Dragon Capital cơ cấu danh mục
Trên Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), quỹ đầu tư JPMorgan VietNam Opportunities Fund đã chuyển quyền sở hữu hơn 7 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - HoSE: MBB) vào ngày 22/4.
Nhóm nhận cổ phần MBB là các quỹ có liên quan đến Dragon Capital bao gồm Norges Bank (nhận 2,49 triệu cổ phiếu), Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (512.000 cổ phiếu), Hanoi Investments Holdings Limited (2,7 triệu cổ phiếu), Vietnam Co - Investment Fund (300.000 cổ phiếu), Magna Umbrella Fund Public Limited Company (802.950 cổ phiếu) và Oaks Emerging Umbrella Fund Public Limited Company (262.240 cổ phiếu).
Giao dịch trên VSD không giới hạn biên độ giá. Ước tính theo giá đóng cửa ngày 22/4 là 21.400 đồng/cổ phiếu thì có giá trị thương vụ này khoảng 151 tỷ đồng.
Cũng vào ngày 22/4, nhóm Dragon đã mua vào 1 triệu cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), trở thànhcổ đông lớn nắm giữ gần 107 triệu cổ phiếu, hơn 5% vốn công ty.
Ngày 22/4, cổ phiếu HPG chốt phiên giao dịch tại mức 31.850 đồng/cổ phiếu. Tạm tính với giá này, nhóm Dragon Capital đã chi gần 32 tỷ đồng. Tổng giá trị cổ phiếu HPG mà quỹ ngoại đang sở hữu có giá thị trường hơn 3.500 tỷ đồng.
Balestrand Limited cũng mua 8.190 cổ phiếu Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) vào ngày 23/4. Giao dịch này giúp nhóm Dragon tăng sở hữu tại IMP lên 22% ứng với 10,87 triệu cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, nhóm Dragon Capital đã bán 5,35 triệu cổ phiếu Chứng khoán Bản Việt (HoSE: VCI) ngày 23/4, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,99% và không còn là cổ đông lớn tại công ty chứng khoán này.
Trong phiên giao dịch 23/4, VCI chứng kiến các giao dịch thỏa thuận đúng 5,35 triệu cổ phiếu từ khối ngoại. Tổng giá trị chuyển nhượng là gần 190 tỷ đồng, tương đương 35.500 đồng/cổ phiếu.
Trong 1 năm trở lại đây, giá cổ phiếu VCI đã rơi mạnh từ vùng đỉnh 86.000 đồng/cổ phiếu được thiết lập vào tháng 4/2018 xuống còn 35.300 đồng/cổ phiếu (phiên 25/4). Theo kết quả kinh doanh quý I, VCI ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I gần 203 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2018.
Nhóm Dragon cũng bán cổ phần một khoản đầu tư khác là Bất động sản Thế Kỷ (HoSE: CRE). Cụ thể, Aquila SPC bán 210.000 cổ phiếu, Amersham Industries Limited bán 200.000 cổ phiếu và Viola Ltd bán 90.000 cổ phiếu. Sau giao dịch, nhóm quỹ ngoại còn sở hữu 9,4 triệu cổ phiếu, tương đương 11,7% vốn.
Các giao dịch khác
Trên VSD, Composite Capital Master Fund LP đã nhận chuyển nhượng gần 5,3 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - HoSE: TCB) vào ngày 24/4. Giá trị chuyển nhượng tạm tính theo giá chốt phiên 24/4 của TCB là khoảng 128 tỷ đồng.
Bên chuyển nhượng cổ phần là Aberdeen New Dawn Investment Trust PCL (bán 2,42 triệu cổ phiếu), VietNam Growth Stock Income Mother Fund (1 triệu cổ phiếu) và JPMorgan VietNam Opportunities Fund (1,85 triệu cổ phiếu).
Vào ngày 24/4, Pyn Elite Fund ngày lại bán qua sàn 317.340 cổ phiếu Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC). Giao dịch này khiến tỷ lệ sở hữu của quỹ ngoại tại HBC chỉ còn 6,86% vốn, tương đương hơn 13,4 triệu cổ phiếu.
Trước đó từ ngày 8/3 đến 20/3, quỹ ngoại liên tục bán cổ phần HBC và giảm tỷ lệ sở hữu từ 15,2% về 7,7%, tương ứng với lượng bán ra gần 15 triệu đơn vị.
CTCP Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đã bán 292.070 cổ phiếu Bao bì Biên Hòa (HoSE: SVI) từ 16/4 đến 23/4. Hiện SSIAM không còn nắm giữ cổ phần doanh nghiệp này.
America LLC bán 8.300 cổ phiếu Bê tông Hoà Cầm – Intimex (HCC) vào ngày 17/4. Ngược lại, quỹ này mua 5.500 cổ phiếu Tổng CTCP Bảo Minh (HoSE: BMI) và chính thức trở thành cổ đông lớn từ 23/4.
Hai quỹ ngoại lại đua mua Vinamilk
Platinum Victory Pte.Ltd thông báo đăng ký mua 17,4 triệu cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk -HoSE: VNM) trong thời gian 25/4-24/5. Hiện Platinum nắm giữ 10,62% vốn Vinamilk.
Ngay sau đó, F&N Dairy Investments Pte.Ltd cũng đăng ký mua 17,4 triệu cổ phiếu VNM từ 6/5 đến 4/6. Quỹ này đang sở hữu 17,31% vốn Vinamilk.
Đây không phải lần đầu tiên 2 quỹ trên đăng ký mua cổ phần Vinamilk. Tuy nhiên, trong các đợt đăng ký từ năm 2018 đến nay thì 2 quỹ ngoại vẫn chưa mua được cổ phiếu VNM nào. Đây là 2 đối trọng nước ngoài lớn nhất tại công ty.
Theo cơ cấu cổ đông của Vinamilk, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn nhất sở hữu 36% vốn. Tiếp đến là F&N Dairy Investments Pte chiếm 17,31% và Platinum Victory Pte nắm 10,62% vốn.
Ngoài 3 cổ đông lớn ở trên, VNM còn có sự tham gia của rất nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp như nhóm quỹ Mathews, nhóm Genesis, Deutsche Bank, Vietnam Ventures, Government of Singapore, nhóm Dragon Capital, nhóm Morgan Stanley,… Tại cuối năm 2018, nhóm 20 cổ đông lớn nhất của Vinamilk chiếm đến 80,68% vốn.