Chính phủ coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc CĐS quốc gia. Trong đó, lực lượng doanh nghiệp công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng với việc triển khai thành công tiến trình này.
Với tiềm lực về nhân lực công nghệ cao, làm chủ công nghệ lõi, tài chính và hạ tầng viễn thông, CNTT rộng khắp, Viettel tiên phong thành lập nhiều đơn vị chuyên nghiệp nghiên cứu, xây dựng các giải pháp làm chủ nền tảng hạ tầng số phục vụ CĐS quốc gia như Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp, Công ty An ninh mạng, Viettel IDC… Đến cuối năm 2020, Viettel đã trở thành nhà cung cấp 6 lĩnh vực nền tảng của xã hội số gồm: Hạ tầng số; Giải pháp số; Nội dung số; Tài chính số; An ninh mạng và Nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao.
VNPT đã chủ động ứng dụng các công nghệ 4.0 để xây dựng thành công giải pháp Trung tâm điều hành thông minh VNPT IOC đáp ứng các tiêu chuẩn về Đô thị thông minh trong nước và quốc tế. Hiện nay, giải pháp đã được triển khai hiệu quả cho 35 tỉnh, thành phố với nhiều chức năng trên mọi lĩnh vực điều hành quản lý của Chính quyền: kinh tế - xã hội, dịch vụ công, giao thông, an ninh trật tự công cộng, ứng cứu khẩn cấp, tương tác giao tiếp công dân, y tế, giáo dục, quản lý đô thị, môi trường…
CĐS đang diễn ra trên toàn cầu, và năng lượng chính là nền tảng để công cuộc CĐS diễn ra thuận lợi. Việc tìm tòi, phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường chính là yếu tố tiên quyết tạo ra sự phát triển bền vững. Với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam, Trung Nam Group luôn đảm bảo các dự án có tính hiệu quả khi tập trung khai thác nguồn năng lượng tái tạo ở các khu vực có vị trí chiến lược, hỗ trợ phát triển kinh tế và đóng góp vào mục tiêu chung là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong bối cảnh mới, công nghệ số đã chứng minh lợi thế về tính linh hoạt, tạo môi trường thuận lợi cho các sáng kiến để vượt qua khó khăn, thích ứng với đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế. Trong ngành ngân hàng, các hoạt động CĐS đang diễn ra khá sôi động.
Mấu chốt của CĐS trong hoạt động tài chính ngân hàng không phải vấn đề kỹ thuật hay số hóa sản phẩm mà là con người và văn hóa. Tại MBBank, mọi quyết định được đặt ra dựa trên dữ liệu và độ tin cậy của dữ liệu. Điều này đòi hỏi các nhà phân tích phải đánh giá được nguy cơ tiềm ẩn trong việc sai số dữ liệu và phải hiểu sâu về mô hình trước khi đưa ra đánh giá. Đây cũng là văn hóa để mỗi cá nhân đều được sáng tạo và còn là sự kết nối những người sẵn sàng vì mục tiêu mang lại lợi ích cho khách hàng, đặt khách hàng làm trọng tâm.
Nhận thức được xu thế và tầm quan trọng của CĐS với đất nước cũng như với chiến lược phát triển của Vietcombank, ngân hàng này đã liên tục nâng cấp các nền tảng hạ tầng công nghệ mới, phát triển các kênh phân phối theo định hướng đa kênh hợp nhất và liên tục cải tiến, nâng cấp và bổ sung thêm các tính năng thông minh, tiện lợi trên mobile banking để mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Phát biểu tại Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình CĐS trên toàn cầu đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia. Tuy nhiên, chắc chắn CĐS là hướng đi đúng đắn, vừa đảm bảo trạng thái hoạt động bình thường mới trên không gian số, vừa góp phần phục hồi kinh tế với sức khỏe và sự an toàn của người dân luôn được đặt lên trên hết và trước hết".
Với mong muốn giải quyết các khó khăn, vướng mắc cũng như thúc đẩy quá trình trao đổi kinh nghiệm quốc tế về CNH - HĐH trong bối cảnh mới, hướng đến mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba với chủ đề "Phục hồi và phát triển Kinh tế – xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid – 19 và đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa trong Kỷ nguyên số" và triển lãm thực tế ảo về các công nghệ 4.0 vào ngày 6/12/2021.