Có thể nói, từ tháng 2/2018 đến nay thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua rất nhiều biến cố, liên tiếp những cú sụt giảm rất mạnh. Kéo theo đó, chứng trường trong nước cũng lao đao không kém, nhanh chóng đưa chỉ số VN-Index quay về mốc 1.000 sau những phút "tỏa sáng" ít ỏi. Rất nhiều lý do được đưa ra, lời khuyên từ các chuyên gia… cho đến khi VN-Index đi ngang tại vùng 1.000, bắt đầu những nhịp xanh trở lại.
Nhà đầu tư dè chừng rồi có lẽ bị cuốn theo sự hồi phục của thị trường, quên bẵng đi "đau thương" trước đó. Đến phiên giao dịch ngày 22/5, lịch sử lặp lại, chứng trường chứng kiến sự sụt giảm mạnh của các cổ phiếu vốn hóa lớn trên cả 2 sàn HoSE và HNX.
Thậm chí những mã thuộc top 10 công ty vốn hóa lớn nhất trên sàn cũng giảm trắng bên mua, điển hình có VinGroup (VIC), BID, VCS... Tổng mức vốn hóa HoSE chỉ trong phiên hôm ấy đã "bay hơi" gần 88 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,85 tỷ USD).
Phiên giao dịch ngày 22/5/2018.
Kết quả là, cho đến hôm nay dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường, nhà đầu tư bắt đầu đề phòng, tâm lý bị tác động mạnh… mặc cho chỉ số VN-Index "dùng dằng" hồi phục.
Giải thích cho hiện tượng biến động của thị trường phiên giảm sốc gần đây nhất, một chuyên gia chứng khoán đưa ra 2 lý do làm thay đổi dòng vốn đầu tư toàn cầu:
+ Thứ nhất, lợi suất trái phiếu 10 năm của mỹ lên 3%, chấm dứt 3 thập kỷ sụt giảm liên tục;
+ Thứ hai, giá dầu lên 80 USD, hứa hẹn thời điểm mà lạm phát quay trở lại rất mạnh các thị trường cận biên (Frontier Market) và thị trường mới nổi (Emerging Market).
Biến động giá dầu Brent 6 tháng trở lại đây.
Phân tích sâu, lợi suất trái phiếu các quốc gia lên rất nhanh và thay vì nhìn vào tăng trưởng ở các thị trường cận biên và thị trường mới nổi, người ta bắt đầu nhìn thấy các điểm yếu, như: (1) thâm hụt các cán cân cơ bản ở các thị trường mới nổi thể hiện qua cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối; (2) tỷ lệ nợ/GDP đang ở mức cao hơn con số giai đoạn khủng hoảng 2007-2009 và một số quốc gia, nợ vay ngoại tệ chiếm hơn 50% nợ quốc gia.
Như vậy, chi phí sử dụng nợ (Cost Of Debt) gia tăng rõ ràng là "quả bom nổ chậm" (Ticking Time Bomb) – hiểu nôm na là hậu quả thảm khốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào - với các quốc gia này, chuyên gia nhấn mạnh, "chính vì thế dòng tiền sẽ phải thay đổi".
Mặt khác, thị trường cận biên bị bán rất mạnh, thể hiện thông qua dòng vốn ETF ở những thị trường này không có một phiên hồi nào từ đầu tháng 3 đến nay. Một số quốc gia mới nổi như Malaysia, Indonexia, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina cũng chứng kiến dòng vốn tháo chạy, điều này làm ảnh hưởng đến quan điểm đầu tư của các quỹ đang đổ tiền vào thị trường Việt Nam.
Không khó để hiểu đầu tiên họ phải chạy trước, minh chứng là đợt rút vốn mạnh từ cuối tháng 2 đến giờ chưa dừng lại. Sau đó, thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những tác động gần đây của giá dầu, thịt lợn tăng làm cho lạm phát dự báo tăng mạnh giai đoạn sắp tới.
Được biết, so với cuối tháng 4/2018, giá thịt lợn tháng 5 tiếp tục tăng thêm gần 10%. Nguyên nhân giá thịt lợn hơi tăng đột biến trong những ngày gần đây là do nguồn cung giảm rất mạnh vì trước đó người chăn nuôi giảm đàn hoặc ngừng chăn nuôi. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu tiểu ngạch cũng tác động ít nhiều khi Campuchia đang gia tăng tiêu thụ thịt lợn Việt Nam.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cùng vừa đưa ra nhận định diễn biến mới này có thể sẽ ảnh hưởng đến tình hình lạm phát trong tháng 5. Theo BVSC, mặt hàng thịt lợn chiếm tỷ trọng khoảng 7% trong rổ hàng hóa CPI, vì thế nếu giá thịt lợn tăng khoảng 10% sẽ ảnh hưởng khá lớn tới chỉ số CPI chung trong tháng 5 (khoảng 0,7%). Đây là thông tin vĩ mô có thể sẽ tác động tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán theo chiều hướng tiêu cực trong ngắn hạn.
Trở lại với câu chuyện thị trường, bởi những yếu tố trên, theo vị này, các tổ chức cũng phải suy nghĩ lại về việc phân bổ tài sản (Asset Allocation) của họ vì đã ở thời điểm cuối chu kỳ kinh tế, trong tình trạng chi phí vốn tăng đồng thời định giá chưa thật sự rẻ. "Đó có thể là lý do làm thanh khoản sụt giảm và dòng tiền đứng ngoài thị trường gần đây".
Bên cạnh đó, căng thẳng Trung-Mỹ cũng gián tiếp làm tăng mức độ bất an (Anxiety) của các nhà đầu tư, từ đó làm tăng mức độ biến động của các thị trường tài chính.
Vậy, nhà đầu tư nên làm gì trong bối cảnh này?
"Theo thống kê, thị trường mất 20% từ đỉnh và hiện rất nhiều cổ phiếu đang ở mức định giá hợp lý hơn rất nhiều so với cách đây 2 tháng, do đó tôi cho rằng không cần thiết phải rời bỏ thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải làm việc nhiều hơn để tìm được cổ phiếu tiềm năng", vị này nói.
Về nhóm ngành, dòng ngân hàng như các mã ACB MBB… dòng thép như HPG… cùng với dòng bất động sản như DXG… vẫn được đánh giá cao.
Dự báo thị trường thời gian tới, trường hợp tốt nhất là khối ngoại dừng bán, thị trường cân bằng hơn. Lúc đó là đến giai đoạn lựa chọn cổ phiếu có câu chuyện về kết quả kinh doanh tốt. Ngược lại, nếu khối ngoại vẫn bán mạnh và quá trình rút vốn diễn ra, thị trường có thể vẫn còn những phiên rớt mạnh.
Thực tế, phiên giao dịch 24/5 (2 ngày sau đợt giảm sốc gần nhất) diễn ra khá kịch tính khi các chỉ số chứng khoán biến động trong biên độ lớn. Về cuối phiên, lực cầu bắt đáy gia tăng đã giúp các chỉ số thu hẹp đà giảm đáng kể. Theo đó, VN-Index đóng cửa chỉ còn giảm 3,02 điểm xuống mốc 985,92; tương tự HNX-Index giảm 1,04 điểm xuống còn 117,07.
Diễn biến chỉ số VN-Index 3 tháng gần đây