Chuyện chiếc bàn và chỗ ngồi trong Hội nghị Paris

16/01/2023 11:40
Theo bà Helen Luc, chỉ việc chọn bàn vuông, bàn tròn hay bàn bầu dục cho Hội nghị Paris cũng mất rất nhiều thời gian. Vị trí của mỗi thành viên các đoàn đều có một hàm nghĩa riêng về mặt chính trị và đã phải đổi bàn nhiều lần để có thể tiến hành đàm phán

Đến Việt Nam dự kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27.1.1973 - 27.1.2023), bà Helen Luc - nguyên Thượng nghị sĩ, nguyên Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Đảng Cộng sản Pháp tại Thượng viện Pháp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt - kể nhiều câu chuyện về Hội nghị Paris .

Chuyện chiếc bàn và chỗ ngồi trong Hội nghị Paris - Ảnh 1.

Bà Helen Luc. Ảnh: Trần Dương

Tranh luận về cái bàn...

Ngày 13-5-1968, Hội nghị Paris giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, phố Kléber, Paris, Pháp.

Bà Helen Luc kể, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã tới Paris và có những cuộc hội đàm bí mật với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trưởng đoàn là Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy. Lúc đó rất nhiều lực lượng đã chỉ trích việc Kissinger đến Paris bởi vì không muốn chiến tranh Việt Nam được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không muốn chiến tranh Việt Nam kết thúc nhanh chóng. Còn ông Kissinger khẳng định chiến tranh Việt Nam để kết thúc được phải thông qua con đường đàm phán. Sau khi ông Kissinger tới Paris cũng phải mất đến 3 tháng để xác định thành phần đoàn đàm phán.

Chuyện chiếc bàn và chỗ ngồi trong Hội nghị Paris - Ảnh 2.

Chiếc bàn trong Hội nghị Paris. Ảnh tư liệu

"Lúc đó, chỉ việc chọn bàn vuông, bàn tròn hay bàn bầu dục cũng mất rất nhiều thời gian. Vị trí của mỗi thành viên các đoàn đều có một hàm nghĩa riêng về mặt chính trị và đã phải đổi bàn nhiều lần để có thể tiến hành đàm phán"- bà Helen Luc nhớ lại.

Còn ông Hà Văn Lâu, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Phó trưởng đoàn đàm phán (giai đoạn 1) của Việt Nam ở Hội nghị Paris, trong trao đổi với TTXVN, kể thời gian đó ông gặp đại diện phía Mỹ là Vance chủ yếu là bàn về thủ tục phòng họp ở đâu, nói bằng thứ ngôn ngữ nào, ai sẽ nói trước, hình thù cái bàn ngồi họp ra sao... Chỉ riêng chuyện cái bàn, phía Mỹ đã kéo thành 8 cuộc họp, mất gần 2 tháng để Vance tranh luận với ông Hà Văn Lâu, đưa ra yêu sách quanh mấy cái mặt bàn, chân bàn. Đây không phải là tranh luận về kỹ thuật hình thức, kiểu dáng cái bàn mà thực chất là cuộc đấu tranh lập trường giữa hai bên.

Phía Mỹ cho là Hội nghị Paris tiếp theo chấm dứt ném bom miền Bắc phải là cuộc họp của 2 bên: Một bên là Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, một bên là Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Vance đưa ra đến 10 kiểu bàn để thể hiện lập trường 2 bên của Mỹ, cố tình phủ nhận vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Còn phía Việt Nam nêu rõ đây là hội đàm 4 bên để nâng tầm chính trị, đề cao vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và trong đàm phán, nên đưa ra mẫu bàn hình vuông, Mỹ lại đề nghị bàn hình chữ nhật. Ở lần họp thứ 6, Phó đoàn Hà Văn Lâu đưa ra 2 kiểu bàn mới hình thoi và hình tròn chia tư. Đến cuộc họp lần thứ 7, Vance đưa ra 2 kiểu bàn: Hình bầu dục cắt dọc đôi và hình tròn cắt đôi, phía Việt Nam bác bỏ...

Phải đến lần họp thứ 10 ngày 16-1-1969, khi đưa ra sáng kiến chiếc bàn tròn, không phân biệt ranh giới cụ thể giữa 4 đoàn, phía Mỹ mới chịu chấp nhận. Tuy nhiên, phía Mỹ yêu cầu có hai bàn nhỏ đặt hai bên đối diện nhau, cách cạnh ngoài của bàn trong 45 phân.

