Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra một số nhận định về tăng trưởng tín dụng năm 2021 và hiện tượng dòng tiền vào bất động sản, chứng khoán thời gian qua.
- Theo đánh giá của ông, tín dụng sẽ tăng trưởng bao nhiêu trong năm 2021?
- Tôi nghĩ đâu đó khoảng 11 đến 13% là phù hợp. Quy mô tín dụng của chúng ta so với GDP khoảng 146%, có nghĩa là chúng ta tăng trưởng tương đối nhanh và mạnh. Tăng trưởng 14%/năm trong 10 năm qua cũng là mức tương đối cao so với khu vực và rõ ràng cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro chất lượng tín dụng về lâu dài, nếu chúng ta không hành động, điều hướng phù hợp.
- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng nhưng chỉ tiêu tương đối thấp, ước tính quy mô tăng trưởng chỉ khoảng 8-9%, đây có phải là động thái kiểm soát của cơ quan này?
- Trước hết, chúng ta hình dung chỉ tiêu giao đầu năm là tạm thời, mang tính chất định hướng. Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, NHNN sẽ điều chỉnh trong quý III hoặc cuối năm như các năm trước. Thực tế, tăng trưởng tín dụng quý I năm nay không dễ dàng. Hết quý đầu tiên, tín dụng mới tăng 1,47%, rõ ràng tương đối thấp so với kỳ vọng. Như vậy, chúng ta còn nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng nên không quá lo về câu chuyện hạn mức tín dụng.
- Một số ngân hàng cho biết đã sử dụng gần hết chỉ tiêu trong quý I. Điều này làm xuất hiện ý kiến rằng NHNN nên bỏ hạn mức tín dụng để các ngân hàng linh động hơn. Ông nhận định ra sao?
- Chúng tôi cũng đề xuất NHNN nên điều hành nền kinh tế, chính sách tiền tệ ở mức độ thị trường hơn và dùng nhiều công cụ gián tiếp hơn trực tiếp.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của NHNN có một số tổ chức tín dụng (TCTD) tương đối rủi ro và cần kiểm soát, quản lý chặt để không ảnh hướng đến hệ thống. Một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng tương đối nhanh thời gian qua, khi dùng hết thì NHNN sẽ xem xét căn cứ vào nhu cầu, năng lực, chất lượng tín dụng để đưa ra hạn mức mới phù hợp.
Nếu một ngân hàng tăng trưởng tín dụng một năm lên đến 20 - 40% cũng tương đối nóng. Ngân hàng cũng cần phải kiểm soát dư nợ để tránh rủi ro về lâu dài vì hiện nay chất lượng của doanh nghiệp vẫn còn tương đối thấp, nếu chúng ta cho vay cấp tốc sẽ bị rủi ro lâu dài nên cần phải tính toán ngay từ bây giờ.
Chúng tôi vẫn kiến nghị NHNN quản lý tín dụng của ngân hàng theo hệ số an toàn vốn (CAR) gồm cả chuyện huy động vốn và cho vay thì sẽ toàn diện hơn. NHNN cũng đã có lộ trình để áp dụng những chính sách đó.
Chuyên gia Tài chính Cấn Văn Lực. Ảnh: Lê Hải.
- Vừa qua, người dân đổ xô đầu tư bất động sản có phải do lãi suất ngân hàng thấp không, thưa ông?
- Tôi nghĩ lý do đó đóng góp một phần rất nhỏ. Nguyên nhân thứ nhất theo tôi, là do thời gian qua một số nhà đầu tư có lời trên thị trường chứng khoán đã chốt lãi và tìm một kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản.
Nguyên nhân thứ hai là thời gian qua có một số tỉnh, thành phố công bố quy hoạch nên tâm lý nhà đầu tư nghĩ có quy hoạch thì giá đất sẽ lên. Nguyên nhân thứ ba là do dòng tiền rẻ về nhiều hơn so với giai đoạn không có dịch. Người ta dùng tiền đó đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản.
Tuy nhiên, tôi cho rằng phải cẩn trọng, vì thông tin chuẩn là một chuyện, còn cần lưu ý quy hoạch để làm gì. Chính quyền địa phương phải vào cuộc, vì hiện tượng thổi giá của các môi giới, trong khi pháp lý chưa chắc chắn, gây ra rủi ro cho nhà đầu tư.
- Ông đề cập đến nhà đầu tư mới vào thị trường chứng khoán tăng nhanh, theo ông liệu có rủi ro nào không?
- Tôi cũng đã đưa ra cảnh báo về điều này. Số lượng tài khoản mở mới năm trước khoảng 400.000 đơn vị, đây là mức tăng đột biến. Quý I vừa qua con số này tiếp tục tăng. Rõ ràng điều gì cũng có lý do, nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi sau Tết, bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh. Đồng thời, yếu tố dịch bệnh khiến họ ưa chuộng loại hình trực tuyến, từ đó tìm đến thị trường chứng khoán.
Mặt khác, lãi suất tiền gửi giai đoạn vừa qua tương đối thấp so với mong đợi của nhà đầu tư, do đó có một dòng dịch chuyển vốn từ ngân hàng sang các kênh chứng khoán và bất động sản.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần hết sức thận trọng và phải đa dạng hóa kênh đầu tư, tránh tâm lý bầy đàn. Đồng thời, nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, vay bên này để đầu tư kênh kia, nếu như rủi ro là mất cả hai đầu cực kỳ nguy hiểm.
- Xin cảm ơn ông.