Luật sư L.V, đến từ Hà Nội chia sẻ lại câu chuyện "dở khóc dở cười" của chính mình khi tư vấn cho khách hàng.
Theo luật sư V., cuối năm 2019, anh đảm nhiệm vai trò hỗ trợ, tư vấn cho một khách hàng. Doanh nghiệp này dự tính hợp tác với đối tác bên Hàn Quốc để sản xuất. Hai bên đã lên kế hoạch, các mốc thời gian, phân công công việc chi tiết cho từng bên.
Theo đó, phía đối tác bên Hàn Quốc sẽ tiến hành thực hiện các thủ tục thành lập pháp nhân, Văn phòng đại diện ở Việt Nam và đưa máy móc từ Hàn Quốc sang Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước tiến hành tiềm kiếm mặt bằng trong khu công nghiệp, ven thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, do nhiều yếu tố khách quan mà việc hợp tác bị trì trệ.
Luật sư L.V chia sẻ, suốt từ đầu năm 2020, phía Hàn không sang được Việt Nam để thương thảo trực tiếp. Thủ tục thành lập thương nhân tại Việt Nam cũng bị chậm trễ do chính sách hạn chế giao thương.
Sau 5,6 tháng, 2 bên mới có thể ký được Hợp đồng đầu tiên để đưa máy móc sang. Lúc này phía doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã lập xong hiện diện thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến họ không thể tiến hành làm thị trường được. Việc vận chuyển máy móc, nguyên vật liệu cũng hết sức khó khăn.
Đến đầu 2021, nhà máy mới bắt đầu đi vào sản xuất được. Ban đầu, phía doanh nghiệp Hàn Quốc cam kết tối thiểu 150 tấn thành phẩm/tháng. Tuy nhiên, kết quả thực tế chỉ túc tắc 5 - 10 tấn. Như vậy, việc tiếp tục hợp tác duy trì sẽ khiến 2 bên lâm vào tình cảnh khó khăn.
Doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu phía doanh nghiệp Hàn Quốc buộc phải cam kết từ 1/1/2022 phải đưa về lượng đặt hàng là 150 tấn thành phẩm/tháng. Tuy nhiên, lo ngại ảnh hưởng của dịch nên doanh nghiệp Hàn Quốc từ chối cam kết. Hai bên buộc phải chấm dứt hợp đồng.
Việc chấm dứt hợp đồng cũng buộc doanh nghiệp bên Hàn Quốc không cam kết. Đây cũng là lý do hai bên đã tiến hành chấm dứt hợp đồng.
"Khách hàng của tôi mua đất để thực hiện việc hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc nhưng hợp tác đã kết thúc, họ phải bán đi. Điều đáng nói, họ bán lô đất đi, giá đất đã tăng tới 40-50% so với giá ban đầu. Khoản chênh này khi hạch toán lại thành lợi nhuận tốt", luật sư L.V chia sẻ.
Theo thống kê của các tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản, giá đất vùng ven những năm trở lại đây tăng chóng mặt. Bất chấp ảnh hưởng của Covid-19, giá đất chưa có dấu hiệu dừng lại, tiếp tục gia tăng, đưa mức giá neo ở ngưỡng cao.
Đầu năm 2021, theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, đất tại các vùng ven Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, giá chào bán đắt ngang ngửa các khu vực phát triển thuộc các quận nội thành thủ đô với mức giá lên tới 70-90 triệu đồng/m2. Ngay trong các ngõ ngách nhỏ, giá đất thuộc các huyện này cũng bị chào lên tới 20-30 triệu đồng/m2. Ở Đông Anh, đất mặt tiền Tiên Hội, Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh) giá rao bán là 55-70 triệu đồng/m2. Đất Vân Canh, gần đường vành đai 3,5 giá cũng chạm mức 70-90 triệu đồng/m2. Đất mặt đường khu vực thị trấn Văn Điển, Ngọc Hồi (Thanh Trì) cũng vọt lên mức 97-110 triệu đồng/m2.
Trong báo cáo mới đây của đơn vị này, chỉ tính trong phạm vi cách Hà Nội 50km, giá rao bán đất nền miền Bắc đều ghi nhận tăng mạnh như Bắc Ninh tăng 61%, Hưng Yên tăng 22%. Trong phạm vi cách Hà Nội 100km, giá rao bán đất Hòa Bình tăng 106%, Thái Nguyên 57%...
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng ghi nhận con số tăng trưởng đáng kể của giá đất vùng ven, thậm chí có nơi tăng gấp 3 lần.