Chúng ta đang ở trong tình trạng vừa thừa tiền, vừa thiếu tiền. Như Báo cáo của Chính phủ, chúng ta đang thừa kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, tức là nếu phân bổ vốn, chúng ta vẫn thiếu 115.000 tỉ đồng; nhưng qua phân tích của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho thấy nếu chúng ta không đẩy nhanh tốc độ giải ngân, không cải tiến việc giải ngân đầu vốn xây dựng cơ bản, chúng ta chưa chắc đã đạt kế hoạch giải ngân vốn 2 triệu tỉ đồng. Bởi vì, vốn vẫn kẹt ở dự án lớn, ở ODA và trái phiếu Chính phủ.
Vì vậy, giải ngân là một trong nhiệm vụ phải được quan tâm thúc đẩy trong năm 2019 và năm 2020.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Nên nhớ, xét về mặt pháp luật, dù Luật Đầu tư công mới ra đời 3 năm nhưng vừa qua, QH đã sửa để tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong thủ tục đầu tư, lập dự án, phân cấp mạnh hơn, cần triệt để áp dụng Luật Đầu tư trong năm 2020 để đẩy nhanh tốc độ giải ngân; đặc biệt là vốn cho các công trình trọng điểm. Nếu cần có thể điều chuyển, trong trường hợp vốn bố trí vốn mà lượng thấy dự án không sử dụng hết thì cần báo cáo để phân bổ cho nơi cấp thiết cấp bách hơn; nếu cần thiết, vẫn có thể điều chỉnh vốn trở lại cho dự án đó.
Đối với chi thường xuyên, dù đã giảm nhưng năm 2020 lại có yếu tố tăng lương. Vì vậy, tăng lương cần đi đôi với giảm biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước, các cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
(ĐBQH Nguyễn Đức Hải (Quảng Nam) phát biểu tại thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, báo Đại biểu Nhân dân ngày 23-10 trích dẫn)