Đầu năm 2015, đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon bất ngờ tuyên bố mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần Citimart, hai chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam, một ở phía Bắc và một ở phía Nam.
Trong hơn 30 năm "tiến quân" ra khỏi Nhật Bản, đây là lần đầu tiên Aeon tiếp cận với các thị trường khác bằng việc bắt tay với hãng bán lẻ nội địa. Cách làm này sẽ giúp doanh nghiệp xâm nhập nhanh hơn vào thị trường Việt Nam, cũng như tạo bàn đạp mở rộng ra toàn khu vực Đông Nam Á.
Còn với Fivimart và Citimart, sự hiện diện của Aeon được kỳ vọng sẽ giúp các chuỗi bán lẻ trong nước nâng cao thương hiệu, uy tín cũng như mở rộng hệ thống phân phối mạnh hơn nữa. Quả thực, sự góp mặt của Aeon đã giúp hệ thống Fivimart ngày càng mở rộng và hiện đã nâng lên con số 23 còn với Citimart là gần 30.
Đi kèm với sự mở rộng hệ thống, doanh thu các chuỗi siêu thị này cũng được cải thiện qua từng năm. Nếu như năm 2015, doanh thu Fivimart chỉ là 1.075 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng lên 1.269 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu năm 2015 của Citimart là 1.355 tỷ đồng thì chỉ một năm sau đó đã tăng lên xấp xỉ 1.600 tỷ đồng.
Liên tục thua lỗ sau sự hiện diện của Aeon
Sau 3 năm hợp tác với Aeon đã giúp Fivimart và Citimart mở rộng hệ thống cũng như doanh thu tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, lợi nhuận mà hai chuỗi siêu thị này đạt được là điều khá đáng thất vọng khi liên tục thua lỗ.
Năm 2015 (năm đầu tiên hợp tác), Fivimart báo lỗ 60 tỷ đồng và đến năm tiếp theo số lỗ đã lên 96 tỷ đồng. Trong năm 2017, tình hình có chút cải thiện nhưng Fivimart vẫn lỗ 23 tỷ đồng, kéo theo số lỗ lũy kế lên tới 197 tỷ đồng.
Tương tự là trường hợp Citimart khi chuỗi siêu thị này báo lỗ 91 tỷ đồng trong năm 2015 và trong năm 2016 tiếp tục lỗ 33 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Citimart tính tới cuối năm 2016 cũng lên tới 157 tỷ đồng.
Việc hai chuỗi siêu thị này báo lỗ chủ yếu do các chi phí phát sinh trong kỳ tăng cao, bào mòn toàn bộ lợi nhuận. Với Fivimart, chi phí quản lý mỗi năm đều trên dưới 250 tỷ đồng; trong khi Citimart mỗi năm cũng mất đi số tiền tương tự cho chi phí bán hàng.
Một điểm đáng chú ý, cả 2 chuỗi siêu thị này hiện có nợ vay khá lớn. Tính tới cuối năm 2017, nợ vay của Fivimart lên tới 317 tỷ đồng, trong khi nợ vay của Citimart đến cuối năm 2016 là 717 tỷ đồng. Nợ vay lớn khiến các chuỗi siêu thị mỗi năm mất hàng chục tỷ đồng chi phí lãi vay.
Trong khi các siêu thị này kinh doanh thua lỗ, Aeon vẫn không ngừng bành trướng vị thế trong ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam với việc phát triển các đại siêu thị Aeon Mall. Hiện hệ thống này đã có 4 trung tâm tại TP.HCM, Bình Dương và Hà Nội. Tới đây, Aeon sẽ tiếp tục mở thêm 2 trung tâm nữa tại Hải Phòng và Hà Đông. Theo kế hoạch được công bố, Aeon sẽ mở 20 đại siêu thị Aecon Mall tại Việt Nam đến năm 2025.