Chuyển đổi năng lượng là hoạt động thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh trên cơ sở của việc đáp ứng nguồn cung năng lượng từ nhiên liệu sạch thông qua phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) và chiến lược “các-bon thấp”, giảm sâu phát thải CO2, tiêu dùng năng lượng hiệu quả. Chuyển đổi năng lượng là xu hướng mang tính toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển nền kinh tế bền vững, chống biến đổi khí hậu, và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.
Ba mục tiêu của chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, đó là: bảo đảm an ninh năng lượng (cung cấp đủ điện và đạt chất lượng yêu cầu); cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở đó, Việt Nam xác định 2 cột trụ quan trọng để chuyển đổi năng lượng, đó là: phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đây cũng là khuyến nghị được các chuyên gia, tổ chức quốc tế cho là là phù hợp với Việt Nam.
Thế nhưng trong quá trình triển khai thực tế, để đạt được mục tiêu “bảo đảm an ninh năng lượng - đảm bảo ổn định nguồn cung với giá cả hợp lý đã đặt ra thách thức không nhỏ cho tiến trình này.
“Thứ nhất là phải tăng cường hiệu quả năng lượng, làm sao để năng lượng hiện có mình sử dụng hiệu quả hơn nữa… Thứ hai là năng lượng tái tạo là nguồn mà có thể dễ huy động và các nhà đầu tư đã sẵn nong sẵn né. Vậy làm thế nào để đảm bảo là chính sách của mình nó hài hòa…”, bà Vũ Chi Mai, chuyên gia Chương trình hỗ trợ năng lượng - thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đặt vấn đề.
Cụ thể với NLTT, theo các chuyên gia, thời gian qua Việt Nam đã phát triển rất nhanh các nguồn điện mặt trời, đã và đang tiếp tục đầu tư vào điện gió - là 2 nguồn NLTT có thế mạnh của Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ NLTT đã chiếm tới 30% công suất đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, để phát huy được công suất khả dụng của nguồn điện này, Việt Nam phải đầu tư thêm nhiều các nguồn điện ổn định, có tính linh hoạt trong vận hành (như thuỷ điện tích năng) cũng như đầu tư hệ thống lưu trữ cho các nhà máy điện mặt trời.
Một thách thức lớn nữa được các chuyên gia chỉ ra, đó là nhu cầu chuyển dịch, thay thế các loại nhiên liệu truyền thống từ xăng, dầu, than đá, khí đốt (gas) sang dùng điện là rất lớn. Về mặt tích cực thì việc giảm các nguồn nhiên liệu truyền thống này sẽ giúp giảm phát thải ra môi trường, song lại áp lực lên ngành điện là rất lớn, nếu không có sự phát triển đồng bộ các nguồn điện sạch gắn với sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
“Có một cuộc dịch chuyển từ việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch sang dùng điện, hầu như là giao thông vận tải rồi các nhu cầu của các tòa nhà thương mại… chúng ta đều chuyển về dùng điện hết… Bây giờ xe máy cũng xe máy điện, ô tô có ô tô điện, buýt bây giờ cũng có buýt điện. Rồi các tòa nhà dần dần cũng sử dụng các nguồn như dầu đốt… Đã có những xu hướng chuyển đổi, chuyển dịch từ sử dụng các nguồn than đá, dầu để cho các nhu cầu công nghiệp thì bây giờ họ cũng lại chuyển sang sử dụng các động cơ điện, các lò nung bằng điện… Áp lực ở đây quay lại câu chuyện là ngành điện lại phải có sự chuyển đổi xanh cho các nguồn cung của mình, nhưng có những thách thức không nhỏ trong vấn đề về các nguồn cung ứng để đáp ứng phù hợp với lại các tiêu chí xanh. Do đó, Việt Nam bắt buộc phải đẩy mạnh vấn đề về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…”, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) nêu thực tế và khuyến nghị.
Đồng quan điểm này, chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, trong các Chiến lược phát triển điện lực quốc gia (các Quy hoạch điện), việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã được tính đến với các mục tiêu ngày càng cao hơn. Ngay trong bản Dự thảo Quy hoạch Điện 8 gần đây nhất, các yêu cầu cụ thể về giảm cường độ tiêu thụ năng lượng và hệ số đàn hồi về điện (là tỷ lệ giữa mức tăng trưởng về nhu cầu điện năng và mức tăng trưởng của GDP) cũng đã được đưa ra.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025 giảm xuống còn 1,24-1,3; giai đoạn 2025-2030 giảm xuống còn dưới 1,2 (còn 1,1-dưới 1) và ở giai đoạn sau đến 2045 còn dưới 0,5… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nếu không có các tính toán kỹ lưỡng về việc chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang dùng điện của rất nhiều ngành (như giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng…) trong cả ngắn và dài hạn thì nguy cơ thiếu điện là rất lớn.
“Liên quan đến chuyện về cam kết Netzero thì một mặt chúng ta là sử dụng tiết kiệm hiệu quả, nhưng mặt khác nó là sự chuyển dịch từ dùng các loại nhiên liệu hóa thạch khác: từ dùng khí, dùng dầu, dùng than chuyển sang điện. Có thể không phải là ngày nay, ngày mai, không phải 2-3 năm nữa, nhưng trong lộ trình trung hạn, hệ số đàn hồi này nó không giảm nhanh như thế này được. Bởi vì với các cam kết không phải chỉ Việt Nam mà hơn 140 nước trên thế giới, không phải chúng ta chuyển dịch sang điện mà rất nhiều nước cũng chuyển sang, họ cũng giảm bớt than, dầu”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Báo cáo của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam còn rất lớn, theo tính toán có thể lên tới 20-30%. Ở một số ngành công nghiệp trọng điểm, sử dụng nhiều năng lượng như xi măng, sắt thép, hoá chất… nếu áp dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ, có thể thu hồi nhiệt dư, chất thải từ các nhà máy để tái sử dụng, sản xuất điện thì khả năng tiết kiệm năng lượng còn cao hơn nhiều. Đây là cơ sở quan trọng giúp Việt Nam thực hiện lộ trình giảm phát thải, thực hiện cam kết đưa phát thảo ròng về 0 (Netzero) vào năm 2050./.