Theo chuyên gia Patricia Wenzel - Cố vấn tài chính cấp cao tại Merrill Lynch: “Nghỉ hưu thành công là có kế hoạch chi tiêu chi tiết và đảm bảo có đủ chi phí chăm sóc sức khỏe”.
Dưới đây là 6 bước được khuyến nghị thực hiện để cải thiện tình hình tài chính trước giai đoạn nghỉ hưu.
Lập kế hoạch ngay bây giờ
Tương lai luôn khó đoán định. Không ai biết trước mình có bao nhiêu thời gian hoặc sức khỏe sẽ diễn biến như thế nào trong tương lai.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính khuyên mỗi người nên lập kế hoạch nghỉ hưu càng sớm càng tốt.
“Bạn dự định nghỉ hưu ở độ tuổi nào? Bạn có thể tiết kiệm được bao nhiêu? Chi phí sinh hoạt ước tính khi đã nghỉ làm của bạn là bao nhiêu?”, CNN dẫn lời Patricia Wenzel.
Trả lời được các câu hỏi trên, mỗi người có thể hoạch định số tiền tiết kiệm được cho việc nghỉ hưu. Lưu ý, những ước tính đó sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và khi bắt đầu nhận các khoản thanh toán an sinh xã hội.
Tiết kiệm càng sớm, nỗi bất an tài chính càng giảm bớt
Theo chuyên gia tài chính Patricia Wenzel, ngay cả một số tiền nhỏ được tiết kiệm khi còn trẻ cũng có thể tạo nên giá trị lớn khi về già.
Người tiết kiệm càng muộn sẽ càng cần nhiều thời gian để đạt được mục tiêu của mình. Vì vậy, phương pháp tốt nhất là cố gắng làm việc và tiết kiệm nhiều nhất có thể. Hầu hết các chuyên gia khuyên chúng ta nên tiết kiệm từ 10% đến 15% tổng thu nhập. Nhưng hãy tiết kiệm bất cứ lúc nào có thể, ngay cả khi khoản tiết kiệm đó không thể lên tới 10% thu nhập.
Keith Bernhardt, Phó chủ tịch phụ trách thu nhập Hưu trí tại Fidelity Investments - cho biết: “Bất kể thu nhập hoặc mức tiết kiệm của bạn là bao nhiêu nhưng nếu có một kế hoạch tiết kiệm cụ thể thì bạn sẽ duy trì được sự an toàn tài chính trong thời gian nghỉ hưu".
Đầu tư số tiền tiết kiệm được
Lời khuyên của các chuyên gia tài chính là “đừng dừng lại ở tiết kiệm chi tiêu mà quên đầu tư”.
Cũng giống như tiết kiệm, những người bắt đầu đầu tư càng sớm, thì thu nhập càng gia tăng. Sẽ có rất nhiều cách đầu tư phù hợp với mỗi người. Điều này không chỉ giúp an tâm về tài chính mà còn giúp gia tăng số tiền tiết kiệm.
Theo các chuyên gia, mỗi người nên lựa chọn những cách đầu tư thông dụng và đơn giản để tránh rủi ro. Trước khi đầu tư cần tìm hiểu kỹ và có kế hoạch dài hạn.
Lập quỹ khẩn cấp
Việc hạn chế chi tiêu những thứ không cần thiết hoặc quá đắt đỏ cũng có thể giúp tăng cường tiết kiệm.
Mỗi người nên dành thời gian lập kế họach chi tiêu và thực hiện theo nó.
Ngoài ra, các chuyên gia tài chính khuyên mỗi người nên thiết lập một quỹ khẩn cấp cho những trường hợp bất khả kháng. Chẳng hạn như trường hợp khẩn cấp về y tế hay rủi ro việc làm.
Hầu hết các chuyên gia khuyên mỗi người nên tiết kiệm ít nhất 3 đến 6 tháng các chi phí sinh hoạt cho các tình huống khẩn cấp.
Xóa nợ trước khi nghỉ hưu
Một khoản nợ sau khi nghỉ hưu có thể ăn mòn số tiền tiết kiệm được. Đặc biệt, các khoản như nợ thẻ tín dụng hoặc nợ ngân hàng vẫn phát sinh lãi suất và sẽ ảnh hướng trầm trọng tới tài chính cá nhân. Hãy cố gắng giảm bớt hoặc xóa nợ trước khi nghỉ hưu để tài chính cá nhân vững vàng hơn.
Không rút tiền từ khoản tiết kiệm
Rút tiền quá sớm từ khoản tiết kiệm nghỉ hưu có thể gây ra những hậu quả không đáng có. Đây là một thói quen xấu và thậm chí phá vỡ nguyên tắc tiết kiệm ban đầu đề ra.
Nếu muốn có một nền tài chính vững chắc sau khi nghỉ hưu thì nên tuân thủ nguyên tắc “không rút” tiền tiết kiệm.
(Theo CNN/ Lao Động)