Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC)- cổ đông lớn của Eximbank một lần nữa không có người đại diện làm thành viên HĐQT Eximbank. Cùng với SMBC, là thông tin về các cổ đông liên quan thành viên HĐQT Eximbank Lê Hồng Anh (thuộc nhóm Tập đoàn Thành Công) đăng ký bán vốn.
Các chi tiêu tài chính của Eximbank trong 6 tháng đầu năm nay đã có sự cải thiện.
Điều mà các cổ đông nhỏ trăn trở tới đây, là những tín hiệu từ SMBC. Đây là cổ đông ngoại nắm 15,07% cổ phần của Eximbank từ 2007 cho đến nay. Từ 2019 đã có nhiều chuyển động khác lạ tại nhóm cổ đông này: Ban đầu là ra văn bản xác định Chủ tịch Eximbank khi đó, ông Yasuhiro Saitoh, không phải là người đại diện của SMBC (ông Saitoh vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank cho đến tháng 4 /2021, cá biệt có 1 tiếng đồng hồ được thay thế vị trí Chủ tịch bởi ông Nguyễn Quang Thông).
Đến tháng 3/2022, dù khẳng định vẫn nắm giữ 15% cổ phần, SMBC ra văn bản dừng liên minh chiến lược với Eximbank. Việc chấm dứt liên minh chiến lược đồng nghĩa họ chỉ còn là cổ đông lớn đầu tư tài chính, và có thể thoái vốn bất cứ khi nào.
Khi ông Võ Quang Hiển - Giám đốc điều hành Bộ phận Tài trợ thương mại toàn cầu của Sumitomo Mitsui - Chi nhánh Singapore, được SMBC đề cử đại diện cổ đông lớn vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII, chấm dứt vai trò đại diện và SMBC không còn đại diện là thành viên trong HĐQT Eximbank, thì một câu hỏi được đặt ra: Phải chăng SMBC đã đến ngày chính thức “buông tay” Eximbank?
Bên cạnh đó, ngay đầu tháng 10, nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn Thành Công cũng đã đăng ký bán cổ phiếu EIB từ ngày 7/10-30/10. Tổng khối lượng nhóm này muốn bán là hơn 117,6 triệu cổ phiếu, tương đương với gần 9,57% tổng số cổ phần đang lưu hành. Theo giá thị trường mã chứng khoán EIB đang giao dịch là 32.500 đồng tại ngày 4/10, dự tính theo thị giá này, số tiền nhóm Thành Công có thể thu về khoảng hơn 3.800 tỷ đồng trong đợt rút vốn.
Dù SMBC và Thành Công còn gắn bó với Eximbank hay không và các giao dịch khủng cổ phiếu EIB thời gian qua đang khiến EIB lại "dậy sóng" trong đà thoái trào của cổ phiếu ngân hàng nói chung - số cổ phiếu khủng này sẽ về tay ai, thì nội tại của Eximbank không thể phủ nhận đã bắt đầu thay đổi.
Điều kiện thuận lợi hơn
Theo báo cáo của Eximbank, tại cuối quý II/2022, tăng trưởng tín dụng trên 9%, tổng dư nợ gần 125.000 tỷ đồng. Tuy tăng trưởng huy động chỉ 3%, song CASA lên trên 3,7%, tương đương hơn 22 nghìn tỷ đồng từ mức 17 nghìn tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, cho thấy nỗ lực cải thiện hút vốn nhàn rỗi để giảm chi phí vốn.
Một lần nữa, các tín hiệu và đăng ký bán vốn của cổ đông lớn gợi nên chuyển động mới tại Eximbank. (Ảnh: EIB)
1.900 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu 2022 của Eximbank, cao hơn mức lợi nhuận năm 2021.
Đáng chú ý, tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 hay tỷ lệ an toàn vốn dù hợp nhất, riêng lẻ đều đạt mức cao xấp xỉ 13%.
Sau 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt hơn 1.900 tỷ đồng, cao hơn cả mức lãi của cả năm 2021. Năm 2022, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận 2.500 tỷ đồng. Do đó, dù tăng trưởng những tháng cuối năm có thể chậm lại khi room bị hạn chế, Eximbank vẫn có khả năng đạt chỉ tiêu theo kế hoạch.
Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tại thời điểm ngày 30/6 ở mức 1,88%, giảm nhẹ so với con số 1,96% hồi đầu năm nay. Hiện tại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Eximbank đạt hơn 70%, tương đương ngân hàng đang dự phòng 70 đồng với mỗi 100 đồng nợ xấu, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái.
Tất nhiên, trên nền một HĐQT đồng thuận cao so với trước đây, thì các ý chí theo kế hoạch ĐHĐCĐ cũng sẽ có điều kiện thực thi tốt. Eximbank cho biết ngân hàng sẽ còn phải tiếp tục tái cấu trúc bộ máy và sắp xếp mạng lưới để đảm bảo hoạt động có hiệu quả và an toàn, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống mức 1,6%; Tăng cường xử lý nợ, đặc biệt là xử lý sớm các khoản nợ cơ cấu nợ, tiềm ẩn rủi ro.
Như vậy, nội tại với sự thống nhất, thêm những tín hiệu từ SMBC và Thành Công, và định hướng tập trung phát triển thị trường Việt Nam thông qua FE Credit, có thể mang đến một chuyển động tích cực mới tại Eximbank.