Như đã đề cập , Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Gia An – thành viên Tập đoàn Hoa Lâm vào ngày 27/9/2021 đã huy động thành công 456 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 10 năm, lãi suất cho năm đầu tiên là 9%/năm.
Đơn vị này cho biết, số tiền thu về được dùng để hợp tác với CTCP Đầu tư sản xuất Thương mại Mai Anh và CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (Hoa Lâm Group) mua một phần vốn góp của Shangri-La Healthcare Investment PTE.LTD trong Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La (HLSL).
HLSL được thành lập vào tháng 7/2008, với hai cổ đông là Shangri-La Healthcare Investment PTE.LTD (70%) và Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm (30%). Cập nhật đến cuối năm 2020, quỹ Aseana Properties Limited (ASPL - Singapore) nắm 73% vốn Shangri-La Healthcare Investment và 51% vốn Dịch vụ Hoa Lâm.
HLSL năm 2008 được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-la (IHP) quy mô 37,5ha, vốn đầu tư 400 triệu USD tại Quận Bình Tân, TP.HCM, bao gồm 6 bệnh viện với tổng cộng 1.750 giường, gồm 4 hạng mục y tế, giáo dục, hỗ trợ và các tiện ích phục vụ cộng đồng như: bệnh viện, phòng thí nghiệm, phòng khám, khu ngoại trú, khu dân cư nhà ở, trung tâm triển lãm y tế và trung tâm mua sắm, căn hộ dịch vụ, trường học quốc tế và khu sinh hoạt tập thể.
Dự án có thời hạn sử dụng đất 69 năm, tới năm 2077, được chia làm 19 lô đất. Từ năm 2012 đến 2016, HLSL đã thành lập 6 công ty con, được đánh số từ 1-6 là các công ty Hoa Lâm – Shangri-La 1-6 (HLSL 1-6), mỗi đơn vị phụ trách phát triển một dự án.
Đó là HLSL 1 (hiện là Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City) – doanh nghiệp dự án Bệnh viện Quốc tế City (CIH), vận hành thương mại vào tháng 9/2013 và chính thức mở cửa vào đầu năm 2014.
HLSL 2 (hiện là Công ty TNHH Bệnh viện Gia An 115) là chủ đầu tư bệnh viện Gia An 115 có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, quy mô 351 giường bệnh, đi vào hoạt động vào cuối năm 2016 với sự hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Nhân dân 115.
HLSL 3 và HLSL 4 đã lần lượt được đổi tên thành CTCP dịch vụ Hoa Lâm – Shangri-La và Công ty TNHH Trường mẫu giáo Quốc tế Morningstar.
HLSL 5 và HLSL 6 được thành lập tháng 3/2016, phụ trách phát triển 2 lô đất có chức năng ở là D2 và D3.
ASPL suốt nhiều năm qua không giấu diếm ý định rút khỏi thị trường Việt Nam, và cụ thể là thoái hết vốn hoặc bán hết các lô đất thành phần tại tổ hợp IHP, đặc biệt trong bối cảnh dự án chủ lực - bệnh viện CIH liên tục chìm trong thua lỗ.
Báo cáo tài chính thể hiện ASPL năm 2019 lỗ trước thuế 28,7 triệu USD, và lỗ 13,3 triệu USD năm 2020, phần lớn bởi các khoản thua lỗ ở dự án CIH, IHP ở Việt Nam và một số dự án ở Malaysia.
Ở diễn biến đáng chú ý, vào cuối tháng 8/2021, ASPL đã công bố ký kết thoả thuận bán bệnh viện CIH và cả tổ hợp IHP cho Tập đoàn Hoa Lâm với giá trị 95 triệu USD. Giao dịch dự kiến hoàn thành trong vài tháng tới, bên mua sẽ có nhiệm vụ thanh toán tất cả các khoản nợ ngân hàng liên quan.
Tuy nhiên, cần biết rằng không phải đến hiện tại, dự án tâm huyết của bà Trần Thị Lâm mới thuộc sở hữu trọn vẹn của vị "nữ tướng" này, mà vai trò quan trọng của bà chủ Hoa Lâm Group đã hiện diện xuyên suốt ở IHP.
