Chiều 14/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát đi thông cáo điều chỉnh giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để hiểu hơn nguyên nhân NHNN đưa ra quyết định trên và những tác động đối với thị trường tiền tệ trong nước, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh về vấn đề này với Chuyên gia Trần Ngọc Báu - CEO Wigroup.
Chuyên gia Trần Ngọc Báu - CEO Wigroup. (Ảnh: NVCC)
PV: Vì sao NHNN lại giảm lãi suất điều hành có phần bất ngờ và quyết liệt như vậy ở thời điểm này, thưa ông?
Chuyên gia Trần Ngọc Báu : Việc NHNN giảm lãi suất rất dứt khoát thay vì hành động thăm dò như lịch sử thường thấy là một quyết định thực sự bất ngờ với thị trường và giới nguyên cứu ở thời điểm hiện tại. Đây có thể nói là một quyết định táo bạo và có phần đón đầu, nhưng nhiều khả năng bản thân NHNN cũng đã có những số liệu, toan tính và mô hình cần thiết trước khi đưa ra quyết định này.
Chúng ta không thể hiểu hết mô hình đó vì không được tiếp cận đầy đủ số liệu nhưng dựa trên những quan sát tổng thể thì có một số lý do để quyết định này là rất phù hợp:
Thứ nhất: Những biến động về kỳ vọng lãi suất của Mỹ đang mất dần những tác động tâm lý đến thị trường ngoại hối trong nước, điển hình chúng ta có thể thấy tỷ giá USD/VND ghi nhận mức suy giảm đều đặn từ cuối tháng 2 đến giờ mặc cho những thông tin về lạm phát hay phát biểu có phần “Diều Hâu” của chủ tịch FED. Mặt khác lịch sử đã chứng minh trong một khoảng thời gian ngắn 2-3 quý thì Việt Nam vẫn có thể duy trì một trạng thái chênh lệch âm về lãi suất với Mỹ nhưng tỷ giá vẫn ổn định thậm chí giảm, hay nói cách khác việc Mỹ tăng lãi suất có gây áp lực lên tỷ giá VND hay không thì còn tùy bối cảnh và theo tôi thì bối cảnh lúc này đã khác giai đoạn giữa năm 2022 rất nhiều. Bây giờ áp lực suy giảm kinh tế đã lớn hơn cả áp lực tỷ giá và NHNN cũng cần có những thay đổi trong chính sách của mình.
Thứ hai: Sự sụp đổ của 2 ngân hàng Silicon Valley và Signature thể hiện cho sức khỏe hệ thống tài chính Mỹ có thể xấu hơn những gì mà Fed tính toán và việc tiếp tục duy trì quan điểm “cứng rắn” với lãi suất có thể sẽ gây ra những hậu quả không lường trước được. Với bối cảnh hiện tại thì chắc chắn lộ trình tăng lãi suất của Fed sẽ thay đổi và triển vọng về một đồng USD yếu đi cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh sẽ trở thành viễn cảnh mà nhà đầu tư kỳ vọng. Có vẻ như NHNN đang kỳ vọng vào việc Fed sẽ sớm thay đổi chính sách lãi suất của mình ngay trong năm nay, việc đón đầu trong trạng thái tâm lý kỳ vọng cao như hiện tại sẽ giảm rất nhiều áp lực.
Thứ ba: Cán cân tổng thể dự báo sẽ khả quan khi thặng dư thương mại khá cao trong 2 tháng đầu năm, dòng vốn ngoại cũng bắt đầu gia nhập trở lại và việc tỷ giá ổn định cùng với dòng tín dụng trong nước bị ách tắc cũng sẽ kích thích các doanh nghiệp mở rộng vay nợ nước ngoài. Có thể NHNN đã có những số liệu đủ để đong đếm được dòng USD chảy vào đủ lớn để giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá kể cả khi Việt Nam duy trì một nền lãi suất thấp.
Thứ tư: Số liệu 2 tháng đầu năm thể hiện sức khỏe khu vực sản xuất và tiêu dùng yếu và cần những biện pháp kích thích phụ hồi, giảm nhanh lãi suất điều hành từ đó tạo môi trường giảm thêm lãi suất thị trường là điều cấp bách lúc này.
PV: Sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, ông dự đoán lãi suất và tỷ giá sẽ diễn biến như thế nào?
Chuyên gia Trần Ngọc Báu: Lãi suất thị trường liên ngân hàng khả năng sẽ được điều tiết giảm dần bình quâng khoảng 0,5-1% so với hiện tại. Lãi suất huy động sẽ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lãi suất điều hành nhưng với bối cảnh thanh khoản như hiện tại, xu hướng giảm sẽ vẫn tiếp tục, kỳ vọng đến giữa năm 2023 lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các NHTM cổ phần lớn có thể về quanh mức 7-7,2%.
Về vấn đề tỷ giá thì có thể ngắn hạn sẽ có những biến động nhưng tôi cho rằng áp lực là không lớn và NHNN có thể chủ động xử lý được với các công cụ sẵn có của mình. Tuy nhiên vẫn phải đề phòng một rủi ro rấp thấp nhưng vẫn có thể xảy ra là nếu hệ thống ngân hàng Mỹ đổ vỡ dây truyền và kéo theo áp lực lên hệ thống tài chính toàn cầu, qua đó gây sức ép lên tỷ giá do nhu cầu trú ẩn vào USD sẽ tăng vọt.
PV: Quyết định này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của các ngân hàng?
Chuyên gia Trần Ngọc Báu : Tôi cho rằng quyết định này mặc dù sẽ làm giảm một phần nào đó chi phí huy động vốn ở kỳ hạn siêu ngắn và ngắn của toàn hệ thống nhưng với bối cảnh hiện nay thì mức độ tác động sẽ không quá lớn đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.
PV: Theo ông xu hướng điều hành của NHNN thời gian tới sẽ như thế nào?
Chuyên gia Trần Ngọc Báu : Việc giảm lãi suất chính sách có phần đón đầu và dứt khoát này thể hiện NHNN đã chính thức xác nhân việc bắt đầu quay trở lại với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên không gian giảm lãi suất tiếp tục của NHNN là không nhiều bởi trước đó chúng ta đã duy trì một nền lãi suất rất thấp và mới chỉ tăng 2% trong đợt tăng lãi suất vừa qua.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Ngân hàng Nhà nước nói gì về quyết định giảm lãi suất điều hành?
NHNN cho biết, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
NHNN nhấn mạnh, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù vậy, NHNN cũng cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt CSTT, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao, đặc biệt là động thái của Fed trong cuộc họp tới đây (ngày 21-22/3/2023) trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tại Mỹ.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều bất trắc, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế của Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Đồng thời, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các TCTD có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.