Ngày 16/5/2019, Diễn đàn xu hướng đầu tư bất động sản 2019 đã được tổ chức tại Hà Nội. Nhận định chung tại Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho hay, 8 tháng cuối năm 2019 thị trường vẫn chưa có tín hiệu tích cực rõ nét.
"Điểm mạnh nhất của thị trường bất động sản Việt Nam là lượng cầu tốt, chi tiêu cho bất động sản tương đối cao. Thị trường chung về dài hạn rất tốt bởi tâm lý người Việt Nam có bao nhiêu tiền thường để mua nhà mua đất, đó là chưa kể tốc độ đô thị hoá ngày càng cao, nhu cầu về nhà ở lớn", ông Nam cho biết.
Cũng theo ông Nam, dòng tiền của nhà đầu tư đang đổ về các vùng Mũi Né, Vân Đồn, Đà Nẵng, Phú Quốc, tương tự là sự bùng nổ bất động sản địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh…, đặc biệt ở các tỉnh ven biển phát triển condotel thu hút sức mua bất động sản nghỉ dưỡng rất lớn. Các địa phương này cũng có lượng dân không nhiều cho nên việc đổ vốn về đó đầu tư các dự án nhà ở cũng có thể gặp rủi ro, cần cảnh giác.
Ở một khía cạnh khác, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cũng đánh giá Việt Nam hiện đang là một trong những điểm nóng BĐS trong khu vực năm 2019. Với tiềm năng khổng lồ, triển vọng kinh tế vĩ mô và sự đầu tư không ngừng vào cơ sở hạ tầng, thị trường này đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều phân khúc BĐS khác nhau.
"Không mấy ngạc nhiên khi những nhà đầu tư phân khúc khách sạn đang đổ vào thị trường Việt Nam – một điểm nóng trong tương lai ở khu vực. Ngoài ra, bất động sản công nghiệp cũng được thúc đẩy nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đổ vào ngành sản xuất, cơ sở hạ tầng cải thiện và triển vọng cạnh tranh khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, là một trong những phân khúc có hoạt động M&A sôi động trong năm 2019", ông Matthew Powell đưa ra nhận định.
Theo ông Giám đốc Savills Hà Nội, thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng ngày, Savills vẫn luôn gặp gỡ các nhóm khách hàng đầu tư bày tỏ mối quan tâm; rất nhiều trong số đó là các nhà đầu tư lần đầu tìm hiểu về việc đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Các nhóm khách hàng này chủ yếu đến từ các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… Ngoài ra, còn có cả các quỹ đầu tư đến từ Mỹ và châu Âu và các quỹ đầu tư toàn cầu hiện cũng đang tích cực nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam. Tất cả các phân khúc thương mại và nhà ở đều đang được nhắm tới.
"Nhu cầu đầu tư vào thị trường là rất lớn, tuy vậy số lượng giao dịch còn hạn chế trong năm 2018 và 2019 bởi số lượng dự án được nhà đầu tư chào bán rất hạn chế", ông Matthew Powell cho biết.
Theo nhận định của Giám đốc Savills Hà Nội, tuy mối quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam của các nhà đầu tư quốc tế là rất lớn nhưng thách thức lớn nhất để biến mối quan tâm này thành hoạt động đầu tư hay sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả là việc giảm thiểu rủi ro đầu tư bất động sản tại Việt Nam.
"Mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài là tìm kiếm các dự án có thể nhanh chóng được phát triển và hoàn thiện để đi vào vận hành, vì vậy họ sẽ tìm đến các dự án minh bạch, chất lượng cao với các đối tác Việt Nam có thể hỗ trợ họ trong các các quy trình thủ tục về xin cấp phép xây dựng, thương lượng phí sử dụng đất, giải phóng mặt bằng và đền bù", ông nói.