Dự án Lô B – Ô Môn được kỳ vọng sẽ khởi công trong nửa cuối 2022
Theo báo cáo của VNDIRECT, Lô B - Ô Môn là một trong những dự án khai thác khí lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD cho nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Theo PVN, ước tính khoảng 19,23 tỷ USD sẽ được bổ sung vào ngân sách nhà nước trong vòng đời 20 năm của dự án (từ dự án thượng nguồn và đường ống dẫn khí). Ngoài ra, 4 nhà máy điện khí tại Ô Môn với tổng công suất 3.810MW sẽ bổ sung nguồn cung điện cho khu vực miền Nam trong tương lai.
VNDIRECT cho rằng nhu cầu khí để sản xuất điện sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới do Dự thảo Quy hoạch Điện 8 đặt mục tiêu biến nhiệt điện khí trở thành nguồn điện chủ lực cho đến năm 2030 nhờ tính ổn định và tương đối thân thiện với môi trường so với nhiệt điện than, chiếm 23% tổng công suất hệ thống vào năm 2030 (từ mức 12% hiện nay).
Mặc dù có tiềm năng rất lớn nhưng chuỗi dự án này đã bị chậm tiến độ trong nhiều năm do những vướng mắc tại dự án nhà máy điện Ô Môn III liên quan đến nguồn vốn ODA tài trợ cho nhà máy. Nguyên nhân của tình trạng này là do không xác định được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án Ô Môn III sử dụng vốn vay ODA.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực cho chuỗi dự án là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP (ngày 16/12/2021) về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để thay thế Nghị định 56, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện Ô Môn III.
Theo đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng dự án thượng nguồn sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối quý 2/2022 sau khi Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cho Ô Môn III trong quý 2/2022, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án Lô B - Ô Môn khởi công trong nửa cuối năm 2022.
Nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ hưởng lợi như thế nào từ chuỗi dự án Lô B – Ô Môn?
Hiện nay, sản lượng khai thác dầu khí tại Việt Nam đã liên tục giảm kể từ năm 2015 do thiếu vắng các dự án thượng nguồn trọng điểm. Do đó, VNDIRECT tin rằng việc khởi công một dự án trọng điểm như Lô B - Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng cho các DN trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam, củng cố nền tảng cơ bản của ngành và thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các DN dầu khí trong những năm tới.
Đặc biệt, với vòng đời dự án 20 năm, VNDIRECT cho rằng những giai đoạn phát triển dự án sẽ là động lực cho các doanh nghiệp niêm yết trong chuỗi giá trị dầu khí Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, PVS và PVD, và GAS là ba doanh nghiệp đầu trong ngành có nhiều cơ hội hơn để tham gia và hưởng lợi từ dự án này.
Về PVS, VNDIRECT cho rằng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giai đoạn thượng nguồn, dự án phát triển mỏ khí Lô B. Bởi, PVS đã chứng tỏ được khả năng của mình trong việc xây lắp các dàn khoan dầu khí ở cả thị trường trong nước và nước ngoài như dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt (SV-ĐN), hay dự án Gallaf tại Qatar.
Về PVD với thế mạnh dịch vụ khoan – một trong những bước đầu tiên của các dự án khai thác thượng nguồn. Với kế hoạch hơn 700 giếng khai thác, VNDIRECT tin rằng dự án có thể mang lại nhiều cơ hội việc làm cho một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan như PVD trong những năm sắp tới.
Đối với GAS, với tư cách là nhà đầu tư chính của đường ống Lô B - Ô Môn, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ nguồn khí bổ sung từ Lô B và cước phí vận chuyển khí. VNDIRECT kỳ vọng lượng khí bổ sung kể từ năm 2026 sẽ bù đắp sự cạn kiệt nhanh chóng tại các mỏ khí lâu năm, góp phần duy trì sự tăng trưởng của GAS trong dài hạn.