Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực dài hạn đến nền kinh tế và khiến hoạt động ngân hàng đứng trước nhiều thách thức. Trong bối cảnh ‘bình thường mới’, chuyển đổi và xây dựng ngân hàng số là cơ hội để vượt qua thách thức.
Đầu tư ngàn tỷ chuyển đổi số
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021, ngày 26/12, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tiết lộ, trong 5 năm gần đây ngân hàng này đã đầu tư hơn 1.500 tỷ để phát triển ngân hàng số. TPBank đã có thử nghiệm thành công mô hình LiveBank với 330 máy giao dịch tư động không cần nhân viên trên cả nước.
Các máy tự động này có khả năng đáp ứng tới 90% dịch vụ cho khách hàng so với phòng giao dịch truyền thống. Trong 2020, hệ thống LiveBank đã đáp ứng 215.000 nhu cầu mở tài khoản và thẻ mới cho khách hàng, tăng gấp 4 lần năm 2019, số lượng giao dịch qua LiveBank đạt hơn 7 triệu, tăng 130%. Số dư vốn chi phí thấp huy động ổn định (CASA) qua LiveBank tăng gấp 5 lần.
Chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm ngành ngân hàng 2021 |
Đằng sau tái cơ cấu thành công một ngân hàng nhỏ, yếu tố chính là chuyển đổi số. Sau 8 năm, TPBank từ ngân hàng thua lỗ luỹ kế, đã khắc phục toàn bộ số lỗ, vươn lên lợi nhuận năm 2020 ước đạt trên 4.000 tỷ. Cùng trong thời gian đó, số lượng khách hàng đã tăng gấp 100 lần, lên gần 5 triệu từ con số hơn 50.000 khách năm 2012.
Trong vài năm gần đây, hàng loạt ngân hàng đã định hình lại chiến lược của mình và xác định chuyển đổi số là lựa chọn để tồn tại, bắt kịp xu hướng và tạo lợi thế cạnh tranh. Ngay cả các ngân hàng xưa nay vốn vẫn kiên trì với mô hình kinh doanh truyền thống như Vietcombank hay BIDV cũng đã phải thay đổi và đưa ra chiến lược số hóa riêng. Với những ngân hàng tư nhân có chiến lược đi tắt đón đầu như Techcombank hay VPBank thì quá trình số hóa thậm chí đã diễn ra từ nhiều năm trước.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đang tạo ra một áp lực lớn hơn, và có thể coi là một yêu cầu bắt buộc, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở các ngân hàng nhanh hơn. Vì vậy, các tổ chức tín dụng trong năm 2021 cần phải “triển khai mạnh mẽ chuyển đối số, các dịch vụ ngân hàng số”.
Trong khi đó, các chuyên gia khẳng định rằng các ngân hàng sẽ phải quen với trạng thái bình thường mới, khi đa số khách hàng không có nhu cầu và không muốn tới chi nhánh nữa, mạng lưới chi nhánh lớn chuyển từ lợi thế thành điểm yếu về chi phí. Thay vào đó, khách hàng ngày càng quen với việc dùng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số.
Từ thực tế của mình, ông Phú nhận định chuyển đổi số là hướng đi đúng để một ngân hàng có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ đang chi phối tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế và chi phối cả thói quen người tiêu dùng. Số hoá là con đường nhanh nhất và cũng là cứu cánh cho các ngân hàng trong thời điểm đầy thách thức này.
Máu lửa với chuyển đổi số
Theo NHNN, 2021 sẽ vẫn là một năm có nhiều thách thức với ngành ngân hàng, như tác động của dịch bệnh Covid-19 tới tình hình tài chính và hoạt động của các DN trong nền kinh tế. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những thách thức đối với hoạt động thanh toán và công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số và mở rộng hệ sinh thái số để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng là một nhiệm vụ trọng tâm.
Vấn đề đặt ra là phải có bước đi, “lộ trình, bước đi thế nào để hệ thống ngân hàng không bị tụt hậu mà vẫn bảo đảm hệ thống an toàn, hiệu quả”.
Theo ông Phú, các ngân hàng cần phải có một chiến lược ngân hàng số bài bản, căn cơ. Cấp cao nhất phải có quyết tâm máu lửa để truyền đạt xuống toàn hệ thông. Coi chuyển đổi số là mục tiêu sống còn của ngân hàng trong phát triển dài hạn. TPBank đã bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển đổi số đó là Đổi mới số hay sáng tạo số (Digital Innovation). Theo đó, các hoạt động của ngân hàng đều được đặt trong mục tiêu sáng tạo số, thấm nhuần và trở thành tư duy hành động, tác nghiệp thường nhật.
Ngân hàng số tự động đáp ứng 90% dịch vụ cho khách hàng so với giao dịch truyền thống |
Dù là chiến lược dài hạn nhưng dưới con mắt của ông Phú, ngay từ khi bắt tay vào triển khai, các dịch vụ Ngân hàng số phải được phân tích đánh giá kỹ lưỡng trước khi áp dụng. Các kết quả đều phải được đo lường định lượng để xác định hiệu quả. Có những ứng dụng có thể áp dụng ngay nhưng cũng có những ứng dụng phát triển phải kéo dài hàng năm, phải kiên trì theo đuổi và thực hiện cho bằng được những dịch vụ của ngân hàng số nào mang tính cốt lõi và toàn diện.
Đo lường các chỉ số của chuyển đổi số ở TPBank cho thấy, trong giai đoạn 2012-2019 dù duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 42% nhưng nhân sự chỉ tăng dưới 5%. Năng suất lao động bình quân của một nhân viên đã tăng gấp 5 lần so với năm 2016, đến nay, đã đạt gần 800 triệu lợi nhuận/1 nhân viên.
Ông Phú cho rằng các quy định pháp luật cũng cần phải bắt kịp tốc độ chuyển đổi của các ngân hàng, như việc ban hành quy định cơ chế thử nghiệm Sandbox hoặc đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân và chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, các quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng và xây dựng một liên mình eKYC, quy định về mô hình ngân hàng đại lý và cho vay trên kênh số để góp phần đẩy mạnh kế hoạch triển khai tài chính toàn diện của các ngân hàng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp thí điểm các mô hình, công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực còn lại để mở rộng hệ sinh thái; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 trong hoạt động thanh toán; nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại.
Hoàng Nam