Phát biểu trong phiên thảo luận ở Hội trường chiều 13/6, ông Thường cho biết hiện nay trên sàn có rất nhiều các loại cổ phiếu gần như mất thanh khoản, được gọi với tên cổ phiếu penny, cổ phiếu rác, cổ phiếu trà đá vì giá tương đương với cốc trà đà vài nghìn đồng.
"Trên sàn TP HCM có hàng trăm cổ phiếu đang niêm yết loại này do kết quả kinh doanh bết bát cộng với việc liên tục phát hành cổ phiếu khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Tuy nhiên, đây lại là những cổ phiếu yêu thích của đội lái khi giá tăng trần, giảm sàn liên tục không rõ lý do", ông Thường cho biết.
Theo vị đại biểu Quốc hội Hà Nội, với cổ phiếu loại này, nhà đầu tư mua bao nhiêu cũng không có quyền lợi gì. Cổ tức hàng năm chia toàn là giấy. Chỉ doanh nghiệp, thậm chí là chủ doanh nghiệp, quan tâm tới lướt sóng, tạo sóng. Đây là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có thanh khoản thấp.
Trước tình trạng này, ông Thường đề nghị cần có cuộc cải tổ thực sự trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, cần siết chặt các quy định, tiêu chuẩn niêm yết, kiên quyết loại bỏ các cổ phiếu không đáp ứng được các tiêu chí, tránh để ảnh hưởng thị trường, giảm rủi ro và mang lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cổ phiếu “trà đá” chỉ là một phần nhỏ được các đại biểu Quốc hội nhắc đến trong phiên thảo luận chiều 13/6. Phát biểu tiếp thu giải trình ý kiến, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết phần lớn các đại biểu quan tâm đến vị trí của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi.vn
"Trong số 19 đại biểu phát biểu, có 5 đại biểu đề nghị UBCK nhà nước nên thuộc Chính phủ và 9 đại biểu đề nghị giữ nguyên như hiện trạng, tức là UBCK nhà nước thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính. Tất cả các đại biểu đều đồng tình tăng thẩm quyền, khả năng chuyên môn nghiệp vụ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để có thể đáp ứng những đòi hỏi mới", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Theo tư lệnh ngành tài chính, kể từ khi UBCKNN thuộc Bộ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước đột phá. Tại Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), tiếp tục tăng cường vai trò giám sát của UBCKNN để đảm bảo tính độc lập trong quản lý giám sát như tiêu chuẩn quốc tế.
"Từ 2004, thời điểm Ủy ban chứng khoán thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính, ngành chứng khoán đã phát huy kết quả vượt trội dưới sự lãnh đạo của chính phủ, và các cấp các ngành", Bộ trưởng Dũng nói thêm về những thành tựu của Thị trường chứng khoán thời gian qua đồng thời khẳng định không có sự can thiệp nào tác động tới tính độc lập của Ủy ban.
Hiệp hội chứng khoán quốc tế cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cho thị trường chứng khoán các nước, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính độc lập, năng lực thực thi và không chịu tác động của yếu tố khách quan là những điểm quan trọng nhất mà tổ chức này kiến nghị. Dựa vào thực tiễn, Việt Nam đã chọn những gì tốt nhất để áp dụng cho thị trường chứng khoán phát triển theo hướng công khai, minh bạch và bền vững, ông Dũng nói.
"Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính luôn tôn trọng tính độc lập của UBCK, không can thiệp vào các hoạt động của cơ quan này", Bộ trưởng cho hay.
Về vấn đề tăng quyền cho UBCK, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết dự thảo luật đã bổ sung 3 quyền quan trọng là quyền được tiếp cận thông tin phục vụ thanh tra kiểm tra để đảm bảo minh bạch thị trường; quyền chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, an ninh, an toàn cho thị trường chứng khoán và quyền báo cáo trực tiếp các cấp có thẩm quyền về tình hình thị trường chứng khoán.
"Phát triển thị trường chứng khoán cần gắn liền với điều hành chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế", Bộ trưởng Dũng kết luận việc duy trì UBCKNN thuộc Bộ Tài chính phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với yêu cầu bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 36/2017 của Quốc hội về tinh gọn bộ máy nhà nước.