Năm 2017, nền kinh tế đã xuất sắc hoàn thành tất cả các chỉ tiêu Quốc hội giao. Bên cạnh đó, Chính phủ còn tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, Quốc hội cũng đã thông qua hàng loạt dự luật quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN)...qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cải thiện xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Môi trường kinh doanh cải thiện hơn giúp số lượng doanh nghiệp và lượng vốn đăng ký tăng nhanh, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động/giải thể cũng giảm mạnh. Dẫu vậy, với các doanh nghiệp, đặc biệt 98% thuộc kinh tế tư nhân với đại đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn còn nhiều khó khăn do phải đối diện nhiều rào cản, chẳng hạn như về chính sách, môi trường kinh doanh, vấn đề tiếp cận vốn...
Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Tô Trung Thành, đồng chủ biên ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 với chủ đề: Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp".
PV: Xin ông cho biết những rào cản chính mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt?
TS. Tô Trung Thành: Theo tôi có nhiều rào cản nhưng trong đó có 4 vấn đề chính mà tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt. Thứ nhất là rào cản hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay tín dụng của các doanh nghiệp; thứ hai là rào cản gia tăng chi phí lao động của các doanh nghiệp; thứ ba là rào cản gia tăng chi phí cơ sở hạ tầng logistics của doanh nghiệp; và thứ tư là rào cản gia tăng chi phí thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Trong số đó thì rào cản nào là lớn nhất, thưa ông?
TS. Tô Trung Thành: Kết quả phân tích từ dữ liệu điều tra của World Bank cho thấy có 24,7% doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 coi tiếp cận tín dụng là trở ngại lớn nhất khiến cho doanh nghiệp không phát triển được. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với ở Indonesia (6,3%), Thái Lan (4,9%) và Malaysia (0,9%). Kết quả Điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa của CIEM cũng cho thấy thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính (tính thanh khoản, rào cản về tiếp cận tín dụng) vẫn là trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp.
Số liệu điều tra trực tiếp từ 695 doanh nghiệp của chúng tôi (nhóm tác giả của ấn phẩm) cho thấy có tới 58% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã từng nộp đơn xin vay vốn ngân hàng. Quy mô doanh nghiệp càng lớn thì tỷ lệ này càng tăng. Các doanh nghiệp đã từng bị ngân hàng từ chối hoặc chỉ được giải ngân một phần thì nguyên nhân lớn nhất chính là do tài sản thế chấp không đủ điều kiện. Đặc biệt là đối với các DNNVV, các doanh nghiệp này càng khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay chính thức vì phần lớn mặt bằng sản xuất, máy móc trang thiết bị cơ bản là đi thuê. Trong khi đó cơ cấu của tài sản thế chấp được yêu cầu trong hồ sơ xin vay vẫn là đất, nhà thuộc sử hữu của doanh nghiệp (38,47%); máy móc thiết bị (26,46%).
Có thể nói đây là một rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp nói chung ở Việt Nam và đặc biệt đối với các doanh nghiệp tư nhân và DNNVV. Tương tự, đối với các doanh nghiệp không vay vốn ngân hàng loại trừ lý do không có nhu cầu và không muốn bị mắc nợ, thì các lý do cơ bản không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng ngoài nguyên nhân lãi suất vay cao, thủ tục vay còn phức tạp thì vấn đề không đủ tài sản thế chấp vẫn là một vấn đề lớn mà các doanh nghiệp này phải đối mặt.
Hơn nữa, theo kết quả phân tích thực nghiệm từ mẫu điều tra của chúng tôi, các doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam vẫn phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất cao. Ngoài chi trả lãi vay cao, để tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng các doanh nghiệp phải bỏ thêm các chi phí lót tay và quà tặng… Cụ thể, kết quả phân tích cho thấy nếu doanh nghiệp có chi ra các khoản chi phí lót tay và quà tặng sẽ giúp các doanh nghiệp tăng xác suất món vay được chấp nhận từ các tổ chức tín dụng khoảng từ 17,6 đến 24 điểm %. Như vậy, lãi cao và chi phí lót tay, quà tặng đang là những rào cản lớn hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng và làm gia tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài ra, trong quá trình xử lý các hồ sơ xin vay từ các tổ chức tín dụng, hiện vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử khác nhau giữa các doanh nghiệp SMEs và các doanh nghiệp lớn, giữa các loại hình doanh nghiệp sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước. Kết quả ước lượng thực nghiệm của chúng tôi cho thấy xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 đến 26 điểm % nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ xin vay thuộc doanh nghiệp DNNVV. Tuy nhiên, sẽ tăng khoảng từ 2,3 đến 2,8 điểm % nếu doanh nghiệp đó là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước...
