Đại hội Đảng lần thứ XIII đã cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cụ thể, kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; được hỗ trợ phát triển thành công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao.
Ốc vít là chuyện dĩ vãng!
"Việt Nam không làm nổi ốc vít là chuyện dĩ vãng" - bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup, phát biểu tại một diễn đàn mới đây. Chỉ một thời gian ngắn sau khi tập đoàn này đột ngột bước chân vào lĩnh vực sản xuất ôtô năm 2017, những chiếc xe thương hiệu VinFast đã có mặt khắp cả nước.
Đại diện Vingroup cũng vừa công bố kế hoạch chinh phục thị trường điện thoại thông minh của Mỹ để chứng minh sản phẩm công nghệ Việt Nam hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe bậc nhất thế giới. "Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng tạo ra sản phẩm sản xuất bởi Việt Nam đạt đẳng cấp thế giới là cách tốt nhất để góp phần khẳng định vị thế quốc gia trong kỷ nguyên mới" - bà Thủy nói, đồng thời lý giải thành công của Vingroup là nhờ đầu tư bài bản, nghiêm túc, đặc biệt cho R&D (nghiên cứu và phát triển).
2020 là năm thứ 5 liên tiếp, Vinamilk được vinh danh Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam vì sự tiên phong và sáng tạo trong việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững Ảnh: TẤN THẠNH
Với doanh thu hợp nhất 59.723 tỉ đồng - tăng 5,9% so với năm 2019, Vinamilk được xét chọn là "Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN" (ASEAN Asset Class) năm 2020. Đây là doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tiên được vinh danh sau nhiều vòng đánh giá chéo của các quốc gia ASEAN, dựa theo Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN 2019. Đại diện Vinamilk cho biết quản trị DN với các mô hình tiên tiến, theo thông lệ quốc tế đã được thực hiện nhiều năm qua, nhờ đó DN nhận được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn, nhà đầu tư về sự minh bạch và "sức khỏe" tài chính.
"Điểm nhấn của Vinamilk về phát triển bền vững là tiên phong trong vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở tất cả các khâu, ví dụ công nghệ biogas biến chất thải thành tài nguyên, vòng tuần hoàn tái tạo đất theo công nghệ Nhật Bản, canh tác hữu cơ... được áp dụng tại các trang trại bò sữa, mang đến lợi ích đáng kể về môi trường" - đại diện Vinamilk thông tin.
Dấu ấn của kinh tế tư nhân còn ở chỗ các DN đã cho thấy có đủ lực để đầu tư vào lĩnh vực mà trước đây chỉ DN nhà nước mới có thể đảm nhận như cảng biển, dịch vụ hàng không, công nghiệp chế tạo, hạ tầng giao thông. Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết giai đoạn 2017-2020, TP thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước với tổng mức đầu tư hơn 200.000 tỉ đồng, đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu. Từ đó, mở đường, dẫn dắt DN quy mô nhỏ hơn cùng phát triển, tạo nguồn đóng góp ngân sách bền vững cho Hải Phòng.
Thêm không gian để DN lớn
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ chỗ không có DN tư nhân, đến nay Việt Nam có trên 800.000 DN và 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp. Như vậy, cả nước có trên 6 triệu chủ thể kinh doanh - DN góp phần tạo nên thành tích tăng trưởng trên dưới 7% trong nhiều năm.
Số lượng DN - chủ thể kinh doanh tính trên đầu người của Việt Nam cũng khá cao, cứ 16 người dân có một DN - chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên, chất lượng DN thực sự là vấn đề cần mổ xẻ và khắc phục khi phần lớn có quy mô nhỏ và rất nhỏ, trình độ quản trị, năng lực kinh doanh và năng suất lao động (NSLĐ) không cao. Do đó, nhiệm vụ nâng cấp chất lượng DN phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam, bên cạnh phát triển số lượng DN.
"Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân là một động lực tăng trưởng để đổi mới mô hình tăng trưởng bởi khu vực này chính là "ngôi sao hy vọng" của nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu, cần thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng là triển khai thực chất các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa; có chính sách yểm trợ mạnh mẽ và tạo thêm không gian cho DN lớn phát triển thành những DN dẫn đầu, giữ vai trò dẫn dắt, đầu tư vào những lĩnh vực quốc kế dân sinh quan trọng. Còn DN nhà nước chỉ cần tập trung vào một số lĩnh vực then chốt có ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng, lĩnh vực tư nhân không thể và không muốn đầu tư" - TS Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề.
GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, chỉ rõ nguyên nhân khiến DN tư nhân dù được thừa nhận là động lực của nền kinh tế nhưng năng lực cạnh tranh thấp là bởi thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, DN gặp nhiều rào cản trong gia nhập thị trường, hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực. Do vậy, cần có một thể chế thực sự hiệu quả với vai trò kiến tạo và thực thi của nhà nước để hình thành được những DN tư nhân đầu đàn, tham gia hiệu quả vào khu vực FDI (có vốn đầu tư nước ngoài), bước chân sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những nấc thang giá trị cao.
Ông Lê Anh Quân cam kết Hải Phòng sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho DN, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Cùng đó, chủ động hướng dẫn chính sách pháp luật, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong quá trình thực hiện dự án...
Năng suất lao động: Chìa khóa tăng trưởng
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco), cho rằng khi đã xác định DN là trung tâm của nền kinh tế, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tối đa để DN có thể tận dụng ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao NSLĐ. Bởi thực tế, bài toán nâng cao NSLĐ không dễ giải quyết, nhất là ở những DN nhỏ và vừa.
"Nhận thức được tăng NSLĐ là yêu cầu quan trọng nhất để sống sót và cạnh tranh trên thị trường nên chúng tôi đã ứng dụng công nghệ từ 5 năm trước. Nhờ đó, NSLĐ năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019, kết quả sản xuất - kinh doanh vẫn tốt dù đơn hàng giảm 8% do dịch Covid-19. Tuy vậy, với những lô sản xuất lớn, NSLĐ của Hugaco vẫn thua DN Ấn Độ, Bangladesh bởi họ ứng dụng công nghệ rất tốt; chỉ các lô nhỏ, chi tiết khó, phức tạp, cần bàn tay khéo léo thì lao động Việt Nam mới thắng" - ông Dương nêu thực trạng. Từ đó, ông kiến nghị nhà nước tăng ngân sách cho phát triển khoa học - công nghệ bên cạnh sự nỗ lực của từng DN, đồng thời có cơ chế liên kết đào tạo nhân lực giữa địa phương, DN và các trường - viện.
Dẫn số liệu NSLĐ giai đoạn 2011-2018 bình quân tăng 4,88%/năm và tăng dần qua các năm, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh NSLĐ ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và đây chính là chìa khóa tăng trưởng. Tuy vậy, chênh lệch về NSLĐ, nhất là chênh lệch giá trị tuyệt đối, của Việt Nam so với một số nước trong khu vực vẫn tiếp tục gia tăng, cho thấy nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với thử thách lớn để có thể bắt kịp các nước.
Chỉ tiêu tốc độ tăng NSLĐ xã hội giai đoạn 2021-2025 bình quân hơn 6,5%/năm trở nên thách thức hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, không thể không thực hiện tốt mục tiêu này bởi đây là một trong những yếu tố hiếm hoi tạo ra dư địa thúc đẩy tăng trưởng. "Dư địa tăng trưởng phải là năng suất và hiệu quả. Phải thật sự nhanh nhạy trong tái cơ cấu DN, tạo ra sự năng động trong kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh. Với quá trình này, những DN hoạt động hiệu quả sẽ có cơ hội tồn tại và ngược lại sẽ được thay thế bởi DN khác" - Phó Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương Phan Đức Hiếu phân tích.
Cần tiếp tục dồn lực cho công cuộc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thực sự tạo được bệ đỡ và chắp cánh cho DN” - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Thuộc tốp 10 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát chiếm lĩnh đến 32,5% thị phần thép cả nước và vượt qua nhiều tên tuổi lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp dù mới đầu tư được 5 năm. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, nhìn nhận việc xác định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân sẽ là cơ hội cho DN nắm bắt thời cơ để lớn mạnh hơn và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trước đó, hệ thống chính sách chung dành cho cộng đồng DN, nhất là các chính sách rất đúng, trúng trong bối cảnh dịch Covid-19, đã giúp nhiều DN được hưởng lợi và về đích một cách ngoạn mục trong năm 2020. “Với những chính sách và giải pháp quyết liệt đang được triển khai, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN tiến lên” - ông Long tin tưởng.