Những ly bia có tên rất "lạ"
"Cởi đồ ra", “Xạo bà cố”, “Lùn mà láo”, “Đừng chọc tao”… chắc hẳn sẽ rất nhiều người ngạc nhiên khi biết đó là tên của các món bia ở quán nhậu mang tên Ụt Ụt.
Thoạt nghe, người ta có thể đoán đây là cách chơi chữ của một ông chủ rặt chất nông dân Nam Bộ, tếu táo và buồn cười. Nhưng bất ngờ ở chỗ, sáng lập ra chuỗi quán nhậu BiaCraft và Ụt Ụt lại là mấy ông Tây, những người Mỹ yêu mảnh đất này và gắn bó với văn hóa bản địa như một phần của cuộc sống mới mà họ đang tận hưởng.
Tim và Mark.
Tim Scott, 38 tuổi, đã sống tại Việt Nam ngót nghét 17 năm, đồng sáng lập của Quán Ụt Ụt, muốn khách hàng vào đây cảm thấy buồn cười, vui vẻ khi nghe tên đồ uống. Mấy cái tên buồn cười đó cũng có thể chính là một thông điệp mà thực khách muốn gửi cho nhau.
“Chẳng hạn, một chàng trai có thể gọi ly “Cởi đồ ra” để trêu cô gái và cô gái có thể gọi ly “Đừng chọc tao” để gửi lại thông điệp với người đối diện”, Tim vui vẻ giải thích khi tôi thắc mắc về cái tên "kì cục" của mấy ly bia.
“Ngày mới sang Việt Nam, tôi có một người bạn và tôi học được từ “Biết chết liền” bằng tiếng Việt. Tôi sử dụng từ này 5-6 lần và lần nào cũng thấy cô ấy cười ngặt nghẽo. Từ đó, tôi có ý tưởng đặt tên những ly bia này là các từ lóng thời thượng để mọi người cảm thấy vui vẻ”, Tim kể.
Nhưng bia không phải là cái mà Tim và người đồng sáng lập bắt đầu khởi nghiệp tại Việt Nam. Họ đã khởi nghiệp tại đất nước châu Á này bằng món sườn nướng kiểu Mỹ.
Bị kêu là điên khi nướng sườn kiểu Mỹ trên phố Sài Gòn
Mặc chiếc áo mang tên ly bia “Đừng chọc tao”, Tim nhớ lại, cách đây khoảng 4 năm, một người bạn của anh là Mark Gustafson, một đầu bếp, hay qua lại Việt Nam cùng anh đã hỏi: Nếu ở lại Việt Nam thì cậu làm gì? Chưa trả lời được ngay bạn mình, nhưng Tim vẫn luôn đau đáu nghĩ về câu hỏi của Mark.
Một lần, Tim đến nhà Mark chơi và thấy cậu bạn nấu ăn quá “cừ”, nhất là món sườn heo nướng. Đầu Tim lóe lên ý nghĩ: Tại sao không bán món sườn heo nướng tại Việt Nam nhỉ? Như tìm ra câu trả lời hợp lí nhất bấy lâu, Tim và Mark lập tức bắt tay vào việc.
“Ngày đó, chúng tôi bắt đầu làm món sườn heo nướng nhưng nhiều thứ ở Việt Nam không có. Một thứ cụ thể, đó là than để nướng thịt. Ở Mỹ, chúng tôi thường dùng than cây táo để nướng nhưng ở Việt Nam việc tìm ra than táo rất khó”, Tim nhớ lại.
Sau đó, Tim và Mark đã thử 10 loại than khác, cuối cùng chọn than cây điều để nướng thịt thì cho vị ngon tương tự như than táo. “Nhiều người Việt ăn món sườn nướng của chúng tôi và gật gù khen ngon. Thịt nướng bằng than cây điều, không kém gì than táo”, Tim kể.
Tìm được cách làm, Tim và Mark sau đó mở Quán Ụt Ụt đầu tiên trên đường Võ Văn Kiệt ở TP HCM.