Sáng 22/3 đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia về Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018
Ông nói rằng gia tăng chi phí lao động của các doanh nghiệp cũng là một rào cản, cụ thể là thế nào?
TS. Tô Trung Thành: Chi phí sử dụng lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ trong thời gian qua. Tỷ trọng của chi phí cho bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và kinh phí công đoàn có xu hướng tăng đáng kể.
Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng dự kiến của việc tăng nền tính BHXH từ tổng lương và các khoản phụ cấp theo hợp đồng thành lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác trong hợp đồng được áp dụng từ năm 2018 của chúng tôi cho thấy, chi phí lao động của doanh nghiệp có thế sẽ tăng lên 6,8%. Mức tăng chi phí sẽ làm lợi nhuận doanh nghiệp giảm 11,4%. Tỷ lệ doanh nghiệp có lợi nhuận giảm đáng kể từ 63,2% xuống 40,6% doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có mức lợi nhuận thấp như doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tuy nhiên xét theo quy mô ảnh hưởng thì các doanh nghiệp có quy mô lớn như DNNN và DN có vốn đầu tư nước ngoài bị tăng chi phí lao động cao hơn và bị giảm sút lợi nhuận nhiều hơn do sử dụng nhiều lao động có tham gia BHXH. Các doanh nghiệp trong ngành dệt may và xây dựng chịu ảnh hưởng lớn. Tỷ lệ lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành dệt may giảm 41,9%, và 30% trong ngành xây dựng. Tỷ lệ doanh nghiệp không còn lợi nhuận tăng thêm 26,2% đối với ngành dệt may và 32,3% đối với ngành xây dựng.
Trong năm 2017 Chính phủ đã có nhiều nỗ lực thay đổi chính sách giúp môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, qua đó nâng cao môi trường cạnh tranh của quốc gia, song cũng không thể phủ nhận được rằng các rào cản về thuế và thủ tục hành chính vẫn còn là trở ngại lớn với doanh nghiệp, ông có thể phân tích rõ hơn về các rào cản này?
TS. Tô Trung Thành: Xét về tổng thể, các hoạt động kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi các loại thuế: thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT), thuế thu nhập với hoạt động chuyển nhượng vốn, thuế giá trị gia tăng (VAT), và thuế nhập khẩu. Ngoài ra, còn một số loại thuế có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong một số lĩnh vực cụ thể như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bất động sản, thuế xuất khẩu, và thuế môi trường.
Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến hành nhiều chính sách cải cách hệ thống thuế theo hướng đơn giản và giảm bớt áp lực về thuế cho doanh nghiệp qua đó chi phí chính thức về thuế đối với doanh nghiệp đã được cắt giảm nhiều. Tuy nhiên, chi phí phi chính thức gây ra bởi thủ tục hành chính vẫn còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Thời gian nộp thuế của Việt Nam năm 2016 vẫn cao nhất trong các nước trong khu vực, gấp 1,37 lần so với Lào và 7,8 lần so với Singapore.
Thủ tục hành chính phức tạp còn khiến nhiều doanh nghiệp phải quà cáp cho cán bộ thuế trong những lần gặp. Khảo sát thực địa của chúng tôi cho thấy, những doanh nghiệp coi các khoản thuế và hệ thống thuế, hải quan là rào cản chính có xu hướng phải chi trả phi chính thức nhiều hơn cho cán bộ thuế và hải quan. Hơn nữa, việc đa số doanh nghiệp phải trả các khoản phí phi chính thức xác nhận việc trả các khoản phí phi chính thức giúp họ giải quyết được công việc như mong muốn cho thấy doanh nghiệp coi việc quà cáp là giải pháp hiệu quả để vượt qua rào cản này...
Trước những vấn đề này, các ông có khuyến nghị gì với chính sách để gỡ bỏ rào cản giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển hơn?
TS. Tô Trung Thành: Chúng tôi khuyến nghị các nhóm giải pháp như sau.
Đầu tiên là giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay tín dụng của các doanh nghiệp. Chúng tôi khuyến nghị tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tạo điều kiện phát triển một cách hài hòa giữa các khu vực trong nền kinh tế; cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép thành lập đăng ký kinh doanh, thủ tục thuê đất, thủ tục cấp tín dụng.
