Thuỷ thủ đoàn trên một con tàu chở hàng Bangladesh mắc cạn gần cảng Olvia ở Ukraine đã nghe thấy một tiếng nổ lớn, sau đó cây cầu chìm trong biển lửa. Hôm thứ Tư tuần trước, tàu MV Banglar Samriddhi đã bị một tên lửa tấn công, khiến một thành viên phi hành đoàn thiệt mạng và nhiều người bị thương. Đây là tàu chở hàng thứ 5 bị bắn sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Nút thắt cổ chai" mới đối với chuỗi cung ứng
Xung đột giữa 2 quốc gia đã gây trở ngại nghiêm trọng cho hoạt động vận tải biển ở Biển Đen, dẫn đến những hậu quả lớn đối với ngành vận tải quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà quan sát ngành hàng hải cho biết, hàng chục tàu chở hàng đang mắc kẹt ở cảng Mykolaiv của Ukraine. Công ty theo dõi hàng hải Windward ước tính, khoảng 3.500 thủy thủ đang mắc kẹt trên khoảng 200 tàu tại các cảng của Ukraine. Số lượng tàu đang không thể di chuyển lớn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Thế chiến II.
Kết quả là, khu vực xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ 2 thế giới buộc phải đóng cửa. Ukraine chiếm tới 16% lượng ngô xuất khẩu toàn cầu và 30% lượng lúa mì xuất khẩu cùng với Nga. Giá lúa mì toàn cầu đã tăng hơn 55% kể từ trước cuộc xung đột.
Salvatore Mercogliano - giáo sư tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina và từng làm việc trong đội tàu buôn quốc gia, cho biết: "Cú sốc với nguồn cung ngũ cốc toàn cầu là cú sốc nguồn cung lớn nhất kể từ khi OPEC cắt giảm sản lượng dầu vào những năm 1970. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực ở Trung Đông và châu Phi, gây lạm phát cho cả thế giới."
Các hãng vận tải toàn cầu thậm chí còn đối mặt với thách thức lớn hơn khi hàng nghìn thuyền viên Ukraine và Nga bị mắc kẹt tại các cảng trên khắp thế giới. Các chủ tàu phải chật vật để tìm kiếm thủy thủ đoàn thay thế với nỗ lực ứng phó với chuỗi cung ứng vốn đã ở trạng thái căng thẳng.
Theo các nhà chức trách cảng Ukraine, tại Biển Đen và vùng tiếp giáp Biển Azov - những tuyến hàng hải xuất khẩu lương thực và dầu mỏ quan trọng, 5 tàu chở dầu và chở hàng đã bị tên lửa tấn công. Những tàu gặp nạn gồm tàu chở dầu, tàu container và chở hàng rời từ Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Moldova và Estonia - vận chuyển hàng hóa từ dầu diesel, đất sét cho đến ngũ cốc.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (TATO) hôm thứ năm đã cảnh báo bất kỳ tàu nào trên Biển Đen cũng gặp nguy cơ chịu thiệt hại lớn. Trong khi đó, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (TIMO) nói rằng họ sẽ tổ chức phiên họp khẩn cấp vào ngày 10 và 11/3 để giải quyết những tác động của cuộc xung đột với hoạt động vận chuyển theo yêu cầu từ nhiều chính phủ.
Trong ngày đầu tiên Nga mở chiến dịch quân sự, Ukraine đã đình chỉ hoạt động tại tất cả các cảng, chuyển hướng các tàu chở hàng đến cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và nước cộng hòa Georgia thuộc Liên Xô cũ. Trong bối cảnh ít tàu di chuyển ở phía bắc của Biển Đen và Biển Azov, cước vận chuyển toàn cầu đối với tàu chở dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 1 thập kỷ. Chi phí bảo hiểm ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột đã lên tới 5%. Do đó, mỗi chuyến vận chuyển bị "độn giá" thêm hàng trăm nghìn USD, theo dữ liệu từ Windward.
Có thể thấy, chuỗi cung ứng vốn đã bị gián đoạn trong 2 năm đại dịch lại càng rơi vào trạng thái căng thẳng hơn. Các quốc gia nghèo phụ thuộc vào nhập khẩu có thể gặp phải những cú sốc về nguồn cung. Giới chức các nước đang chuẩn bị tinh thần đối mặt với tình trạng giá cả tăng đột biến ở Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ai Cập hiện nhập khẩu 85% lúa mì từ Ukraine và Nga.
Tàu mắc kẹt, thủy thủ đoàn gặp nhiều rủi ro lớn
Hôm 24/2 - ngày đầu tiên Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, tàu sân bay Yasa Jupiter - thuộc sở hữu của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên chở hàng hóa cho tập đoàn thương mại Cargill của Mỹ - đã bị trúng bom ở bờ biển thành phố cảng Odessa. Ngày hôm sau, tàu chở dầu Millennial Spirit mang cờ Moldova, chờ đầy 600 tấn dầu và diesel đã bốc cháy sau khi bị tên lửa bắn. Tàu chở hàng rời Namura Queen của Nhật Bản cũng gặp tai nạn.
Munro Anderson - chủ tịch công ty an ninh hàng hải Dryad Global ở London, cho biết: "Các thủy thủ giờ đây phải đối mặt với lựa chọn khó khăn. Ở lại trên thuyền và có nguy cơ hết lương thực, hoặc cố gắng chèo thuyền đến một nơi khác nhưng vẫn gặp rủi ro vì ở trong vùng chiến sự."
29 thủy thủ đoàn của tàu chở hàng Banglar Samriddhi của Bangladesh đã thả neo tại cảng Olvia của Ukraine ngày 23/2. Họ chuẩn bị xếp hàng đất sét và nguyên liệu để sản xuất gốm sứ tới cảng Ravenna của Ý. Khi đó, kỹ sư Hasidur Rahman đã gọi cho các anh trai để thông báo: "Em sẽ về nhà và kết hôn vào năm sau, sẽ không ở lại Ukraine lâu."
Song, chỉ trong vòng vài giờ, cuộc xung đột chính thức diễn ra, Banglar Samriddhi và hàng trăm tàu khác mắc kẹt trong vùng chiến sự. Từ boong tàu, thủy thủ đoàn nghe thấy tiếng nổ ở phía xa và lo lắng khi thấy khói bốc lên ở phía chân trời. Chủ tàu đã hướng dẫn thuyền trưởng Noor-e Alam đi ra vùng biển quốc tế nhưng ông lại không được chính quyền Ukraine cho phép. Họ cũng không thể di chuyển vì nhiều thủy lôi được đặt xung quanh lối vào của cảng.
Những nỗ lực ngoại giao để sơ tán thủy thủ đoàn đã được thúc đẩy. Các quan chức Bangladesh ở Warsaw thực hiện kế hoạch vận động hành lang với Ukraine và các tổ chức đại diện cho người lao động Bangladesh tại quốc gia khi đó đang chuẩn bị lái xe đến Ovia để đón các thuyền viên.
Khoảng 5 giờ chiều ngày 2/3, Rahman đã lên cầu dẫn đường, bắt sóng điện thoại và gọi về cho gia đình. Anh nói rằng mọi người không phải lo lắng vì công việc của anh sẽ giúp gia đình thoát nghèo. Tuy nhiên, anh trai của Rahman là Golam đã nghe thấy tiếng nổ lớn, tín hiệu điện thoại cũng mất và Rahman đã thiệt mang vì khu vực này bị tên lửa bắn.
Tham khảo WSJ