Sáng ngày 2/10 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra thông báo ông và vợ - Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã dương tính với Covid-19. Việc xét nghiệm của tổng thống và vợ được thực hiện ngay sau khi Hope Hicks - một trong những cố vấn thân cận nhất của ông được xác nhận đã nhiễm Covid-19.
Tổng thống Trump trước đó đã cho biết bản thân ông và Đệ nhất phu nhân đã tiến hành quy trình cách ly và chữa trị. Ngay sau khi thông tin ông nhiễm virus được công bố, thị trường chứng khoán thế giới đã chứng kiến sự sụt giảm nhất định tại nhiều quốc gia.
"Nó phụ thuộc vào tính nghiêm trọng của sự việc," - trích lời Masayuki Kichikawa, chuyên gia chiến lược vĩ mô tại tập đoàn Quản lý tài chính Sumitomo Mitsui. "Nó sẽ gây ra một làn sóng biến động thị trường mới, khi các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11."
"Nhiều nhà đầu tư lo ngại về kết quả của cuộc bầu cử vốn không thể dự đoán chắc chắn, và giờ còn thêm lung lay."
Và đến đây, nhiều người bắt đầu tự hỏi rằng chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, khi ngài tổng thống đã chính thức dương tính với virus?
Câu hỏi 'chuyện gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Trump nhiễm Covid-19?' đã được đề cập đến từ lâu, trong bối cảnh những ca nhiễm bệnh lan rộng khắp nước Mỹ. Trên thực tế, nhiều nhà lãnh đạo tại Mỹ và trên thế giới cũng đã từng nhiễm bệnh, như Francis Suarez (thị trưởng Miami), Keisha Lance Bottoms (thị trưởng Atlanta). Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng đã từng dương tính với Covid-19. Nhiều thành viên của Nhà Trắng cũng đã nhiễm bệnh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã từng nhiễm Covid-19
Vậy nên về mặt bản chất, việc một nhà lãnh đạo nói chung và Tổng thống Mỹ nói riêng dương tính với Covid-19 không phải điều mới, và cũng không phải tình huống quá khẩn cấp. Có tới hơn 34,5 triệu người trên thế giới đã nhiễm bệnh, trong đó đa số có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Nếu ông Trump cũng vậy, ông sẽ vẫn có thể làm việc và điều hành bình thường, không có quá nhiều khó khăn.
Khó khăn thực chất sẽ đến với những người xung quanh ông, như các đặc vụ của Cơ quan Mật vụ có nhiệm vụ bảo vệ ông 24/24. Dẫu vậy với sự tiến bộ của công nghệ hiện đại, ngài tổng thống có thể vừa cách ly mà vẫn liên lạc và làm tốt mọi nhiệm vụ của mình.
Tất nhiên vẫn sẽ cần có sự chuẩn bị cho tình huống xấu, ngay cả khi ông Trump không có triệu chứng. Đầu tiên, những người kế nhiệm khẩn cấp cần được bảo vệ, như Phó tổng thống Mike Pence, người phát ngôn Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley và các thành viên trong Nội Các cần phải cách ly với ngài tổng thống. Những người này cần hạn chế tiếp xúc với cộng đồng, nhằm tránh rủi ro lây nhiễm cho mình.
Tiếp theo, ngài tổng thống vẫn sẽ phải xuất hiện trước công chúng, đặc biệt là khi tình trạng sức khỏe của ông vẫn tốt. Việc nhìn thấy ông trên camera có thể mang lại niềm tin cho cộng đồng, xoa dịu sự lo âu, và đặc biệt là ổn định được thị trường chứng khoán.
Trên thực tế, nước Mỹ từng chứng kiến những sự kiện tương tự. Năm 1919, Tổng thống đương nhiệm Woodrow Wilson bị đột quỵ nghiêm trọng, và vợ ông thậm chí ngăn không để cả những người thân cận nhất được vào thăm vì lo sợ sẽ đẩy quốc gia vào cơn khủng hoảng lãnh đạo trầm trọng. Kịch bản ấy thực chất khó mà xảy ra vào ngày nay (việc giấu tình trạng bệnh tình của tổng thống), nhưng việc người lãnh đạo vắng mặt quá lâu sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mọi mặt - từ chính trị, kinh tế cho đến lòng tin của công chúng.
Dù được tiếp cận hệ thống y tế tiên tiến nhất thế giới, Tổng thống Trump vẫn có nguy cơ mắc các triệu chứng nặng do rào cản về tuổi tác và căn bệnh béo phì dạng nhẹ, có thể phải sử dụng cả máy thở.
Trong thời gian dùng đến máy thở, bệnh nhân sẽ không thể nói được nữa. Khả năng nhận thức cũng khó bình thường vì phải sử dụng thuốc mê hoặc thuốc an thần. Với tình huống này, sẽ có một số quy trình phải được thực hiện, vì ngài tổng thống sẽ tạm thời không thể điều hành đất nước nữa.
Với Khoản 3 trong Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, ông Trump sẽ có thể chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống - lúc này sẽ trở thành "quyền tổng thống", sau đó trở lại nắm quyền khi đã bình phục. Quy trình này đã từng được Tổng thống Ronald Reagan kích hoạt vào năm 1985, và Tổng thống George W. Bush thực hiện 2 lần vào năm 2002 và 2007. Tổng thống Bill Clinton cũng từng làm vậy vào năm 1997 khi cần phải thực hiện phẫu thuật đầu gối.
Trong trường hợp tình trạng sức khỏe của ông Trump chuyến biến xấu quá nhanh đến mức không thể xác nhận Khoản 3 của Tu chính án thứ 25, Khoản 4 sẽ được áp dụng. Khi đó, phó tổng thống và thành viên Nội Các sẽ gửi thông báo đến Nhà Trắng, rằng "Tổng thống không thể tự chuyển giao quyền lực và trách nhiệm." Sau đó, phó tổng thống sẽ lên nắm quyền, sau đó trao lại cho tổng thống khi ông quay trở lại.
Tình huống xấu nhất xảy ra là cả Tổng thống Trump lẫn Phó tổng thống Mike Pence đều không đủ khả năng đảm đương trách nhiệm, khi đó Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện sẽ lĩnh trách nhiệm.
Nguồn: Bloomberg, Brooking