Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán liên tục biến động trước những thông tin về căng thẳng chính trị Nga – Ukraine, hay những lo ngại lạm phát gia tăng kéo theo lãi suất sớm gia tăng. Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8 mới đây, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) đã có những chia sẻ về sự ảnh hưởng của xu hướng lạm phát, lãi suất tới dòng vốn tới thị trường chứng khoán.
Theo ông Trần Thăng Long, với quy mô nền kinh tế hiện nay, tổng lượng tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng khoảng 10,9 triệu tỷ đồng, trong đó một nửa là của dân cư và một nửa của các tổ chức doanh nghiệp. Thời gian qua, lượng tiền gửi của dân cư tăng lên khoảng 100 ngàn tỷ, đây là mức tăng khá lớn trong thời gian dài thường xuyên đi ngang hoặc có giảm sút do mức lãi suất thấp của năm 2020 - 2021.
Ông Long đánh giá lượng tiền gửi tăng lên là điều bình thường trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi nhích nhẹ khoảng 0,1% – 0,2%, là một mức vừa phải. Ở Việt Nam, trong thời gian trước ta thấy lạm phát ở mức khá cao nhưng trong những năm gần đây, mức lạm phát chỉ từ 2% - 4%, là một mức khá hợp lý trong suốt 21 năm vừa qua.
Ngoài ra, theo thống kê của BSC, từ năm 2000 cho đến nay, kênh truyền thống như tiền gửi tiết kiệm tăng trưởng khoảng 8%/năm, đô la Mỹ cũng từ là một kênh khá phổ biến tăng trưởng rất thấp khoảng 2,2%, kênh bất động sản thì tốt hơn một chút khoảng 12%. Tuy nhiên, kênh chứng khoán thì mức tăng trưởng cao hơn bao gồm cả phần cổ tức là vào khoảng 15,8% - 15,9%.
Về mặt chính sách, ông Long cho rằng thời gian qua Việt Nam đang theo hướng mở rộng hơn và hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế. Vì vậy, thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng của yếu tố lạm phát, tuy nhiên dòng tiền trên thị trường vẫn sẽ khá mạnh và tìm kiếm cơ hội trên thị trường.
Lạm phát tăng ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại?
Về những lo ngại dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường khi lạm phát có xu hướng gia tăng, ông Trần Thăng Long cho rằng những biến động ngắn hạn của thị trường là rất khó đoán, kể cả những nhà đầu tư lâu năm. Do đó, chúng ta nên nhìn vào dài hạn khi doanh nghiệp tăng trưởng, khi nền kinh tế tốt thì tự nhiên định giá về sau của những doanh nghiệp đó sẽ gia tăng. Trong quá trình đó vừa thu được cổ tức, vừa thu được phần tăng giá của phần định giá đó.
Việt Nam là một thị trường tài chính rất non trẻ so với cả rất nhiều quốc gia khác, và mình cũng đang đi theo những xu hướng đó. Nhà đầu tư thực tế cũng nên kiên nhẫn, lựa chọn những cơ hội tốt để đầu tư chứ không nên quá cuốn theo những đầu tư ngắn hạn. Trong suốt quá trình 21 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài mua sớm thì bây giờ họ bán cổ phiếu ra nhưng đổi lại hình ảnh của Việt Nam mà thị trường tài chính thì cũng đang được chú ý rất nhiều.
Ông Long cho biết sau khi Việt Nam mở cửa lại đường bay quốc tế đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam và họ sang đến tận nơi để tìm hiểu thêm hoạt động đầu tư ở Việt Nam. Trong thời gian sắp tới, chúng ta có thể thấy dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài tích cực hơn.
Về lựa chọn kênh đầu tư, ông Long cho biết thống kê từ năm 2022 tới nay, kênh bất động sản tăng trưởng khoảng 12% và kênh chứng khoán thì mức tăng trưởng cao hơn bao gồm cả phần cổ tức là vào khoảng 15,8% - 15,9%. Thực tế, các ngành sẽ không có phản ứng giống nhau đối với cả lạm phát. Cũng có những ngành phản ứng tốt hơn, do họ có thể di chuyển mức tăng giá đầu vào sang tăng giá đầu ra và như vậy họ ghi nhận doanh thu tăng trưởng tốt hơn, như những ngành có tính chất thiết yếu như điện nước, bất động sản, năng lượng hay công nghệ thông tin là những ngành có lợi thế cạnh tranh tốt trong bối cảnh thị trường lạm phát.
Bên cạnh đó, chuyên gia BSC cũng cho rằng nhà đầu tư có lưu ý thêm thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang phát triển lên tốc độ khá tốt. Trong đấy có những doanh nghiệp rất tốt, uy tín.
Dưới góc độ Công ty chứng khoán, ông Long cho biết trong năm nay, BSC đã làm việc với đối tác HFI, là một trong những công ty chứng khoán lớn của Hàn Quốc đầu tư vào BSC và sẽ gia tăng quy mô vốn chủ của chúng tôi lên mức khoảng 4.200 tỷ đồng, đưa BSC trở lại quy mô top 10 công ty chứng khoán có vốn chủ lớn nhất thị trường.
Với lợi thế về vốn gia tăng, BSC sẽ tập trung vào phát triển các mảng kinh doanh trong đó có ba mảng chính, mảng tư vấn tài chính, cho các doanh nghiệp Việt nam đặc biệt là với các đối tác nước ngoài. Thứ hai là mảng môi giới sẽ tập trung cả ở hai khối là khối khách hàng tổ chức nước ngoài và khối khách hàng cá nhân trong nước. Ngoài ra mảng hoạt động khác như mảng trái phiếu đặc biệt là trái phiếu Chính phủ BSC vẫn đang duy trì thị phần lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với lợi thế của vốn đầu tư, BSC sẽ tiếp tục cố gắng để duy trì mức đóng góp và điều này rất quan trọng để huy động nguồn vốn giá rẻ, nguồn vốn tốt, dài hạn cho Chính phủ Việt Nam tài trợ cho hoạt động phát triển kinh tế và hồi phục kinh tế nhất là trong năm 2022.