Rick Bergmann, chủ tịch Hội đồng Thịt lợn Canada cho biết, việc giảm hoặc ngừng sản xuất chế biến thịt đã khiến một số nông dân ở miền đông Canada buộc phải tiêu huỷ lợn, dù đã sẵn sàng để giết mổ. Tại Minnesota (Mỹ), nông dân có thể phải tiêu huỷ 200.000 con lợn trong vài tuần tới. Thông thường, số lợn bị tiêu huỷ sẽ được chôn hoặc nấu chảy. Bergmann cho biết: "Đây thực sự là một tình huống không thể chấp nhận được và chúng ta phải làm điều gì đó."
Hàng loạt nhà sản xuất tiêu huỷ lợn đã làm rõ hơn sự gián đoạn đang diễn ra, khi đại dịch Covid-19 khiến các công nhân nhiễm bệnh trong nhà máy phải đẩy nhanh sản xuất thịt với chất lượng thấp và người tiêu dùng mua sắm trong hoảng loạn, tìm cách tích trữ thịt. Do đó, trong tuần vừa qua, giá thịt lợn bán buôn tại Mỹ đã tăng vọt.
Thịt lợn là mặt hàng gần đây nhất chứng kiến tình trạng nguồn cung bị phá huỷ, khi nông dân tại Mỹ và Canada mất đi nguồn thu, không thể tìm được nơi nhập sản phẩm của họ. Trong khi đó, các nông dân sản xuất thực phẩm làm từ sữa cũng đang tiêu huỷ sản phẩm của mình, khi không thể bán cho các nhà sản xuất. Các trang trại nuôi gà cũng tiêu huỷ trứng để giảm bớt nguồn cung, còn trái cây, hoa quả thì thối rữa trên các khu vườn, trong bối cảnh đội ngũ làm việc và nguồn cung gặp gián đoạn.
Tại Mỹ, ít nhất 8 cơ sở chế biến thịt lớn đã tạm dừng hoạt động trong vài tuần, hơn 15% công suất chế biến thịt lợn trên cả nước bị ngừng hoàn toàn. Tại Canada, nhà máy tại Yamachiche, Quebeccủa Olymel – thường chế biến tới 28.000 con lợn trong 1 tuần, đã đóng cửa 2 tuần qua từ ngày 29/3 và hiện tại nhân viên đang làm việc theo ca luân phiên.
Trong bối cảnh nhiều nhà máy đóng gói ngừng hoạt động, thì nhu cầu đối sử dụng lợn trưởng thành và lợn con đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Mức giá của lợn con khoảng 18kg tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2018, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Tại Canada, các nhà sản xuất đang lỗ 30-50 CAD/mỗi con lợn. Theo báo cáo của Hội đồng Thịt lợn Canada, số lợn tồn đọng tại miền đông nước này đã lên tới 92.000 con vào cuối tuần trước.
Bergmann cho biết, ở các vùng phía tây Canada, các nhà sản xuất thường bán lợn con cho Mỹ hiện không thể tiếp tục thực hiện những thương vụ này, do nhiều nhà máy chế biến tại Mỹ đã đóng cửa. Hơn nữa, các lệnh hạn chế sẽ khiến hoạt động giết mổ giảm sút trong vài tuần và điều này sẽ khiến số lượng lợn tồn đọng tăng lên mức cao.
Tại Minnesota, đã có một số trường hợp nông dân phải tiêu huỷ toàn bộ số lợn đã trưởng thành, theo David Preisler – CEO của Hiệp hội Sản xuất Thịt lợn Minnesota. Ông cho biết: "Nông dân không còn lựa chọn nào khác đối với những con lợn đã sẵn sàng được mang đi tiêu thụ. Có những con lợn khác mới được sinh ra, cần phải được đưa vào chuồng."
Steve Meyer– kinh tế gia tại công ty tư vấn Kerns & Associates, nhận định, nông dân nuôi lợn không còn không gian để chứa và khi lợn trưởng thành với kích cỡ quá lớn thì họ không còn nhiều lựa chọn. Ông cho biết: "Không ai muốn làm điều này. Việc này không hề dễ dàng như đổ sữa đi hay tiêu huỷ trứng. Ở đây chúng tôi có một chuỗi chăn nuôi sản xuất trong 10 tháng kể cho đến khi thịt lợn được đưa vào tiêu thụ."
Tham khảo Bloomberg