Điều này thể hiện bởi việc bà Lâm trực tiếp phụ trách vị trí quyền lực nhất tại HLSL - Chủ tịch HĐTV, chồng bà - ông Dương Ngọc Hoà cũng có một ghế thành viên trong HĐTV 6 người của chủ đầu tư IHP. Nhắc lại là, về mặt giấy tờ, Hoa Lâm Group chỉ sở hữu 49% trong Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm - cổ đông thiểu số nắm 30% vốn HLSL. Tức là tính một cách sòng phẳng, Hoa Lâm chỉ có chưa tới 15% lợi ích tại tổ hợp IHP.
Dù vậy, điều này có chăng không làm giới chủ Hoa Lâm quá bận lòng, bởi trên thực tế, tập đoàn này nhiều năm nay đã âm thầm nhận lại những tài sản tốt nhất từ HLSL.
Cụ thể, ngoại trừ HLSL 1 (bệnh viện CIH) vẫn là công ty con của HLSL, thì cả 5 công ty con còn lại đã lần lượt về tay Hoa Lâm Group. Trong đó, như đã biết, HLSL 2 là chủ đầu tư Bệnh viện Gia An 115, HLSL 4 đầu tư Trường mẫu giáo Quốc tế Morningstar, còn HLSL 3 sở hữu lô đất hiện đang là Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân, trong khi HLSL 5 và HLSL 6 sở hữu các lô đất D2 và D3 có diện tích 1,23ha và 1,19ha.
Trong đó, đáng chú ý là khu D2 và D3 có mục đích đất ở. Giai đoạn 2017-2018, toàn bộ phần vốn trong HLSL 5 và HLSL 6 đã được HLSL chuyển nhượng cho các công ty thành viên của Hoa Lâm.
Đây cũng là khoảng thời gian UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh quy hoạch, cho chuyển đổi sang mục đích thương mại, và chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Khu nhà ở D2 (quy mô 12.315 m2) và D3 (quy mô 11.953 m2). Dự án hiện đang được triển khai với tên thương mại AIO City Bình Tân, quy mô 2.300 căn hộ.
Dồn dập hút vốn qua kênh trái phiếu
Nhiều lô đất trong tổ hợp IHP thời gian qua được làm tài sản đảm bảo cho một loạt đợt phát hành trái phiếu của các thành viên Hoa Lâm Group. Điều đáng lưu ý là các đợt phát hành này đều được thu xếp bởi Ngân hàng VietBank.
Cụ thể, Công ty TNHH Vinh An Điền tháng 11/2020 dùng quyền sử dụng đất của HLSL 5 để phát hành 650 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm; Công ty TNHH Minh Khang Điền tháng 10/2020 dùng quyền sử dụng đất của HLSL 6 để huy động 572 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm; Mới đây, như đã đề cập ở đầu bài, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Gia An tháng 9/2021 cũng dùng quyền sử dụng đất tại Trường mẫu giáo quốc tế Morningstar của HLSL 4 để hút 456 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Gần đây nhất, Công ty TNHH Bất động sản Thành Đô ngày 30/9/2021 đã phát hành thành công 250 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm, mục đích để hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Bệnh viện Gia An 115. Tài sản đảm bảo là các lô đất thuộc sở hữu của Công ty Bệnh viện Gia An 115 tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.
Tính từ tháng 7/2020 đến nay, nhiều pháp nhân cùng nhóm Hoa Lâm Group đã mạnh tay huy động vốn qua kênh trái phiếu, ngoài các doanh nghiệp đã đề cập, còn có Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ (phát hành 738 tỷ đồng tháng 8/2020); Công ty TNHH Điền Phát Land (tháng 7/2020 huy động 770 tỷ đồng), Công ty TNHH Hướng Dương Holdings (tháng 8/2020 phát hành thành công 750 tỷ đồng), Công ty TNHH Hoa Thanh Long (tháng 12/2020 phát hành 477 tỷ đồng); hay CTCP Hong Lim Land vào tháng 7/2021 đã phát hành 504 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm để đầu tư vào dự án AIO City.
Tổng cộng, các thành viên Hoa Lâm Group đã thu về khoảng 5.250 tỷ đồng qua kênh phát hành trái phiếu chỉ trong hơn một năm qua, và là nhóm doanh nghiệp hoạt động tích cực bậc nhất trên thị trường trái phiếu hiện nay.