Theo chuyên gia quốc tế, sự sợ hãi của các doanh nghiệp tư nhân có thể làm suy yếu triển vọng và đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.
Theo giáo sư Minxin Pei tại Claremont McKenna College, đây là một trong những thời điểm tồi tệ đối với các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc.
Tỷ phú doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc, nhà sáng lập Alibaba Group Holding Jack Ma đã im hơi lặng tiếng sau khi Bắc Kinh yêu cầu hủy bỏ đợt IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng) của tập đoàn fintech Ant Group.
Đòn giáng thứ 2 đến vào 4 tháng sau đó. Alibaba của ông Ma chịu mức phạt kỷ lục 2,75 tỷ USD vì các hoạt động bị cáo buộc là độc quyền.
Tỷ phú Jack Ma hiếm khi xuất hiện trước công chúng sau khi Bắc Kinh yêu cầu hủy bỏ đợt IPO của Ant Group. Ảnh: Reuters. |
Các doanh nhân dè chừng
Theo giáo sư Pei, ông Ma có lẽ đã may mắn hơn gã khổng lồ gọi xe Didi. Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, công ty nóng lòng niêm yết cổ phiếu trên sàn New York hồi tháng 6.
Ngay sau đó, cơ quan an ninh mạng của Trung Quốc yêu cầu xóa bỏ ứng dụng của Didi khỏi các kho ứng dụng và mở cuộc điều tra về bảo mật dữ liệu. Hơn 20 tỷ USD đã bay hơi khỏi giá trị vốn hóa thị trường của Didi.
Ông Ma cũng may mắn hơn doanh nhân Sun Dawu. Cuối tháng 7, ông Sun Dawu, 67 tuổi, đã bị tuyên án 18 năm tù với nhiều tội danh bao gồm "gây gổ, kích động gây rối và sử dụng đất nông nghiệp bất hợp pháp".
Chiến dịch "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khiến các doanh nhân mất ăn mất ngủ.
Tại một cuộc họp hôm 17/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc mang đến "của cải vừa phải" cho tất cả người dân, hay còn gọi là "thịnh vượng chung".
Việc Bắc Kinh giáng đòn lên hàng loạt tập đoàn tư nhân lớn khiến giới doanh nhân dè chừng. Ảnh: Reuters. |
Cuộc họp kêu gọi "điều chỉnh hợp lý đối với thu nhập quá mức, khuyến khích các nhóm và doanh nghiệp thu nhập cao đóng góp trở lại cho xã hội nhiều hơn", theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ rõ thịnh vượng chung không có nghĩa là của cải chỉ dành cho số ít người. Theo báo cáo cuộc họp, tiến trình đạt mục tiêu sẽ diễn ra theo từng giai đoạn.
Thách thức mà các doanh nhân Trung Quốc phải đối mặt là làm cách nào để bảo vệ của cải của mình. Không may là họ không có nhiều lựa chọn. Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập đã khiến hàng nghìn quan chức phải vào tù.
Đa dạng hóa tài sản ở nước ngoài từng là một lựa chọn đối với các doanh nhân, cho đến khi Trung Quốc bắt đầu thắt chặt kiểm soát vốn vào năm 2015. Ngày nay, việc rút một lượng tiền lớn ra khỏi đất nước đã khó hơn rất nhiều.
Các doanh nhân có thể đặt cược vào hệ thống luật pháp của Trung Quốc. "Nhưng tòa án Trung Quốc thường không được biết đến nhiều với tính độc lập và hiệu quả trong việc bảo vệ quyền sở hữu tư nhân", ông Pei tại Claremont McKenna College nhận định.
Đe dọa nền kinh tế
Tuy nhiên, theo ông Pei, mối đe dọa đối với nền kinh tế có thể tạo ra một loại sức mạnh thương lượng mềm cho giới doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, nếu các doanh nhân Trung Quốc cùng không nỗ lực làm việc, hoặc thậm chí ngừng sản xuất hoàn toàn, tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ rất lớn.
Trên thực tế, nền kinh tế thứ 2 thế giới vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực tư nhân. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp vào hơn 60% GDP và gần 50% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc trong năm ngoái.
Năm 2019, tỷ trọng của khu vực tư nhân trong tổng vốn đầu tư là 44%. Quan trọng hơn, khu vực tư nhân là động lực tạo việc làm chính của Trung Quốc, chiếm tới 80% số việc làm mới.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ những rủi ro đối với nền kinh tế. "Họ nên thực hiện ngay các biện pháp để trấn án những doanh nhân đang lo lắng của đất nước", ông Pei bình luận.
Theo vị giáo sư, Trung Quốc cần làm rõ các khẩu hiệu đang được sử dụng trên những phương tiện truyền thông chính thức, tránh tạo ra nỗi lo sợ rằng Bắc Kinh đang ép buộc các doanh nhân giàu có phân phối lại tài sản dưới danh nghĩa từ thiện.
Chính quyền Trung Quốc cũng cần nhấn mạnh rằng cơ chế chính để đạt "thịnh vượng chung" là phát triển một hệ thống thuế lũy tiến minh bạch và mạng lưới an toàn xã hội mạnh mẽ, thay vì tịch thu của cải hợp pháp có được thông qua hoạt động kinh doanh tư nhân.
Đặc biệt, chênh lệch giữa nông thôn và thành thị là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng ở Trung Quốc. Do đó, chương trình "thịnh vượng chung" của chính phủ phải hướng tới cung cấp các dịch vụ công tại những vùng nông thôn.
Hai chính sách có thể thực hiện ngay lập tức là giáo dục trung học miễn phí và tăng chi tiêu cho y tế công cộng ở các vùng nông thôn.
(Theo Zing)