Trước tình trạng thông tin thẻ bị đánh cắp và giả mạo ngày càng tăng cao, việc các NHTM chuyển đổi thẻ nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip cũng như đảm bảo thiết bị chấp nhận thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa được đánh giá sẽ góp phần gia tăng tính bảo mật và an toàn hơn cho người tiêu dùng.
Lộ trình chuyển đổi đã rõ ràng
Cuối tháng 12/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Điểm đáng lưu ý, tại Thông tư này, NHNN yêu cầu thời hạn cuối cùng của việc chuyển đổi: Đến cuối năm 2020, nhằm bảo đảm hệ thống chấp nhận thẻ phải đi trước và sẵn sàng, các ngân hàng phải thực hiện chuyển đổi xong toàn bộ hệ thống ATM và máy POS đáp ứng quy định về tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;Đến cuối năm 2021, các ngân hàng phải thực hiện chuyển đổi xong toàn bộ thẻ nội địa làm bằng thẻ từ sang thẻ chip (gắn vi mạch điện tử).
Câu chuyện đầu tiên là "tiền đâu"
Cả nước hiện đang có khoảng 85 triệu thẻ ATM, gần 300.000 POS và khoảng gần 18.000 máy ATM đang lưu hành. Với lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2019, sẽ có ít nhất 25 triệu thẻ ATM, 150.000 máy POS và 6.000 máy ATM sẽ phải hoàn tất việc chuyển đổi.
Đại diện một số ngân hàng chia sẻ, ngân hàng không gặp phải rào cản nào về vấn đề công nghệ trong quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là chi phí thực hiện việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tương đối lớn, thậm chí với nhiều ngân hàng đây là một gánh nặng lớn.
Theo ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám Đốc Vietcombank, với ngân hàng thương mại cổ phần thì thách thức chủ yếu là vốn. Đương nhiên đầu tư thì phải bỏ ra vốn nhưng việc chuyển đổi thẻ, thiết bị ATM, POS và đồng bộ hệ thống thanh toán cũng đòi hỏi ngân sách lớn.
Đại diện một ngân hàng thương mại khác cũng cho hay, nếu như chi phí làm phôi thẻ ATM bằng thẻ từ chỉ tốn khoảng 1.000-2.000 đồng/thẻ thì chi phí làm thẻ chip gấp đến 15-20 lần, lên đến 20.000-30.000 đồng, tương đương 1-1,5 USD/phôi thẻ chip.
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến cuối tháng 9/2018, trên toàn quốc có khoảng 294.500 máy POS được lắp đặt. Để nâng cấp toàn bộ máy POS tuân thủ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, với chi phí dao động từ 10 triệu đồng/máy, ước tính ngân sách để thay thế toàn bộ số máy POS này là một con số không hề nhỏ, vào khoảng 3.000 tỷ đồng.
Tốn ngàn tỷ vẫn phải làm
Tuy vậy, giới chuyên môn và ngay cả các ngân hàng cũng khẳng định việc chuyển đổi này là cần thiết để đảm bảo sự an toàn trong thanh toán thẻ của khách hàng.
"Về câu chuyện lợi ích thì không phải bàn rồi vì rủi ro về thẻ luôn đồng hành từ lâu. Hiệp hội thẻ quốc tế cũng đã xây dựng lộ trình từ năm 1994 đến nay rồi nhưng các thành viên tổ chức thẻ quốc tế lớn nên không thể áp dụng cùng một lúc giữa các nước. Nhưng tiền lệ có quốc gia như Malaysia vào năm 2015 đột biến về giả mạo thẻ nên họ chỉ trong vòng 1 năm phải thay thế hết. Mình đặt lộ trình như thế là dài, có thời gian chuẩn bị", ông Tuấn nói thêm.
Dưới góc độ chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, ông đồng tình về chủ trương bởi việc chuyển đổi sẽ tăng tính an toàn, bảo mật hơn.
Bài toán hiệu quả hóa chi phí chuyển đổi đối với các NHTM
Ông Lực cũng cho rằng để việc chuyển đổi suôn sẻ, NHNN cần hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết để cho thẻ chip được phát hành và sử dụng thông suốt. Bên cạnh đó cần tăng tính kết nối và sử dụng chung nền tảng công nghệ, đồng bộ thiết bị chấp nhận thẻ giữa các ngân hàng với nhau bởi nếu mỗi một tổ chức phát hành lại dựa trên một nền tảng công nghệ khác nhau sẽ gây lãng phí lớn.
Để hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2019 – 2021, rõ ràng các đơn vị thực thi như NHTM, tổ chức liên quan…cần nghiên cứu và tham khảo các mô hình chuyển đổi thành công tại các nước để có phương án triển khai hiệu qua nhất, tránh lãng phí, đồng thời, không chuyển gánh nặng tài chính lên người tiêu dùng thẻ.