Nhiều dự án nhà tái định cư bỏ hoang ở Hà Nội hầu hết bởi nguyên nhân do thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các tiện ích,... khiến người dân không muốn chuyển đến sinh sống. Hầu hết người dân không lựa chọn hình thức bồi thường bằng nhà tái định cư để lo ngại vấn đề sinh kế không đảm bảo.
Ông Đức Toàn, một người dân sinh sống tại khu phố cổ Hà Nội trong diện được đền bù và di dời đến khu nhà tái định cư nhưng không mặn mà. Ông Toàn cho biết vị trí khu nhà tái định cư đẹp, rộng rãi, thuận lợi giao thông, nhưng xung quanh dân cư thưa thớt, khó kinh doanh buôn bán.
"Những người sống bằng việc buôn bán, kinh doanh tại chỗ như tôi không biết kinh doanh thế nào, thu nhập sẽ ra sao nếu chuyển về khu nhà mới sinh sống. Người dân lo lắng chất lượng công trình, việc vận hành, duy trì hoạt động tòa nhà không bảo đảm. Do đó, việc di dời người dân khỏi khu vực kinh doanh sầm uất và chuyển ra tận ngoại thành mà không có phương án về việc làm, thu nhập thì chắc chắn không ai chịu dời đi cả", ông Toàn chia sẻ.
Không chỉ ở Hà Nội, hàng ngàn căn hộ tái định cư tại TP. HCM đang dần xuống cấp vì không có người ở. Các công trình nhà ở sừng sững nhưng bị bỏ hoang, phơi mình trong sương gió giữa lòng đô thị sầm uất bậc nhất cả nước khiến không ít người tiếc nuối.
Chia sẻ với Dân Việt, một số người dân tại các khu này cho biết nguyên nhân khiến bà con thuộc diện tái định cư không chịu về đây sinh sống là do thời điểm giải phóng mặt bằng, họ được lựa chọn nhận số tiền bồi thường rất ít. Nếu muốn mua căn hộ tái định cư, người dân phải bỏ thêm số tiền chênh lệch rất lớn. Ngoài ra, một số khu tái định cư nằm ở khu vực vắng vẻ, khó phát triển kinh tế. Bà con nhận nhà thì không biết "làm gì để sống". Vì thế, nhiều người chọn phương án nhận tiền rồi đi nơi khác thuê nhà, làm ăn sinh sống.
Tiêu biểu, toạ lạc tại khu "đất vàng" của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bên cạnh đại lộ Mai Chí Thọ, Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh có vị trí kết nối giao thông vô cùng thuận lợi. Từ đây, người dân di chuyển đến trung tâm TP.HCM (quận 1) chỉ mất hơn 10 phút.
Dự án thuộc chương trình xây dựng 12.500 căn hộ dùng để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải toả tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, gần chục năm qua, lượng người dân về sinh sống tại khu tái định cư trên rất ít. Ngoài những căn hộ đã có người ở và 5.500 căn hộ đang làm thủ tục chuyển sang nhà ở thương mại, nơi đây hiện vẫn còn 4.800 căn hộ không người ở.
Ghi nhận của PV Dân Việt, nhìn từ xa, khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh khoác lên mình diện mạo khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, khi lại gần, khung cảnh ập vào tầm mắt là sự ảm đạm, vắng vẻ, đìu hiu. Phía bên ngoài các tòa nhà, nhiều mảng tường đã bong bóc, bạt hết sơn vì mưa gió. Bên trong, khi vực nội khu bị bỏ hoang lâu ngày không ai chăm sóc nên cỏ dại mọc um tùm... Điều đáng nói, công trình trên hoàn thành từ năm 2015, đã qua 4 lần bán đấu giá nhưng đều bất thành.
Cùng chung số phận và có phần ảm đạm hơn cả là khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Dự án được đưa vào sử dụng từ năm 2010, mục đích bố trí làm nơi tái định cư hàng ngàn hộ dân thuộc dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Tuy nhiên, do vị trí cách xa trung tâm, kết nối giao thương, chợ búa… khá bất tiện nên dự án đang xuống cấp trầm trọng vì bị bỏ hoang. Tại khu vực trên, hiện có một số người dân đã dọn về ở, còn lại đa số vẫn bỏ trống. Vì không có bàn tay con người chăm sóc, giữ gìn nên các căn hộ bị thời gian bào mòn. Những bức tường ẩm thấp, loang lổ đầy vết ố. Bụi bặm bám đầy lối đi và bên trong các căn hộ. Bên dưới người dân cũng không thể buôn bán, kinh doanh được vì khu vực trên quá heo hút, vắng vẻ.
Chị Đỗ Thị Linh (quê Hải Dương, kinh doanh quán nước) cho biết, lúc trước gia đình chị ở khu đô thị Thủ Thiêm, nằm trong diện giải toả nên đã dọn về khu tái định cư Bình Khánh được hơn 6 năm nay. Thời gian đầu dọn về đây sinh sống, chị Linh gặp không ít khó khăn vì chỗ ở mới quá vắng vẻ không thể kinh doanh, buôn bán. Qua thời gian, chị cũng cố gắng mở quán nước và buôn bán cầm chừng.
