Là diễn giả chính của tọa đàm Học suốt đời – Con đường tiến đến tương lai, chuyên gia thương hiệu, bán lẻ và nhượng quyền Nguyễn Phi Vân chia sẻ một câu chuyện ít người biết trong con đường sự nghiệp của bà.
Nhiều người biết bà Nguyễn Phi Vân có bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Úc chuyên ngành Truyền thông Tiếp thị, với hơn 20 năm kinh nghiệm làm quản lý cấp cao về phát triển thương hiệu, bán lẻ và nhượng quyền thương mại trên các thị trường mới nổi toàn cầu như tại Châu Á, Châu Phi và Đông Âu.
Khi chấm dứt sự nghiệp ở tập đoàn lớn và làm intern cho tech startup, bà rất sợ hãi vì không biết mình làm có đúng không? Những điều học xong rồi sẽ ra sao? Không lẽ bắt đầu lại là con số 0?
Bà cũng là thành viên Hội đồng Cố vấn của Đề án 844, được phát kiến bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vững mạnh cho Việt Nam đến năm 2025, và là Thành viên Ban cố vấn của Hội đồng Giám đốc Tiếp thị Châu Á Thái Bình Dương (CMO), cố vấn nhượng quyền cho chính phủ Malaysia và Saudi Arabia, và là chủ tịch của Saigon Innovation Hub.
Trong một bài báo năm 2016, Doanh nhân Sài Gòn cho biết bà Vân có 2 tấm passport - Úc và Việt Nam, đi tới 60 quốc gia.
Nhưng ít người biết vào năm 2013, khi đang giữ cương vị Head of Global Development - Trưởng phòng Phát triển Thị trường - của một tập đoàn đa quốc gia phủ tới 100 thị trường, bà Vân quyết định rời bỏ sự nghiệp tại tập đoàn để bắt đầu lại từ đầu.
"Công việc đầu tiên tôi chọn là làm intern (thực tập - PV) cho một công ty về công nghệ tại Singapore", bà Vân kể.
Vì đâu đang ở đỉnh cao danh vọng, một phụ nữ Việt bỏ lại tất cả để làm intern một ngành hoàn toàn khác?
Bà Vân cho biết trong thời gian làm việc tại tập đoàn, nhiều lần bà được các diễn đàn quốc tế mời làm diễn giả, chia sẻ câu chuyện và xu hướng, định hướng về ngành.
"Tôi đi hầu như mỗi tháng hoặc mỗi 2 tháng để nói chuyện tại một diễn đàn lớn. Đến một ngày, tôi bắt đầu thấy diễn văn khai mạc ở các diễn đàn lớn khi nói về các ngành nghề mới của thế giới xuất hiện nhiều cụm từ, từ khóa và khái niệm mình không hiểu. Người ta bắt đầu nói về Bitcoin, tiền ảo, blockchain, AI (Trí tuệ nhân tạo)..."
"Tôi không được học về IT nên không hiểu, và cảm giác dường như có gì đó rất sai sai. Thế giới đang chuyển động theo một hướng nào đó với những concept mà mình không hiểu khái niệm là gì", bà Vân nhớ lại.
Và bà bắt đầu đi tìm hiểu, nói chuyện với nhiều người trong các lĩnh vực mới, bắt đầu định hình được rằng thế giới đang thay đổi theo một hướng rất khác. Và nếu như bất kỳ một tập đoàn, thương hiệu hay công ty nào nếu vẫn giữ cách làm cũ, không có sự thay đổi cũng như chuyển động đủ nhanh, linh hoạt, đủ hội nhập trong tương lai chắc chắn bị loại bỏ trên hành trình phía trước.
Đấy là phía công ty. Còn về cá nhân, chúng ta có bị loại bỏ trong hành trình đấy không?
"Tôi nghĩ khi thế giới bắt đầu chuyển động và bắt đầu làm việc với người máy, làm việc với những cách làm mới mà mình không có sự hiểu biết đủ sâu, đủ rộng mà tôi gọi là reskill - tái lập bộ kỹ năng của mình để hội nhập vào tương lai".
"Không làm được việc đó, ngay cả cá nhân chúng ta cũng sẽ bị loại bỏ trên hành trình mới của tương lai. Đấy là lý do rất lớn Vân bỏ lại phía sau những gì đã làm trong quá khứ để mở lòng ra, học hỏi những cái mới", bà Vân chia sẻ.
Thời điểm đầu, khi chấm dứt sự nghiệp tưởng chừng như rất ổn định ở tập đoàn lớn và bước chân vào giới tech startup , bà rất sợ hãi vì không biết mình làm có đúng không? Những điều học xong rồi sẽ ra sao? Không lẽ bắt đầu lại là con số 0?...
"Nhưng sau một thời gian học hỏi và định hình lại, tôi thấy những gì chúng ta đã làm, đã học trong quá khứ vẫn còn đó, và vấn đề là chúng ta sẽ kết nối nó với tương lai như thế nào mà thôi. Những gì chúng ta học được về tương lai, chúng ta sẽ kết nối với tài sản chúng ta đã có trong quá khứ và tạo ra một tài sản riêng cho từng cá nhân", bà Vân nhìn nhận.
"Đối với một người đã làm ở đỉnh cao nghề nghiệp như Vân còn phải làm như vậy, Vân nghĩ mọi người, và đặc biệt các bạn trẻ, cần hết sức lưu ý đến chuyển động của tương lai như thế nào để có sự chuẩn bị bắt kịp và hội nhập".
Hiện bà Nguyễn Phi Vân đang đảm đương nhiều công việc ở 3 mảng khác nhau.
Về đầu tư, bà là nhà đầu tư thiên thần với danh mục đầu tư gồm 19 startup ở Việt Nam và khu vực Châu Á xoay quanh lĩnh vực bán lẻ và nhượng quyền, nhưng là bán lẻ và nhượng quyền kiểu mới, có ứng dụng công nghệ.
Về các công việc hỗ trợ Chính phủ, bà Vân đang làm cố vấn cho các chương trình như Đề án 844 của Bộ Khoa học & Công nghệ, ngồi trong nhiều hội đồng của các tổ chức về startup và sáng tạo của khu vực như của các chương trình của Liên Hợp quốc và một số quốc gia như Malaysia, Singapore, Saudi Arabia.
Với lĩnh vực bản thân tâm huyết và dự định sẽ làm từ nay đến cuối đời, bà đang làm một số dự án cộng đồng như Thư viện Ước mơ - thư viện về nghệ thuật và sáng tạo cho trẻ em vùng sâu vùng xa. Hiện bà đã xây dựng được 31 thư viện và mỗi tháng đang khai trương 2 cái.
Một chương trình nữa mà bà rất tâm huyết là Sáng tạo xã hội dành cho các bạn học sinh từ 12 - 14 tuổi, hướng dẫn cho các bạn về tư duy thiết kế, kỹ năng startup để các bạn có thể tự mình lập nhóm, và có thể giải quyết vấn đề xã hội các bạn nhìn thấy một cách sáng tạo.