CNBC đưa tin, tháng 4 vừa qua, số ca nhiễm tại Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục và không có dấu hiệu giảm đáng kể. Giới chuyên gia dự đoán rằng nền kinh tế khu vực Nam Á có thể sẽ suy giảm trong quý này.
Tại Việt Nam, thứ 3 tuần trước, Bắc Giang đã tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp. Đáng chú ý, trong đó có 3 khu công nghiệp có nhà máy của tập đoàn Foxconn, đối tác cung cấp của Apple. Theo đó, tập đoàn cũng thông tin rằng một số công ty con của họ đã tạm ngừng hoạt động tại các cơ sở ở Bắc Giang để tuân thủ chính sách chống virus của chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Lê Ánh Dương, nhấn mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo Foxconn và Luxshare tạm thời đóng cửa các nhà máy của họ trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Ông Dương nói thêm, các doanh nghiệp này đang thực hiện yêu cầu tạm thời đóng cửa toàn bộ nhà máy và các quan chức y tế sẽ được cử đến giúp các nhà máy tổ chức lại, từ đó có thể nhanh chóng hoạt động trở lại và hạn chế sự lây lan của virus.
"Chúng tôi hy vọng các nhà máy này sẽ hoạt động trở lại trong hai tuần để hạn chế sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay.
Trong quá khứ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp dịch chuyển chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất và phân phối sản phẩm, dịch vụ ra khỏi Trung Quốc. Kết quả là, các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ đã được hưởng lợi bởi hàng loạt doanh nghiệp xây dựng các nhà máy tại đây.
Theo Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, tình hình dường như đang thay đổi và chuỗi cung ứng có thể dịch chuyển trở lại Trung Quốc, do số ca nhiễm tăng đột biến tại Ấn Độ và Việt Nam.
"Trước giai đoạn đại dịch, loạt nhà máy đã chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc. Điển hình là Samsung và Foxconn đã đặt các nhà máy mới tại Việt Nam, Ấn Độ", ông chia sẻ trên kênh Street Signs Asia của CNBC vào hôm thứ 2.
Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng số lượng ca nhiễm tại hai nước này đã buộc các nhà máy như Foxconn phải tạm đóng cửa các cơ sở ở Ấn Độ và Việt Nam. "Điều này có thể khiến việc di dời chuỗi cung ứng bị đình trệ trong một thời gian", ông Zhang cho hay.
"Một vấn đề quan trọng khác là, hoạt động du lịch quốc tế vẫn chưa mở cửa, do vậy các tập đoàn đa quốc gia không thể cử nhân viên của họ đến Ấn Độ và Việt Nam để thiết lập nhà máy mới".
Trước đó, ông Richard Martin, Giám đốc điều hành IMA châu Á cho biết, đợt bùng phát dịch bệnh mới xảy ra ngay trong bối cảnh nhu cầu hàng hoá gia tăng từ Hoa Kỳ và Trung Quốc - hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, đã khiến giá hàng hóa tại các nhà máy khu vực Đông Á tăng vọt.
Ông Richard nhận định, bất kỳ "trục trặc" nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chẳng hạn như việc đóng cửa các nhà máy then chốt trên khắp châu Á như tại Việt Nam và Ấn Độ cũng có thể khiến lạm phát tại Hoa Kỳ tăng nhanh. "Đặc biệt, điều này ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ nhanh hơn so với chỉ số giá tiêu dùng ở Trung Quốc".
Nhìn chung, tình hình hiện tại có thể mang lại một số lợi thế nhất định cho Trung Quốc. Tuy nhiên, việc hưởng lợi này sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ và Việt Nam. Hiện tại, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng từ 20-40%/ tháng. "Nếu các nhà máy tại Việt Nam và Ấn Độ sớm phục hồi hoạt động sản xuất, tăng trưởng trong xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại vào nửa cuối năm".
"Nhưng nếu chuỗi cung ứng tại Việt Nam và Ấn Độ bị gián đoạn trong một thời gian dài, mức tăng trưởng xuất khẩu đáng kinh ngạc hiện nay của Trung Quốc có khả năng cao sẽ tiếp tục trong năm tới", đại diện Pinpoint Asset Management kết luận.