Sóng ngầm vẫn chưa ngừng tại ông lớn một thời trong ngành ngân hàng. Những mâu thuẫn trong nội bộ dường như chưa được hóa giải khi đại hội tiếp tục bị hoãn vào phút chót cho dù đã lùi hoãn nhiều lần.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa công bố thông tin về việc sẽ tiếp tục hoãn đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường 2019 theo kế hoạch sẽ được diễn ra vào ngày 05/03/2020 tới đây.
Theo kế hoạch, nội dung chính của cuộc họp bị hoãn lần này là bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020). Đồng thời, Eximbank cũng sẽ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018, kế hoạch năm 2019 và một số nội dung khác mà hai lần tổ chức ĐHĐCĐ 2019 bất thành trước đó chưa thể thông qua.
Như vậy Eximbank lại phải hoãn ĐHĐCĐ 2019 một lần nữa trong khi các ngân hàng khác đã chuẩn bị tổ chức ĐHĐCĐ 2020.
Eximbank vẫn chưa tổ chức được ĐHĐCĐ 2019 sau nhiều lần tạm hoãn vì tranh chấp giữa các nhóm cổ đông.
Theo lịch trước đó, Eximbank dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 3 và ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào tháng 4. Tuy nhiên, do ĐHĐCĐ bất thường tiếp tục bị hoãn nên ĐHĐCĐ thường niên 2020 không biết bao giờ sẽ diễn ra.
Trong năm 2019, Eximbank đã có 3 lần tổ chức ĐHCĐ nhưng cả 3 lần đều bất thành do không đủ thành phần tham dự hoặc không thông qua quy chế tiến hành Đại hội. Đây cũng là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam chưa tổ chức được ĐHĐCĐ năm 2019.
ĐHĐCĐ năm 2019 của Eximbank vào tháng 6/2019 cũng đã bị hủy bỏ do các cổ đông chia thành 2 nhóm tranh cãi về vị trí chủ tọa cho dù đại hội đã đạt đủ số lượng cổ đông theo quy định (hơn 94% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự).
Eximbank tiếp tục hoãn ĐHĐCĐ. |
Tranh cãi nảy lửa nhất nằm ở tính tính hợp pháp của vị trí Chủ tịch HĐQT.
Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank đã kéo dài trong nhiều năm qua, nhất là sau khi ông Lê Hùng Dũng nghỉ hưu năm 2015 nhưng bắt đầu trở nên phức tạp hơn bao giờ hết kể từ sau ngày 22/3/2019, thời điểm 7 thành viên HĐQT Eximbank đã họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú nhiệm kỳ VI (2015-2020) thay cho ông Lê Minh Quốc dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ.
Bà Lương Thị Cẩm Tú được biết đến là một gương mặt đại diện của NamABank. Bà Tú (1980) từng là TGĐ Ngân hàng Nam Á (NamABank) của cố doanh nhân Tư Hường. Bà Tú vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của nhà băng này.
Sau đó, ông Minh Quốc đã có đơn kiện và tòa án TP.HCM đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng. Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc sau đó có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch HĐQT.
Ông Cao Xuân Ninh (1962) sau đó được bầu làm chủ tịch Eximbank thay cho 2 nhân vật đối đầu trong một cuộc chiến tranh giành chiếc ghế cao nhất tại Eximbank trong nhiều tháng trước đó.
Dù vậy, loạt diễn biến vừa qua, bao gồm hoãn ĐHĐCĐ cuối tháng 5, ĐHĐCĐ bất thành cuối tháng 6, hay việc ông Cao Xuân Ninh xin từ chức Chủ tịch và giờ đây là việc tiếp tục hoãn ĐHCĐ cho thấy HĐQT Eximbank vẫn còn rất nhiều xung khắc.
Như vậy, trong hơn 1 năm qua, chiếc ghế nóng chủ tịch Exibank liên tục xoay quanh 3 nhân vật liên quan đến các nhóm cổ đông khác nhau nhưng cho đến giờ mọi thứ đều chưa ngã ngũ.
Sóng ngầm tại Eximbank vẫn chưa ngừng. |
Hiện tại ông Cao Xuân Ninh vẫn là chủ tịch Eximbank cho dù đã xin từ chức ngay sau ĐHCĐ bị hủy bỏ hồi tháng 6 bởi cổ đông, nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng khó dung hoà dẫn đến các tranh chấp nội bộ, gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, hoạt động của ngân hàng.
Mặc dù mâu thuẫn nội bộ, Eximbank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khá tốt. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 cho thấy lợi nhuân vẫn tăng 30% dù quý 4 lỗ ròng 16 tỷ đồng. Trong 2019, Eximbank ghi nhận lãi trước thuế và sau thuế đạt gần 1.095 tỷ đồng và hơn 866 tỷ đồng, tăng 32% và 31% so với cùng kỳ năm trước nhờ giảm chi phí dự phòng và chi phí hoạt động.
Thu nhập lãi thuần của Eximbank trong năm 2019 suýt soát so với năm trước, đạt hơn 3.220 tỷ đồng. Các hoạt động khác có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng con số không thực sự ấn tượng.
Giá cổ phiếu EIB hiện vẫn ở vùng cao nhất trong 3 năm qua.
Các ngân hàng trong năm 2019 vừa qua có kết quả kinh doanh rất tốt, nhiều ngân hàng có lợi nhuận trên 10 ngàn tỷ đồng, trong đó có Vietcombank lợi nhuận tỷ USD. Cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm hiếm hoi vượt bão corona.
Theo Chứng khoán SSI Research, ngân hàng thuộc một trong trong những nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh corona, dù nợ xấu cũng được dự báo gia tăng sau dịch. Nhiều dự báo cho thấy, trong 2020, cổ phiếu nhóm này vẫn có những yếu tố tích cực nhờ những thay đổi nội tại bên trong các ngân hàng cùng vị thế riêng của nhóm này trong nền kinh tế.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 4/3 nhiều cổ phiếu trụ cột giảm giá. VN-Index đang giảm khoảng 7 điểm sau khi TTCK Mỹ quay đầu giảm mạnh bất chấp Fed vừa giảm lãi suất 50 điểm phần trăm.
Cổ phiếu Eximbank tăng nhẹ, HDBank cũng tăng giá.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.
Theo Mirae Asset Việt Nam, đà hồi phục của VN-Index khi tiến về vùng hỗ trợ được đánh giá nhiều tích cực. Tuy nhiên, tâm lý lo sợ về việc không kiểm soát được tốc độ bùng phát của dịch khiến cho thị trường vẫn tồn tại một áp lực gây giảm điểm. Vì vậy MASVN vẫn tiếp tục duy trì nhận định tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp nhằm đảm bảo an toàn tài khoản của nhà đầu tư.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/3, VN-Index tăng 6,18 điểm lên 890,61 điểm; HNX-Index tăng 1,91 điểm lên 112,58 điểm. Upcom-Index tăng 0,29 điểm lên 55,47 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 5,1 ngàn tỷ đồng.
V. Hà