"Tuy nhiên, nguy cơ hình thành "bong bóng" là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều NĐT nhỏ lẻ nhảy vào đầu cơ khiến giá đất bị "thổi phồng" đến mức mất kiểm soát sẽ gây ra nhiều bất cập cho sự phát triển của ngành BĐS và nhiều lĩnh vực kinh tế khác của khu vực. Thực tế, trường hợp Thành phố Thủ Đức là một ví dụ điển hình", ông David Jackson nhấn mạnh.
Hướng đi đúng đắn nhưng còn nhiều việc phải làm
Theo ông David Jackson, với việc 3 huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè đã có lộ trình chuyển thành quận hoặc thành phố trực thuộc Tp.HCM, việc BĐS ở khu vực này sẽ nhộn nhịp trong giai đoạn tiếp theo là điều dễ hiểu. Thực tế, thị trường BĐS ở các khu vực này đã bắt đầu phát triển với việc xuất hiện nhiều dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, thu hút được người mua thực về ở. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng vì sự phát triển của những khu vực này sẽ giảm thiểu áp lực đô thị hóa cho Tp.HCM.
Nhà Bè và Bình Chánh ở vào vị trí cửa ngõ của Tp.HCM với các vùng Tây Nam Bộ nên hai quận này sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn và tạo thêm nhiều việc làm. Lộ trình phát triển này còn là "chất xúc tác" để nhiều dự án đang bị treo có thể tiếp tục phát triển, điển hình là dự án làng đại học Hưng Long. Nhìn chung, quyết định này sẽ khiến 2 khu vực này càng trở nên "nhộn nhịp" hơn trong tương lai.
Theo ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers Việt Nam, việc 3 huyện lên quận là hướng đi đúng đắn nhưng còn nhiều việc để làm
Tuy nhiên, theo ông David Jackson nguy cơ hình thành "bong bóng" là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều NĐT nhỏ lẻ nhảy vào đầu cơ khiến giá đất bị "thổi phồng" đến mức mất kiểm soát sẽ gây ra nhiều bất cập cho sự phát triển của ngành BĐS và nhiều lĩnh vực kinh tế khác của khu vực. Thực tế, trường hợp TP Thủ Đức là một ví dụ điển hình.
Hiện nay, giá đất tại Thành phố Thủ Đức đã cao ngất ngưởng, nhiều nơi đã bằng với giá đất tại trung tâm Tp.HCM. Thậm chí, ngay tại thời điểm Thủ Đức trở thành thành phố trực thuộc Tp.HCM, giá đất ở quận 9 và quận 2 tăng lên 30% gần như ngay lập tức. Mức giá này không chỉ tạo ra rào cản cho người có nhu cầu về nhà ở mà còn cản trở các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này.
Theo ông David Jackson, việc chi phí kinh doanh quá cao dẫn đến lợi nhuận không còn đủ hấp dẫn có thể sẽ khiến họ thay đổi kế hoạch kinh doanh và chọn nơi khác để đầu tư. Ngoài ra, giá đất nền cao làm việc đền bù, bồi thường, giải tỏa và chi phí đầu vào để phát triển dự án cũng tăng theo. Việc đầu cơ BĐS khiến các nhà thầu xây dựng buộc phải tập trung vào phân khúc nhà ở trung cấp và cao cấp để tìm kiếm lợi nhuận từ các dự án. Thực tế, giá đất nền ở Tp.HCM quá cao dẫn đến nguồn cung thực tế của phân khúc bình dân chỉ có 6% và hiện tại vẫn chưa có thêm dự án nào đang xây dựng thêm.
Chính sách phát triển hợp lý sẽ thúc đẩy phát triển
Để ngăn chặn khả năng xảy ra "sốt" đất trong tương lai, ông David Jackson cho rằng, nên có chủ trương khuyến khích các tập đoàn BĐS lớn đầu tư và giảm thiểu sự hiện diện của nhà đầu tư nhỏ. Bởi vì để thị trường phát triển bền vững, đúng giá trị, các dự án BĐS cần đi đôi với hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học, công viên – dự án mà các công ty nhỏ thường là không đủ năng lực để thực hiện. Qua đó, phần nào giảm tải được áp lực cho Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng để tập trung hơn vào các công việc khác như mở rộng đường xá thông thoáng, giảm thiểu tình trạng ngập nước và ô nhiễm… cũng như nâng cao chất lượng đô thị, biến các huyện này thành nơi thu hút thêm cư dân về sinh sống lẫn nguồn vốn đầu tư.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng nên sớm công bố chi tiết quy hoạch tại các khu vực này để người dân có thông tin rõ ràng và giúp họ tiếp cận được nguồn cung nhà ở với giá cả hợp lý. Qua đó có thể giảm thiểu việc giới đầu cơ tung tin giả, giúp họ đẩy giá quá cao so với giá trị thực để trục lợi.
Một số gợi ý về phát triển hạ tầng
Ông David Jackson cho rằng, với hướng phát triển phù hợp, người dân khu vực này sẽ được cải thiện môi trường sống nhờ sự hình thành những khu đô thị hiện đại, đầy đủ các tiện ích như trường học, bệnh viện, giao thông thuận lợi… Các hệ thống này cũng cần được đầu tư và giám sát để đảm bảo được chất lượng dịch vụ. Từ đó góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người của khu vực và thu hút thêm cư dân về sinh sống.
Ngoài ra, việc quy hoạch có kiểm soát cũng giúp người dân nhận được mức đền bù thỏa đáng và giúp họ có thể tái định cư phù hợp.
Các khu vực này là các đô thị vệ tinh của Tp.HCM nên việc phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố tiên quyết để phát triển bền vững. Hệ thống giao thông công cộng nên được tiếp tục đầu tư mạnh mẽ. Thực tế, đây cũng chính là xu hướng của thế giới. Người dân ở các nước phát triển thường chọn các đô thị vùng ven là nơi sinh sống và di chuyển đến khu vực trung tâm để làm việc bằng các phương tiện công cộng vừa nhanh, vừa rẻ. Việc xây dựng và mở rộng các con đường huyết mạch ở các huyện này cũng cần được đảm bảo vì đây là các cửa ngõ quan trọng của Tp.HCM với các tỉnh lân cận.
Theo vị chuyên gia này, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng tạo ra yêu cầu xây dựng hệ thống cấp thoát nước tiên tiến để giảm thiểu việc ngập nước và ô nhiễm cho khu vực.