưởng của chúng ta. Thời gian qua, mô hình tăng trưởng của Việt Nam tập trung vào công nghiệp, kinh tế đô thị và các doanh nghiệp lớn thuộc khối DNNN, FDI. Nhưng hãy thử hình dung, lợi thế trong hơn 30 năm đổi mới của Việt Nam lại là ngành nông nghiệp, dịch vụ.
Tất cả mọi thứ, từ cơ sở hạ tầng, hậu cần, dịch vụ, công nghiệp, tổ chức thể chế làm sao phải hỗ trợ cho những ngành có lợi thế. Hiện tất cả nền tảng kinh tế của chúng ta hỗ trợ rất tốt cho công nghiệp và kinh tế đô thị, nhưng dịch vụ, nông nghiệp và du lịch chưa được tập trung nguồn lực hỗ trợ.
Nếu muốn thay đổi bức tranh kinh tế Việt Nam, phát triển nền kinh tế theo hướng hiệu quả, phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào lợi thế của mình.
Tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa, mọi thứ đã thay đổi, vậy nên đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi hành động và dịch bệnh do virus corona là một cái cớ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!