Những tháng gần đây khi thị trường cơ sở ảm đạm, phái sinh trở thành một điểm sáng khi thu hút mạnh dòng tiền. Theo ghi nhận, tổng giá trị giao dịch của chứng khoán phái sinh thời gian gần đây có phiên vượt mức tổng giao dịch mười nghìn tỷ đồng, trong khi con số trên thị trường cơ sở chỉ dừng lại tại mức vài nghìn tỷ, thậm chí dẹo dặt hơn.
Các báo cáo cập nhật của CTCK cũng liên tục lưu ý đến tính thanh khoản cao kỷ lục trên sàn phái sinh. Giai đoạn VN-Index tạo đáy tại vùng gần 900 điểm trong tuần thứ hai của tháng 7 cũng ghi nhận thanh khoản thấp kỷ lục với chỉ 2.700 tỷ đồng giá trị khớp lệnh bình quân trên cả 2 sàn cơ sở; trong cùng giai đoạn, giá trị giao dịch phái sinh cũng lại ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 13.700 tỷ.
Có thể khẳng định rằng phái sinh không hút dòng tiền từ thị trường cơ sở. Nhưng, thực tế cho thấy, giá trị giao dịch tăng chóng mặt khiến phái sinh trở thành tâm điểm của dư luận, giao dịch mở và đóng vị thế liên tục ngay trong ngày giao dịch chứ không nắm giữ dài hạn. Bởi, phái sinh có đặc điểm là tính thanh khoản ngày một cao, chưa kể đòn bẩy lớn, có thể linh hoạt đóng hay mở vị thế ngay trong phiên giao dịch theo cả hai chiều lên, xuống của thị trường.
Sau 1 năm, số tài khoản có giao dịch phái sinh đạt 11.225 đơn vị, trong đó có 95% là nhà đầu tư cá nhân.
Và, trước những bài học khủng hoảng do phái sinh gây ra trên thị trường chứng khoán thế giới, Việt Nam cũng bắt đầu dấy lên lo ngại về tính an toàn, hiệu quả của phái sinh.
Không có lũng đoạn
Giải đáp tình trạng này, ông Hoàng Huy – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) khẳng định, mọi biến động trên thị trường phái sinh vẫn chưa có gì đáng lo ngại.
Cụ thể, theo ông Huy, phái sinh Việt Nam chỉ mới được 1 tuổi, nên mọi biến động cũng là điều dễ hiểu, bởi chính sách chưa có hoàn thiện nên tình trạng kiểm soát chưa có chặt chẽ được, tuy nhiên rủi ro "lũng đoạn" theo ông Huy là chưa có. Không phủ nhận những biến động, những lệnh đặt liên tục trong phiên, vị này vẫn cho rằng những biến động hiện tại là có thể chấp nhận được.
Một điểm đáng chú ý khác, đại diện KIS phân tích sâu con số 10.000 tỷ giao dịch/phiên trên thị trường phái sinh thực chất là tổng giá trị hợp đồng chứ không hẳn là dòng tiền thực tế.
Nói đến động thái giảm phí đồng loạt từ các CTCK, đại diện KIS phân trần đó là điều hết sức dễ hiểu để họ tăng được khách hàng cho mình. Và dựa trên khách hàng thu hút được thông qua phái sinh, khi thị trường cơ sở đi vào đà tăng trở lại thì CTCK sẽ dễ dàng để kinh doanh hơn.
Góc nhìn từ "đàn anh" Hàn Quốc
Một nguyên nhân khác bổ sung cho khẳng định trên của mình, ông Huy nói đến những chia sẻ từ một chuyên gia chứng khoán phái sinh Hàn Quốc.
Trước khi Việt Nam vận hành thị trường phái sinh, KIS cũng đã có những trao đổi với những đại diện đến từ thị trường Hàn Quốc – thị trường mà có nhiều điểm tương đồng với thị trường Việt Nam 10 năm trước. Trong đó, đại diện này có chia sẻ khi Hàn Quốc mới bắt đầu vận hành thị trường phái sinh, thì việc điều chỉnh phí và luật lệ cũng diễn ra liên tục. Thanh khoản tăng mạnh giai đoạn đầu, những lo ngại… tất cả đều khá giống với thị trường Việt Nam hiện tại. Song, kết quả vẫn cho thấy sau 10 năm thị trường phái sinh hiện hoạt động rất hiệu quả và trơn tru tại Hàn Quốc. Chính như vậy, thị trường Việt Nam nếu kiểm soát và thời gian tới kỳ vọng sẽ ổn định cũng như phát sinh tác dụng như kỳ vọng hơn, ông Huy nói.
Đồng quan điểm, trước đó theo quan điểm của ông Kang Moon Kyung – Tổng Giám đốc Chứng khoán Mirea Asset – những nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư tổ chức thường mua và nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu trên thị trường, thực sự không dễ để nhà đầu tư quyết định mua và bán 1 lượng rất lớn chứng khoán cơ sở trong một giai đoạn nhất là khi thị trường đang giảm mạnh về điểm số và thanh khoản. Đó là luận điểm vị này nói khi được hỏi về "liệu thị trường phái sinh Việt Nam có tồn tại cá mập?"
Chi tiết hơn, ông Kang Moon Kyung chia sẻ với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, họ chỉ nhìn nhận chứng khoán phái sinh như một kênh đầu cơ trong ngắn hạn. Họ tham gia mua phái sinh giai đoạn vừa qua với mục đích kiếm lời khi sân chơi cơ sở không có cơ hội. Nhưng, đa phần mọi người không biết đó là: Kinh nghiệm từ các quốc gia khác (như Hàn Quốc chẳng hạn), chứng khoán phái sinh đóng vai trò là kênh bảo hiểm cho những khoản đầu tư trên thị trường cơ sở nhiều hơn là đóng vai trò ăn chênh kiếm lời ngắn hạn.