Bên cạnh đó cũng khuyến nghị khuyến khích phát triển hệ thống tài chính phi ngân hàng; nới lỏng các ràng buộc liên quan đến tài sản thế chấp và đơn giản hóa và cải tiến các thủ tục cho vay; giảm chi phí tiếp cận nguồn vốn tín dụng thông qua việc cân đối các nguồn vốn vay với lãi suất và kỳ hạn phù hợp hơn đối với các doanh nghiệp, kể cả các nguồn vay ưu đãi. Mở rộng các hình thức thuê mua, cung cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi hơn với các dự án khởi nghiệp khả thi và có khả năng sinh lời tốt.
Về năng lực của chính các doanh nghiệp thì cần cải thiện năng lực quản lý cho các chủ doanh nghiệp thông qua các khóa bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức về quản lý, tài chính, kế toán cũng như các kiến thức về thị trường; cải thiện năng lực kinh doanh của doanh nghiệp thông qua công tác xây dựng cơ sở dữ liệu hoạt động của doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị...
Các giải pháp cải thiện chi phí lao động cho doanh nghiệp: Để có thể phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, Chính phủ cần có chính sách đẩy mạnh sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các DNTN để chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực chính thức phi nông nghiệp. Việc này sẽ góp phần nâng cao vốn con người cũng như năng suất lao động. Các chính sách vĩ mô liên quan đến tiền lương cần được giữ ổn định. BHXH nên tập trung vào thu đủ và tăng mức độ tham gia BHXH của lao động ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có mức độ tham gia BHXH thấp, thay vì tăng nền đóng BHXH.
Các giải pháp cải thiện chi phí cơ sở hạ tầng logistics: Về mặt đầu tư, cần có định hướng và thực hiện việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ, bao gồm các hệ thống cảng, hệ thống kho bãi, sân bay, đường sắt. Việc xây dựng, lập kế hoạch, phê duyệt, triển khai tốt nhất cần được thực hiện thông qua phối hợp đa lĩnh vực (trong nhiều trường hợp là đa ngành), có tham khảo ý kiến rộng rãi của các đơn vị tham gia lĩnh vực vận tải hoặc liên quan đến năng lực cạnh tranh.
Cần có chính sách hợp lý để giảm chi phí vận tải đường bộ, tập trung vào giảm ùn tắc và giảm phí cầu đường (BOT). Cần thắt chặt quy định về vận tải đường bộ chú trọng vào nâng cao trình độ lái xe, quy định về đăng kiểm và tải trọng, loại bỏ những container, xe moóc quá tải. Chính phủ cần giảm tình trạng manh mún trong lĩnh vực nói chung và nâng cao chất lượng dịch vụ; khuyến khích phát triển mạnh lĩnh vực nhận ủy thác vận tải; nâng cao tính bền vững môi trường của ngành vận tải đường bộ bởi hiện nay các lĩnh vực vận tải đường bộ hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khó đạt lợi thế về quy mô.
Bên cạnh đó cần những biện pháp quyết liệt để giảm các khoản chi phí không chính thức, đồng thời, cần hạn chế tính độc quyền trong quá trình khai thác các hệ thống giao thông. Nhà nước cần mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ở trong và ngoài nước được tham gia khai thác và vận hành các cơ sở hạ tầng logistics, theo đó, các hệ thống giao thông lạc hậu như đường sắt mới có thể thu hút thêm các nguồn lực cũng như có động lực để cạnh tranh và phát triển
Các giải pháp cải thiện chi phí thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước: Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ tập trung cải cách bộ máy thực thi các chính sách, pháp luật thuế hiện hành theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng thuế điện tử, giảm bớt các hoạt động thanh kiểm tra không cần thiết; phấn đấu giảm bớt sự khác biệt giữa các nhóm mặt hàng chịu các mức thuế VAT khác nhau; cân nhắc giảm bớt các hình thức ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp lớn để tạo môi trường kinh doanh công bằng cho các thành phần kinh tế; và Nhà nước nên cân nhắc giảm các loại phí.
Về chính sách hải quan, chúng tôi khuyến nghị cơ quan hải quan cần hướng dẫn chính sách, pháp luật hải quan kịp thời cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, các hình thức thông báo điện tử trực tiếp cho các doanh nghiệp liên quan cần được nghiên cứu triển khai. Bên cạnh đó cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi trong nộp lệ phí hải quan và nộp thuế...
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!