Đó là vấn đề được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo kết nối phát triển thị trường công nghệ về lĩnh vực xe máy điện công nghệ cao diễn ra ngày 12/12.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho rằng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, đặc biệt là Tp.HCM, Hà Nội đang là một thách thức khi lượng xe máy, ôtô đang quá tải. Việc áp dụng công nghệ tạo ra các phương tiện giao thông bảo vệ môi trường, thông qua đó giảm ô nhiễm môi trường không khí là một biện pháp đã được tính đến.
Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục truởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường kể từng có chuyến đi công tác tại Hà Lan. Khi xuống sân bay, tất cả các taxi đều phải xếp hàng đón khách thì bỗng dưng có một chiếc xe taxi rất mới chạy lên hàng đầu. Khi được ông Tùng hỏi thì người lái xe cho biết tại đất nước Hà Lan có chính sách, nếu dùng xe điện sẽ không phải xếp hàng.
"Từ thực tế ở Hà Lan, tôi rất mong Việt Nam cũng có những chính sách khuyến khích dùng xe điện, xe thân thiện với môi trường như vậy", ông Tùng nói và khẳng định ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng đến cả người giàu lẫn người nghèo, bởi dù thu nhập cao hay thấp vẫn phải hưởng chung một bầu không khí.
Vị này cho hay, gần đây tại Hà Nội, người dân đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng không khí (Chỉ số AQI). Nguyên nhân ô nhiễm không khí đô thị nhất là từ các phương tiện ôtô, xe máy chạy xăng. Hiện nay, lượng gia tăng phương tiện giao thông tăng rất nhanh, theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 46 triệu xe máy, đứng số 4 trên thế giới.
Trong đó, ở Hà Nội có khoảng 4,7 triệu xe máy, 0,7 triệu ôtô; Tp.HCM có khoảng 7 triệu xe máy, 1 triệu ôtô. Giao thông công cộng chậm phát triển mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại. Về việc áp dụng nhiên liệu như xăng E5 năm 2018 mới triển khai, trong khi đó tiêu chuẩn khí thải Euro 4 vẫn bị bỏ ngỏ.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí ở đô thị theo ông Tùng có thể do cơ sở sản xuất hoặc khói bụi theo gió từ các nhà máy thép, xi măng, hóa chất… Từ thực trạng ô nhiễm đó, nhu cầu về các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường được đặt ra và cần nhân rộng góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.
PGS. Tạ Cao Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ (CTI) nhận định Việt Nam là xã hội phụ thuộc rất nhiều vào xe máy nên việc bỏ xe máy là điều không thể. Ông khẳng định xe điện tại Việt Nam trong tương lai sẽ là xu hướng tất yếu và bùng nổ, đặc biệt là xe máy điện.
Vị này cho rằng với đặc điểm giao thông đô thị nhiều ngõ ngách của Việt Nam thì di chuyển ôtô rất không tiện và xe máy lại thuận tiện hơn. Do đó, trong tương lai, dù đô thị hóa thế nào thì xe máy vẫn tồn tại nhưng lúc này tỷ lệ xe chạy xăng sẽ giảm thấp xuống nhường chỗ cho xe máy điện. Thị trường xe máy điện tại Việt Nam có tiềm năng lớn, rộng mở.
Đại diện Công ty TNHH Ziomotors Việt Nam cho rằng xe điện là xu hướng giúp bảo vệ môi trường xanh sạch. Do đó, sản phẩm của công ty cũng mang thông điệp bảo vệ hành tinh xanh.
"Xe máy điện của công ty được thiết kế với công nghệ đặc biệt, giúp người dùng không có cảm giác quá khác biệt so với một chiếc xe chạy động cơ xăng. Đây là động cơ tích hợp số duy nhất trên thế giới, đã được đăng ký bằng sáng chế tại Hàn Quốc", vị đại điện nói.