Mỹ và Trung Quốc mới đây đã có những động thái gia tăng căng thẳng thương mại ngay trước thềm đàm phán và sau gần nửa năm thống nhất tạm dừng leo thang. Người Đồng Hành có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về tương lai của xung đột và tác động tới Việt Nam trước những diễn biến mới này.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM). Ảnh: The Leader.
- Mỹ áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ngay trước thềm đàm phán cùng một loạt các tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Trump, căng thẳng này có thể đẩy tới đâu thưa ông?
- Thông điệp và động thái áp thuế diễn ra ngay trước thời điểm Mỹ và Trung Quốc tiến hành đàm phán. Những động thái này có thể hiểu một phần là hành động bên ngoài cuộc đàm phán để Mỹ gây thêm sức ép đối với Trung Quốc.
Năm 2018, khi Mỹ mới áp thuế bổ sung, Trung Quốc ngay lập tức trả đũa. Lần này thì khác, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 60 tỷ USD từ Mỹ, song chỉ chính thức áp dụng từ 1/6. Như vậy, Trung Quốc dường như để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán với Mỹ trong giai đoạn từ nay đến thời điểm 1/6. Cơ hội vẫn còn để hai bên tiếp tục đàm phán và tháo gỡ một số vấn đề.
Dù khả năng đàm phán và đạt được thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, nhưng quan trọng là cơ hội vẫn còn.
Ba kịch bản có thể xảy ra. Kịch bản thứ nhất, hai nước tiếp tục đàm phán và đạt được một số kết quả tạm thời trước thời điểm 1/6. Khi ấy, hai bên có thể đảo ngược lại quyết định tăng thuế của mình. Đây là kịch bản tôi mong đợi nhất, dù khá khó khăn.
Kịch bản thứ 2, Mỹ - Trung tiếp tục duy trì tình trạng thuế như hiện nay và tiếp tục đàm phán sau thời điểm 1/6. Dù có nhiều bất lợi nhưng ít nhất 2 bên tạm dừng leo thang. Những thiệt hại kinh tế hiện hữu có thể sẽ buộc hai nước phải có những động thái tích cực hơn trong đàm phán.
Xấu nhất là kịch bản khi 2 bên sử dụng tất cả các biện pháp của mình để gây căng thẳng, thậm chí làm thiệt hại cho nhau, kể cả khi biết mình cũng bị không ít tổn thất.
- Khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư, Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào khi những căng thẳng này leo thang?
- Các kịch bản leo thang như vậy không phải đến nay Việt Nam mới tính toán đến. Bản thân các cơ quan và doanh nghiệp của Việt Nam đều đưa ra nhiều kịch bản chi tiết trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hệ lụy có thể có đối với Việt Nam.
Chúng ta không bao giờ mong muốn kịch bản cả Mỹ và Trung Quốc căng thẳng khi cả 2 đều là đối tác quan trọng của Việt Nam cũng như là siêu cường kinh tế có sức ảnh hưởng đến thị trường thế giới.
Nhưng dù sao, chúng ta cũng phải đối mặt với những diễn biến thực tế. Đối với những động thái leo thang căng thẳng từ đầu tháng 5 của Mỹ và Trung Quốc, tôi cho rằng tác động đến Việt Nam nằm ở 2 khía cạnh chính là mặt bằng giá cả thế giới và thị trường tài chính. Tác động đối với dòng vốn đầu tư sẽ lớn hơn, nhưng có lẽ sẽ chỉ là kéo dài xu thế đã được nhìn nhận từ đầu năm 2018.
Căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa thế giới nói chung và giá nguyên liệu đầu vào nói riêng mà trực tiếp là các mặt hàng bị áp thuế.
Những ngày vừa qua, thị trường tài chính chịu tác động lớn nhất. Biến động từ các thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ, phản ánh tâm lý nhà đầu tư thực sự lo ngại trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Phản ứng của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính tạo hiệu ứng dây chuyền trên thế giới và ít nhiều tác động tới cả nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đấy là tác động trước mắt còn trong một vài tháng tới, tác động từ căng thẳng sẽ phức tạp, khó lường hơn.
Căng thẳng thương mại đang leo thang. Ảnh: MarketWatch.
