Là huyện có lộ trình lên quận trước năm 2025 và đạt 6/6 chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội nhưng tốc độ đô thị hóa của Bình Chánh lại không đều. Chẳng hạn, xã Bình Hưng có tốc độ đô thị hóa rất cao thì Bình Lợi lại là xã thuần nông.
Kế tiếp, theo định hướng phát triển thì Bình Chánh sẽ là vệ tinh của TPHCM, là điểm kết nối giữa trung tâm TPHCM với các tỉnh miền Tây nhưng vẫn có tính độc lập ở mức độ nhất định so với quận nội thành.
Do đó, vào cuối năm 2021 huyện Bình Chánh rà soát lại các tiêu chí lên thành phố để xác định phân kỳ đầu tư trong 4 năm tới, ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản như giao thông, trường học… khoảng 44.000 tỷ đồng.
Việc từ huyện lên quận cần phải mở rộng hạ tầng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh cho biết, để huy động nguồn lực trên thì điều quan trọng nhất là điều chỉnh quy hoạch phù hợp và tạo ra cơ chế để thu hút đầu tư xã hội hóa, khai thác nguồn lực quỹ đất nông nghiệp. Theo ông Nam, huyện đang phải đối mặt với tốc độ đô thị nhanh, dân số tăng cơ học hằng năm trên 30.000 người.
Trong khi đó, đồ án quy hoạch chung của huyện từ năm 2012 đến nay không còn phù hợp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 và quy hoạch xây dựng nông thôn mới chồng chéo. Tỷ lệ cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, đất nông nghiệp chiếm hơn 58% đất tự nhiên ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Do đó, việc lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng Bình Chánh sẽ khắc phục được sự chồng chéo, bất cập trong các đồ án quy hoạch hiện hữu, tạo đà phát triển cho giai đoạn tới.
Bình Chánh có lộ trình lên quận trước năm 2025 và đạt 6/6 chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội nhưng tốc độ đô thị hóa không đều |
Trong khi đó, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn cho biết, Hóc Môn là huyện ngoại thành ở cửa ngõ Tây Bắc TPHCM. Về diện tích đất, hiện Hóc Môn còn hơn 5.000ha đất nông nghiệp (chiếm hơn 48% diện tích) được quy hoạch phát triển đô thị nhưng chưa sử dụng. Đây là nguồn lực, tài sản rất quý làm tiền đề cho bước đường phát triển của Hóc Môn thành quận trong tương lai.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ nói rằng, huyện này sẽ phát triển thành thành phố nghỉ dưỡng sinh thái du lịch. Huyện đang phối hợp với các sở ngành xây dựng đề án, tiếp thu góp ý của các nhà khoa học để hoàn thiện, xác định lộ trình đầu tư.
Ông Hồ Duy Khánh, ấp 1A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh nói rằng, dù lên quận hay lên thành phố thì trước hết phải giải quyết quyền lợi thỏa đáng, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Trong đó, việc đầu tư hạ tầng phải được ưu tiên. Dẫn chứng về vấn đề này, ông Khánh nói nhiều khu vực ở xã Vĩnh Lộc A vẫn còn là đường đất, điện và nước sạch chưa tới từng nhà, tình trạng xây nhà trái phép diễn ra tràn lan. Con đường Nguyễn Thị Tú kết nối từ Vĩnh Lộc A xuống trung tâm TPHCM quá nhỏ, thường xuyên kẹt xe khiến người dân rất khổ sở. Do đó, việc định hướng các huyện lên quận, hay thành phố cần phải đảm bảo mục tiêu phục vụ tốt hơn các nhu cầu chính đáng của người dân.
Không cưỡng ép, nóng vội
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, nếu không giải quyết được bài toán quy hoạch thì các huyện khó mà lên quận hoặc thành phố. Vào năm 2020, khi xác định lộ trình đưa huyện Bình Chánh lên quận thì cần 10 năm vì hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất còn nhiều vấn đề phải làm.
Do đó, việc xác định lộ trình và nguồn lực đầu tư cần cân nhắc kỹ để tránh tình trạng giá đất tăng, ảnh hưởng đến việc bồi thường khi thực hiện công trình phúc lợi, dự án thương mại.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Kim Hoài, Giám đốc Công ty Phúc Điền Land nói rằng, việc đưa 5 huyện lên quận là phù hợp với việc TPHCM đang thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.
Tuy nhiên, việc này không nên nóng vội mà cần đi từng bước, có cơ sở pháp lý thực tiễn, khoa học... Việc cưỡng ép đô thị hóa không giúp ích gì cho cơ sở vật chất cũng như sự chăm sóc cho người dân. Ngược lại, giá đất sẽ tăng cao gây cản trở cho sự phát triển hạ tầng của các huyện này.
Giá đất tăng
Khảo sát mới đây từ DKRA Việt Nam- đơn vị chuyên nghiên cứu về thị trường bất động sản, cho thấy, giá bất động sản tại 5 huyện được định hướng lên quận tại TPHCM đều tăng khoảng 2-5%. Riêng đất thổ cư tại một số trục đường lớn ở thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa thuộc huyện Cần Giờ tăng 10-20% so với đầu năm, đạt mức 17-55 triệu đồng/m2. Sở dĩ đất Cần Giờ tăng mạnh bởi thông tin quy hoạch dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Huyện Nhà Bè có mức tăng giá cao thứ 2 chỉ sau Cần Giờ, dao động 3-5% so với cuối năm 2020. Ðất thổ cư tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn cũng tăng lần lượt 3-5% so với cuối năm trước. Tại huyện Hóc Môn, giá đất thổ cư một số trục đường lớn ở Xuân Thới Thượng và xã Ðông Thạnh ở mức 20-45 triệu đồng/m2. Còn tại huyện Củ Chi, giá đất thổ cư dao động 17-56 triệu đồng/m2 tại một số trục đường lớn ở Thị trấn Củ Chi và xã Tân Phú Trung.