“Mark để lò nướng ở gần vỉa hè để nướng sườn heo. Ai đi qua cũng kêu chúng tôi bị điên và sẽ đóng cửa sớm”, Tim nhớ lại.
Ai đi qua cũng bảo chúng tôi bị điên và cửa hàng sẽ sớm đóng cửa
Rồi mọi người thấy lạ, vào ăn thử đồ nướng của hai ông Tây. Quán mở từ tháng 3, đến tháng 7 thực khách vẫn xếp hàng mua. Đôi bạn thân có vẻ mát tay khi chỉ ngay tháng đầu tiên kinh doanh họ đã có lợi nhuận.
Sau một thời gian bán đồ nướng ở Quán Ụt Ụt, hai ông chủ bắt đầu nhận thấy bia thủ công là thị trường rất tiềm năng. Họ nghiên cứu để bán thêm bia. 30 tháng sau ngày mở quán Ụt Ụt đầu tiên, hai anh chàng người Mỹ đã mở thêm được tổng số 4 quán, trong đó 2 quán Ụt Ụt và 2 quán Bia Craft.
"Tại sao các anh đặt tên quán là Quán Ụt Ụt?", tôi thắc mắc. Tim giải thích, cái tên này vừa gợi âm thanh, vừa gợi hình ảnh thân thuộc về Việt Nam. Cái tên cũng liên quan đến món sườn heo của quán nữa. "Vợ tôi là người giúp tôi tìm ra tên quán", Tim bật mí.
"Người Mỹ thích ăn theo phần, còn người Việt thích ăn chung"
Theo Tim ước tính, khách đến Quán Ụt Ụt và Bia Craft hiện 80% là người Việt và 20% là người nước ngoài. Điều này có được là nhờ suy tính ngay từ khi mở quán, Tim đã nghĩ rằng món ăn phải phù hợp với văn hóa người Việt.
“Người Việt thích ăn chung, còn người Mỹ thích ăn theo kiểu chia theo phần ăn. Vậy nên đây là điều Tim và Mark phải điều chỉnh ngay từ đầu”, Tim cho biết.
Thứ hai đó là tạo không khí đường phố cho quán. Đó là lý do vì sao, Quán Ụt Ụt có không gian mở, thông thoáng, lộ thiên.
Tim từ chối đưa ra con số về lượng khách hàng đến Ụt Ụt và BiaCraft, mà chỉ cho biết, ở Quán Ụt Ụt tại đường Trường Sa, với 280 ghế ngồi thì thường xuyên không còn ghế trống. Hay tại số 1 Lê Ngô Cát, với 150 ghế cũng thường xuyên hết chỗ.
Sẽ mở 10 quán trong năm nay
Tim cho biết thị trường Việt Nam thực sự rất tiềm năng cho các món nướng và bia thủ công.
"Chúng tôi sắp khai trương địa điểm thứ 5 vào đầu tháng 6", Tim hồ hởi khoe.
Dự định đến hết năm nay, Công ty TNHH Quán Ụt Ụt, đơn vị chủ quản của hai chuỗi Quán Ụt Ụt và BiaCraft, sẽ mở khoảng 10 cửa hàng (cho cả 2 thương hiệu).
Quán Ụt Ụt bán chủ yếu là món nướng, cũng có bia thủ công. Còn ở BiaCraft, món chính là bia, cũng bán kèm món nướng.
Tim khẳng định, đó cũng là lợi thế các quán của anh vì cả 2 món đều là những món chính. "Một nhà hàng, thường là bán đồ ăn chính nên đồ ăn sẽ được đầu tư công sức nhiều hơn, đồ uống là phụ. Còn ở các quán đồ uống, thì thức uống mới là chính",Tim nói.
Đầu năm 2018, Chảo Đỏ (trước đây là Wrap & Roll) chính thức công bố đầu tư vào Công ty TNHH Quán Ụt Ụt, chủ thương hiệu BiaCraft và Quán Ụt Ụt. Phía Chảo Đỏ và Ụt Ụt không đưa ra con số cụ thể về mức Chảo Đỏ đã đầu tư, chỉ tiết lộ là "tiền tỷ đồng".
Quán Ụt Ụt về đêm.