Mua mạnh DXG, NKG
Cổ phiếu Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) được các nhiều quỹ ngoại mua vào. Quỹ KIM Vietnam Growth Equity Fund mua thêm 1 triệu cổ phiếu DXG vào 11/10 qua đó tăng sở hữu của nhóm quỹ tại công ty bất động sản này lên 6,26% vốn, ứng với 21,9 triệu cp.
Trước đó, quỹ tỷ đô Korea Investment Management (KIM) đã trở thành cổ đông lớn của DXG từ ngày 18/9 khi mua 1,5 triệu cổ phiếu, tăng lượng nắm giữ tại thời điểm đó lên 17,4 triệu cp. Như vậy, KIM đã nhiều lần khác mua cổ phiếu DXG từ đó đến nay.
Một nhóm quỹ tỷ đô khác là Dragon Capital cũng tăng sở hữu tại Đất Xanh. Cụ thể, Grinling International Limited, Aquila SPC và Hanoi Investments Holdings Limited đã mua them 450.000 cổ phiếu DXG, qua đó nhóm quỹ ngoại đã nắm trên 18% vốn Đất Xanh, tương đương 63,1 triệu cp.
Không chỉ tăng sở hữu tại DXG, nhóm KIM càng tăng mua vào cổ phần Thép Nam Kim (HOSE: NKG). Cũng chính KIM Vietnam Growth Equity Fund mua thêm 500.000 cổ phiếu vào 15/10, giúp nhóm cổ đông này tăng tỷ lệ sở hữu lên 7,24% vốn.
AFC Vietnam Fund chung xu hướng mua vào 102.590 cổ phiếu Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Idico (HOSE: UIC) và 46.700 cổ phiếu Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng (HNX: DAD) cùng ngày 16/10.
Quỹ Thái Lan lại sang tay MWG
Ngày 17/10, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã thực hiện chuyển nhượng hơn 1,5 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) giữa các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, quỹ The Ton Poh Fund đã chuyển nhượng 1,49 triệu cổ phiếu MWG cho 3 tổ chức là AL Mehwar Commercial Invesments L.L.C, KT Zmico Securities Company Limited và VietNam Holding Limited.
Song song đó, Aberdeen Frontier Markets Investment cũng chuyển nhượng thành công 67.000 cổ phiếu MWG cho Alstonia Costata SDN.BHD.
The Ton Poh Fund là quỹ đầu tư được quản lý bởi Ton Poh Capital, công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Thái Lan. Đây là lần thứ 2 trong tháng The Ton Poh sang tay cổ phiếu MWG khi trước đó vào ngày 4/10, quỹ này đã chuyển nhượng tổng cộng hơn 1 triệu cổ phiếu MWG.
Masan hút vốn ngoại
Vào ngày 15/10, Quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore là Arnolis Investment Pte Ltd đã mua vào 24,5 triệu cổ phiếu Tập đoàn Masan (HOSE: MSN), tương đương 2,11% vốn.
Trước giao dịch, nhóm cổ đông Singapore đang sở hữu 51,2 triệu cổ phiếu MSN, tỷ lệ 4,4%. Như vậy, tổng sở hữu của nhóm quỹ ngoại đã tăng thành 75,7 triệu cổ phiếu sau giao dịch và chính thức trở thành cổ đông lớn nắm giữ 6,51% vốn.
Bloombergtrước đó đưa tin công ty quản lý quỹ đầu tư của Mỹ (KKR) thu về gần 210 triệu USD nhờ việc bán 54,8 triệu cổ phiếu tập đoàn Masan. Cũng theoBloomberg,quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore mua lại khoảng một nửa số cổ phiếu Masan mà KKR bán ra.
Trước đó, trên thị trường chứng khoán ngày 5/10, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 59 triệu cổ phiếu và bán ra 55,8 triệu cổ phiếu MSN; trong đó lượng bán ra của KKR đã chiếm 54,8 triệu cổ phiếu.
Không chỉ mua ròng phiên 5/10, khối ngoại còn rót mạnh vốn vào Masan trong phiên 2/10 khi Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc chi gần 11.000 tỷ đồng mua lại 110 triệu cổ phiếu quỹ của MSN với mức giá 100.000 đồng/cp. Sau giao dịch này, SK Group trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất nắm giữ 9,45% cổ phần của Masan Group.
F&N kiên trì với Vinamilk
F&N Dairy Investments Pte. Ltd. lại tiếp tục đăng ký mua hơn 17,4 triệu cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk- HOSE: VNM) trong thời gian 19/10-16/11.
Thống kê sơ bộ từ đợt mua 78 triệu cp Vinamik tại buổi chào bán cạnh tranh cuối năm 2016, F&N đã miệt mài đăng ký 18 lần mua thêm cổ phiếu Vinamilk nhưng không lần nào thành công. Nguyên nhân quen thuộc được đưa ra là điều kiện thị trường không phù hợp.
Tình trạng tương tự với đối trọng nước ngoài khác là Platinum Victory Pte.Ltd khi quỹ này cũng nhiều lần gom cổ phiếu VNM bất thành và mới nhất cũng đăng ký mua 17,4 triệu cp trong thời gian 26/9-25/10.
Pyn Elite bán mạnh
Pyn Elite Fund tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn khỏi các doanh nghiệp. Số liệu công bố mới nhất, quỹ từ Phần Lan bán lượng lớn cổ phiếu AAA và DLG.
Cụ thể, Pyn Elite bán gần 2,1 triệu cổ phiếu Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG), giảm lượng sở hữu tạo Đức Long Group từ hơn 30,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,64%) xuống còn hơn 28,2 triệu cổ phiếu tương ứng 9,91% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty – đây cũng là thời điểm cổ phiếu DLG rơi về vùng đáy với giá giao dịch xấp xỉ 2.300 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, quỹ ngoại trong 2 ngày 10-11/10 đã bán gần 2,6 triệu cổ phiếu Nhựa và môi trường xanh An Phát (HOSE: AAA), giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,8% xuống 6,57%, tương đương còn 11,25 triệu cổ phiếu.
Đây là 2 khoản đầu tư tiếp theo mà Pyn Elite bán ròng. Trước đó, quỹ ngoại cũng thoái toàn bộ 8,08 triệu cổ phiếu VIX của CTCP Chứng khoán IB vào 20/9 sau 2 năm nắm giữ. Pyn cũng bán toàn bộ 907.200 cp, tỷ lệ 5,67% vốn công ty CMISTONE Việt Nam (HNX: CMI) và thoái khoảng 8 triệu cp Tập đoàn Đầu tư Thăng Long vào cuối tháng 9.