"Biết bao người không có nhà ở, trong khi các căn hộ ở đây lại bỏ trống thật lãng phí. Nếu Nhà nước có chính sách chuyển đổi nhà tái định cư thành nhà ở xã hội để bán cho người dân có thu thập nhấp ổn định chỗ ở là quá tốt", chị Linh cho hay.
Lãng phí thì đã rõ, tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là giá bán phải rẻ, phù hợp với người nghèo. Bên cạnh đó, nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn thật tốt cho người nghèo thì chắc chắn sẽ cho người mua.
Anh Nguyễn Văn Hiếu (32 tuổi, thợ xây) cho hay hằng ngày đi qua khu tái định cư Bình Khánh, anh cảm thấy nhiều căn hộ bỏ trống, rất lãng phí, đáng tiếc.
"Tôi cảm thấy tiếc nuối vì bản thân mình đang ở nhà trọ trong không gian chật hẹp. Trong khi hàng ngàn căn hộ được xây dựng kiên cố thì bỏ trống. Tôi thật sự mong mỏi Nhà nước có cơ chế chuyển đổi, hỗ trợ những người nghèo có nhu cầu mua nhà. Đặc biệt là về cơ chế giá bán…", anh Hiếu cho hay.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, nhiều dự án nhà tái định cư bỏ hoang ở Hà Nội không chỉ ở những nơi vị trí xa trung tâm, vắng vẻ mà còn có hàng loạt dự án nằm trên khu vực "đất vàng" của các quận tập trung đông dân cư hay những khu đất đắc địa, trung tâm của những khu đô thị mới.
Đơn cử, dự án nhà ở tái định cư N01-D17 Duy Tân tại quận Cầu Giấy, Hà Nội được dự kiến hoàn thành vào năm 2013 nhưng hiện vẫn rơi vào tình trạng bỏ hoang. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 220 tỷ đồng. Dự án nằm tại số 1 phố Duy Tân, ngay ngã tư phố Trần Thái Tông - Thành Thái - Duy Tân và xung quanh có nhiều công viên, trung tâm thương mại và trường đại học lớn.
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2013 và có chủ đầu tư là UBND quận Cầu Giấy. Đây là nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ việc mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.
Theo ghi nhận, dự án đã hoàn thành xong phần thô nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện, phía bên trong nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, hư hại không được thi công, chỉ có số ít bảo vệ trông coi. Khu vực bên trong và xung quanh dự án này đang được tận dụng làm bãi trông, giữ xe ô tô, xe máy.
Tiếp đó, 3 tòa nhà tái định cư N3, N4, N5, cao 6 tầng, với 150 căn hộ nằm trên “đất vàng” trong Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội). Dự án được triển khai từ năm 2001 - 2006, năm 2007 được đưa vào sử dụng
Dự án do Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3 trước đây là Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội - thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) làm chủ đầu tư với số tiền 1.292 tỷ đồng nhưng cho đến nay vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang, vắng bóng người, cơ sở hạ tầng xuống cấp theo thời gian. 3 tòa nhà được xây dựng trên diện tích 421.946 m2 với mục đích để tái định cư tại chỗ cho người dân khi giải phóng mặt bằng, mở rộng tuyến phố Sài Đồng.
Theo ghi nhận của PV, do bỏ hoang hơn chục năm qua, nhiều hạng mục hạ tầng trong ba tòa nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng. Sảnh chính các tầng 1 của tòa nhà đang thành nơi chứa hàng, phế thải. Hệ thống cầu thang, cửa, điện nước, nội thất đã hỏng hóc; khu vực sân chơi, vườn hoa, đường nội bộ biến thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, rác thải ngổn ngang, nhếch nhác.
Nguyên nhân khiến dự án đến nay vẫn bị bỏ không là do được triển khai từ khi quận Long Biên chưa được thành lập. Do đó, việc bồi thường ở giai đoạn chuyển tiếp từ huyện thành quận đã dẫn đến sự không thống nhất giữa chủ đầu tư và người dân. Một nguyên nhân khác khiến dự án cho đến nay vẫn bị bỏ không là do các hộ dân không đồng thuận di dời lên nhà chung cư mà muốn đổi sang nhà đất.
Cũng trên địa bàn quận Long Biên, 5 tòa nhà N015 (A, B, C, D, E), phường Thượng Thanh, thuộc dự án giãn dân phố cổ giai đoạn II (2013-2020) cũng rơi vào tình cảnh bị bỏ hoang nhiều năm nay. Năm tòa nhà nằm ở mặt đường Lý Sơn, phía sau có đường giao thông nội bộ, kết nối giao thông rất thuận lợi, đang xuống cấp nhanh chóng. Chủ đầu tư là UBND quận Long Biên. Dự án này thời từng được sử dụng làm khu vực cách ly các bệnh nhân bị Covid-19.
(Còn tiếp...)