Là một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khi các nhà máy sản xuất bên Trung Quốc dừng hoạt động, FPT Retail (FRT) ghi nhận quý đầu năm với lợi nhuận giảm về mức 35,6 tỷ đồng.
Sẽ tăng cường khuyến mãi để thúc đẩy nhu cầu sau khi nới lỏng giãn cách
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 đã tác động khá nghiêm trọng, đa chiều lên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp bán lẻ như FRT, những khó khăn do dịch bệnh mang lại càng rõ nét hơn. Thời gian giãn cách xã hội vừa qua đã phần nào gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Theo đó, doanh số tháng 3/2020 sụt giảm khoảng 20% so với tháng 2/2020.
"Tuy nhiên, trong thách thức cũng có cơ hội, giữa mùa dịch khách hàng đã dịch chuyển xu thế sang mua hàng online, nhu cầu đối với các thiết bị cá nhân làm việc tại nhà tăng cao. FRT đã tận dụng cơ hội này để bán hàng, nâng cao được công tác quản trị rủi ro. Đây cũng là một cú huých mạnh mẽ để FRT sáng tạo hơn nhằm vượt qua khó khăn và tìm thấy những giá trị mới", phía FRT nói.
Thống kê, mảng laptop của FPT Shop đạt doanh số tháng 2/2020 tăng 79% so với tháng 1 và tháng 3 tăng 172% so với tháng 1, "FRT sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mảng này trong dài hạn".
Đến nay Việt Nam đang dần nới lỏng giãn cách, FRT theo đó sẽ tung nhiều ưu đãi thiết thực dành cho khách hàng. Cụ thể, trong tháng 5 này, FPT Shop giảm giá sâu cho điện thoại, laptop và cho khách hàng mua trả góp 0% lãi suất rất nhiều sản phẩm, với khoản trả trước chỉ từ 399.000 đồng. Đồng thời, FPT Shop cũng tặng nước rửa tay diệt khuẩn và giao hàng tận nhà trong vòng 60 phút.
Ngành bán lẻ dự đạt 180 tỷ USD trong năm 2020: FRT sẽ duy trì mảng ICT để mở rộng các hướng kinh doanh mới
Theo đánh giá của Vietnam Report, trong những năm gần đây ngành bán lẻ Việt Nam đã trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trong giai đoạn 2013-2018 là 10,97%. Tổng doanh thu bán lẻ cũng dự kiến sẽ đạt 180 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng 26,6% từ năm 2018. Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các kênh bán lẻ kỹ thuật số và thương mại điện tử cũng rất đáng lưu tâm trong thời gian tới.
Theo dự báo của World Bank, chi tiêu hộ gia đình sẽ tăng trung bình 10,5%/năm đi kèm tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Hiện tại có khoảng 70% dân số Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Các tầng lớp thu nhập này đang tăng nhanh, dự kiến sẽ đạt 26% vào năm 2026. Tính từ 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo. Tăng trưởng kinh tế, cải thiện mức sống và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu là một nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bán lẻ trong thời gian tới.
Theo đó, năm 2020 FPT Retail cho biết tiếp tục duy trì chuỗi ICT nhằm giữ mức tăng trưởng tương đương với năm 2019. Đây cũng là điểm tựa để FRT có thể đầu tư mở rộng sang các hướng kinh doanh mới. FRT dự kiến tăng doanh thu của hệ thống cửa hàng bằng việc đưa vào bán kính mắt và đồng hồ theo hình thức shop – in – shop.
Năm 2020 sẽ mở 200 nhà thuốc Long Châu
Với mảng dược, số lượng cửa hàng Long Châu đạt 83 cửa hàng trải rộng khắp 19 tỉnh thành, tăng 13 cửa hàng so với cuối năm 2019. Tính đến hiện tại, Long Châu đã chốt được 40 địa điểm để mở cửa hàng trong quý 2/2020. Dự kiến, Long Châu sẽ đạt 200 cửa hàng vào cuối năm 2020.
"FPT Retail hiện chiến lược gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc, chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 2-3 năm tới", đại diện chuỗi nhấn mạnh.
Ghi nhận tại BCTN 2019, FRT đánh giá thị trường dược phẩm ở Việt Nam được xem là khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Theo Hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD vào năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11%, tính theo tiền đồng Việt Nam.
Mặt khác, thị trường bán lẻ dược phẩm tại nước ta đang rất phân mảnh. Với thu nhập trung bình và nhận thức về sức khỏe đang ngày càng tăng, người dân có xu hướng lựa chọn các nhà thuốc hiện đại, có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc), thay vì các nhà thuốc nhỏ, không đủ tiêu chuẩn. Quá trình chuyển dịch này đang được đẩy nhanh một phần nhờ vào các chính sách của Chính phủ nhằm kiểm soát thị trường bán lẻ dược phẩm thông qua nhà thuốc (Thông tư số 02/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc).
Về phía FRT, sau khi tìm được công thức thành công cho chuỗi Long Châu, 2 trong năm 2020, FRT dự kiến mở rộng chuỗi lên 220 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc. Trong kế hoạch dài hạn, FRT định hướng phát triển mảng dược phẩm một cách quy hoạch và kiểm soát bài bản giống như việc vận hành hệ thống bán lẻ sản phẩm kỹ thuật số.