Trên bàn họp không có cờ, không có bảng tên từng đoàn. Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngồi đối diện với đoàn Mỹ, còn đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngồi đối diện với đoàn Việt Nam Cộng hòa. Bên cạnh bàn tròn lớn có 2 bàn nhỏ dành cho thư ký. Bộ Ngoại giao Pháp đã làm giúp bàn họp, chỉ đóng trong một đêm là xong. Còn về chuyện ai nói trước, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa rút thăm...

Ngày 25-1-1969, Hội nghị Paris 4 bên đã khai mạc trọng thể tại phòng lớn của Trung tâm Hội nghị quốc tế phố Kléber.

... Và chuyện chỗ ngồi

Theo bà Helen Luc, thời gian đàm phán Hiệp định Paris lúc đầu dự kiến chỉ là vài tháng nhưng sau đó kéo dài đến gần 5 năm bởi vì vấn đề lớn lúc đó là phải thống nhất Việt Nam. Vào các năm 1969, 1972, đoàn Việt Nam Cộng hòa đều nhấn mạnh một cách cứng rắn sẽ ký hiệp định với điều kiện là Việt Nam sẽ tiếp tục bị chia cắt. Tuy nhiên đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa không đồng ý.

"Cố vấn đặc biệt" Lê Đức Thọ đã bày tỏ một cách mạnh mẽ lập trường, thái độ của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc đó, dù Henry Kissinger không muốn nhưng ông Lê Đức Thọ đã cố tình ngồi gần cửa để giới báo chí có thể nghe được lập trường của phía Việt Nam: Việt Nam phải thống nhất về một mối, phải được hòa bình.

Theo ông Hà Văn lâu, quanh chuyện cái bàn,chỗ ngồi này, Trưởng đoàn Xuân Thủy đã nói: "Thật là buồn cười, hồi bé, trẻ con hay tranh nhau chỗ ngồi bàn này, bàn kia, ghế nọ, ghế kia. Bây giờ bạc đầu, trên trường quốc tế, người ta vẫn tranh nhau như vậy"...

Trong cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2015, Henry Kissinger từng nói: Lê Đức Thọ là đại diện của một nước nhỏ đàm phán với một cường quốc và chiến lược của ông Lê Đức Thọ là làm cho chúng tôi luôn luôn phải suy nghĩ với những dấu hỏi rất lớn. Ông Lê Đức Thọ thực sự là một đối thủ rất đáng gờm một người rất tận tâm và ngoài ra còn có một phong trào giải phóng cũng như một phong trào ủng hộ Việt Nam đứng sau ông Lê Đức Thọ, đó là một trong những điều giải thích cho chiến thắng của Việt Nam.

Chuyện chiếc bàn và chỗ ngồi trong Hội nghị Paris - Ảnh 3.

Cái bắt tay lịch sử giữa cố vấn Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinge sau khi ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được chính thức ký kết tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris giữa 4 bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam: Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Bản Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều, trong đó có 3 điều quan trọng nhất: Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền và thống nhất của Việt Nam; quân Mỹ và chư hầu phải rút hết khỏi Việt Nam; quân miền Bắc vẫn ở lại miền Nam Việt Nam.

Đây là kết quả của quá trình đàm phán được xem là "dài nhất lịch sử" để tiến tới chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX với 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới.

Chuyện chiếc bàn và chỗ ngồi trong Hội nghị Paris - Ảnh 4.

Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy bắt tay Henry Kissinger, đứng giữa là cố vấn Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris năm 1973. Ảnh tư liệu Bộ Ngoại giao.

Ông John McAuliff - nhà hoạt động chính trị - xã hội Mỹ, người tích cực tham gia phong trào chống chiến tranh, ủng hộ nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia - khẳng định Hiệp định Paris được ký kết là một động lực đối với phong trào hòa bình, chống chiến tranh trên thế giới.

Bà Helen Luc dẫn lời một nhà sử học khẳng định chiến tranh Việt Nam là một sự kiện mang tính toàn cầu, không chỉ là vấn đề nội bộ của Việt Nam mà nó liên quan đến toàn thế giới. Thời gian đó, trong các cuộc tuần hành, rất nhiều người Pháp đã hô vang tên chủ tịch Hồ Chí Minh để ủng hộ Việt Nam, bởi vì đó là một cuộc đấu tranh chính nghĩa để chống lại chủ nghĩa đế quốc. Nếu như Việt Nam giành thắng lợi thì cũng là một thắng lợi của Pháp và của nhân dân trên toàn thế giới.