Trong mọi trường hợp, Mỹ và Trung Quốc đều không bên nào được lợi từ chiến tranh thương mại, do tác động từ môi trường thương mại toàn cầu bất định hơn. Trong ngắn hạn, kịch bản tốt nhất cũng chỉ là những phân chia lại một cách tạm thời những lợi ích về thương mại song phương. Về lâu dài, kể cả 2 bên đạt được những thỏa thuận, vẫn có thể có những bất đồng khác. Trông chờ (ít nhất) đến khi nhìn thấy kết cục của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể là quá muộn để có những giải pháp chính sách phù hợp. Ngược lại, tác động đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ phụ thuộc đáng kể vào mức độ chuẩn bị của chính chúng ta.
Nếu Việt Nam có thể giảm thiểu được những tác động bất lợi từ thị trường tài chính và thị trường hàng hóa thế giới thì sẽ duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và tạo đà để tiếp tục cải cách trong nước.
- Việt Nam nên chuẩn bị những gì trong bối cảnh hiện nay thưa ông?
- Chúng ta đã thấy trong 6 tháng cuối năm 2018 - khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra, doanh nghiệp Việt cũng đã ứng xử tương đối khéo léo và thực dụng một số mặt hàng Việt Nam có lợi thế vẫn đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất nhập khẩu như dệt may, da giày, thủy sản...
Rõ ràng những doanh nghiệp có nhận thức tốt hơn về thị trường, nhận định được những khó khăn, cơ hội thách thức ở các thị trường thì cũng có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh, khai thác ở các thị trường có nhiều cơ hội tiềm năng.
Theo đó, chúng ta cần lo ngại về tính bất định gia tăng trong bối cảnh leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhưng cũng không nên đánh giá quá thấp vào sự thích nghi, sự sáng tạo của doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn.
Cần lưu ý, Việt Nam đã có hiệp định CPTPP và sắp tới có thể là EVFTA – những hiệp định không có sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc. Cơ hội để Việt Nam hưởng lợi từ xuất khẩu vẫn hiện hữu, mặc dù khó khăn hơn.
Cuối cùng là cải cách môi trường kinh doanh. Những năm vừa qua, Việt Nam đã không ngừng làm sâu sắc hơn cải cách môi trường kinh doanh với nỗ lực của Chính phủ. Vấn đề cần đặt ra là liệu trong bối cảnh chiến tranh thương mại, liệu chúng ta có quá quan tâm đến xử lý tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài mà “bỏ lơ” đi cải cách môi trường kinh doanh trong nước hay không?
Dưới góc độ nghiên cứu và vận động cải cách, tôi vẫn hy vọng trong bối cảnh bất định hiện nay, bên cạnh giảm thiểu những bất lợi từ thế giới trong đó có chiến tranh thương mại, Việt Nam giữ được sự kiên trì với quá trình cải cách thể chế kinh tế thực chất trong nước. Đẩy nhanh cải cách sẽ tạo thêm động lực và giảm chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp yên tâm hơn về một Nhà nước “cùng đồng hành” trong bối cảnh khó khăn.
- Trên Twitter, ông chủ Nhà Trắng nhắc đến Việt Nam như một thu hút đầu tư tiềm năng trong cuộc chiến thương mại. Bên cạnh những lo ngại về ảnh hưởng, ông đánh giá thế nào về sự dịch chuyển dòng vốn được ghi nhận thời gian gần đây?
- Nhiều báo cáo nhắc tới tác động từ chiến tranh thương mại và cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến cho việc đầu tư tại Trung Quốc rủi ro hơn. Qua tiếp xúc thực tế, chúng tôi ghi nhận cả 2 nhóm nhà đầu tư - đang hiện diện hoặc đang cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc - đều thể hiện sự lo ngại và cho rằng Việt Nam và 1 số nước khác tương đối hấp dẫn hơn tại thời điểm này.
Nhưng nếu chỉ nhận định như vậy, chúng ta đã đánh giá thấp vai trò của hiệp định CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Hiệp định này tạo dựng cơ hội tiếp xúc thị trường tương đối quan trọng như Canada, Australia, New Zealand, Nhật Bản... Việc nhà đầu tư tìm đến Việt Nam tận dụng thị trường, từ đó hưởng lợi từ các ưu đãi CPTPP chính là một hệ quả quan trọng, đã được nhìn thấy trước từ khi tham gia CPTPP. Nói cách khác, kể cả không có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn cũng sẽ chuyển một phần sang Việt Nam khi CPTPP được đưa vào thực hiện.
Trong chừng mực ấy, duy trì cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh và lựa chọn dự án đầu tư có chất lượng vẫn có ý nghĩa quan trọng, không nên phụ thuộc vào diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
- Xin cảm ơn ông!