Vai trò của lực lượng chính trị thứ ba

Nhà hoạt động chính trị - xã hội Mỹ John McAuliff lưu ý có một khía cạnh ít được nhắc đến là vai trò của lực lượng chính trị thứ ba - những người sống ở miền Nam Việt Nam - trong việc phản đối chiến tranh, phản đối Chính quyền Sài Gòn để đạt được hòa bình. Những người như bà Ngô Bá Thành, nhà báo Don Luce… hiện đã không còn nữa.

"Hoạt động của những người thuộc lực lượng chính trị thứ ba đã góp phần chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Rất nhiều người đã tham gia vào các cuộc đấu tranh chống lại chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Chính quyền Sài Gòn cũng như các lực lượng của Mỹ đã dùng nhiều cách để để cố gắng mưu toan hủy diệt lực lượng chính trị thứ ba, khiếp họ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cho rằng đây cũng là một nội dung mà các viện bảo tàng của Việt Nam nên có"- ông bày tỏ quan điểm.

Tin mới

[Trên Ghế 16] Người sắp lập gia đình, đã có gia đình, tài chính 500-700 triệu nên mua xe gì?
4 giờ trước
Theo chuyên gia Đoàn Anh Dũng, việc lựa chọn xe cho từng đối tượng khách hàng phụ thuộc vào điều kiện tài chính và nhu cầu sử dụng của mỗi người, sau đó đến các yếu tố về thương hiệu và động cơ.
Đại chiến phá giá không thấy đáy giữa các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan: Hậu quả khôn lường
3 giờ trước
Việc phá giá bất chấp hậu quả của các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan đang gây ra nhiều hậu quả tai hại cho chính quốc gia này và buộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan phải lên tiếng.
Yamaha ra mắt xe ga mới siêu tiết kiệm xăng, màu tím cực cá tính, cốp rộng hơn Honda Lead
3 giờ trước
Yamaha tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong phân khúc xe ga đô thị với phiên bản mới vừa được trình làng.
Ông nông dân trồng "loài cây quen thuộc" thu lãi nhẹ nhàng 2 tỷ đồng/năm
2 giờ trước
Trồng "loài cây quen thuộc" mỗi năm thu lãi hơn 2 tỷ đồng, ông nông dân Nguyễn Huỳnh Thanh ở Tân Định, Bình Dương đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Hơn 300 gian hàng quy tụ kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu tại triển lãm FBC ASEAN 2024
59 phút trước
Một sự kiện lớn dành riêng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo và công nghiệp phụ trợ đang được diễn ra từ ngày 18 – 20/9/2024 nhằm kết nối và mở rộng quan hệ hợp tác với thị trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục

Giá USD hôm nay 19/9: Tỷ giá "chợ đen" lao dốc, bán ra dưới 25.000 đồng
21 giờ trước
Giá USD hôm nay 19/9: Trong nước, tỷ giá USD/VND niêm yết tại thị trường tự do bất ngờ "rơi" 50 đồng ở cả 2 chiều khiến chiều bán chính thức về dưới mốc 25.000 đồng. Hiện thị trường này đang niêm yết ở mức 24.850 - 24.950 VND/USD.
6 phút “chạm” may mắn trên điện thoại với Bingo18
1 ngày trước
“Vừa sáng mua vé dự thưởng, chỉ 6 phút sau đã biết mình trúng thưởng rồi thấy tiền về ngay, tinh thần của tôi rất phấn khởi”, chị Ngọc Bích - một người chơi xổ số Bingo18 chia sẻ.
Giá USD hôm nay 18/9: Tỷ giá "chợ đen" giảm, ngân hàng phục hồi
1 ngày trước
Giá USD hôm nay 18/9: Trong nước, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở cả 2 chiều, xuống mức 24.900 - 25.000 VND/USD. Ngược lại, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá niêm yết bắt đầu hồi phục khi đồng loạt tăng từ 50 đồng đến hơn 80 đồng so với ngày hôm qua.
Khủng hoảng Volkswagen: Nếu đóng cửa nhà máy sẽ khiến cả 1 thị trấn điêu đứng, 60.000 cư dân lo mất kế sinh nhai, chính Bộ trưởng phải vào cuộc
2 ngày trước
“Sẽ không có Wolfsburg nếu thiếu Volkswagen”, một nhân viên Volkswagen nói.